Tháo gỡ khó khăn trong hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch: Các địa phương, hiệp hội đề xuất cách làm thiết thực
(Tổ Quốc) - Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, với đối tượng là hướng dẫn viên du lịch, các Sở quản lý du lịch địa phương và đơn vị liên quan đã nhận diện được khó khăn, vướng mắc để có nhiều giải pháp, đề xuất thiết thực.
Sau gần 2 tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể với đối tượng là hướng dẫn viên du lịch, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, đã có 2.741 hồ sơ đủ điều kiện được hỗ trợ với tổng số tiền được giải ngân tính đến thời điểm hiện tại là 10.169 tỉ đồng.
Nhận diện vướng mắc trong công tác hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội có hơn 5.800 người được cấp thẻ hướng dẫn viên, trong có đó hơn 3.000 hướng dẫn viên ở Hà Nội, còn lại ở các tỉnh, thành phố khác. Đến nay, Sở mới nhận được 96 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trong số đó chỉ có 49 hồ sơ đủ điều kiện, còn lại là chưa đủ điều kiện và đang trong quá trình giải quyết.
Theo điều kiện của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thì yêu cầu hướng dẫn viên phải có thẻ hướng dẫn viên và hợp đồng lao động hoặc thẻ hiệp hội nghề nghiệp. Nhưng qua quá trình giải quyết hồ sơ cho thấy đa số các hồ sơ không đủ điều kiện đều do các hợp đồng không đáp ứng, còn số người có thẻ hội viên hội nghề nghiệp không có nhiều.
"Rất nhiều hướng dẫn viên chỉ có hợp đồng vụ việc, đi tour thật, có đóng góp cho ngành… nếu không nhận được hỗ trợ (vì hồ sơ không hợp lệ) sẽ rất thiệt thòi cho họ" - Bà Giang nói.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, Khánh hòa có 1.525 hướng dẫn viên đã được cấp thẻ, đến nay Sở đã phê duyệt được 82 trong tổng số 108 hồ sơ gửi đến.
Việc duyệt hồ sơ vẫn đang thực hiện đúng theo thời gian quy định nhưng số lượng còn hạn chế do gặp nhiều khó khăn như hiện nay Tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội khiến việc hoàn thiện, công chứng giấy tờ cho các hồ sơ gặp nhiều khó khăn, một số các đơn vị lữ hành đang dừng hoạt động nên việc xác định hợp đồng cho hướng dẫn viên cũng không thực hiện được, các hướng dẫn viên có tâm lý e ngại nộp hồ sơ do tính chính xác chi tiết của hợp đồng, việc ký lại hợp đồng cũng gặp nhiều hạn chế.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, có 4.751 hướng dẫn viên du lịch của thành phố được cấp thẻ. Đến nay, số hồ sơ Đà Nẵng đã xử lý được là 3.100. Trong đó, số người nhận được tiền hỗ trợ là khoảng 1.229. Số hồ sơ được nhận qua hình thức trực tuyến là 1.800. Hiện Đà Nẵng chỉ có 33 hồ sơ đã được duyệt vì có hợp đồng lao động với các công ty du lịch, còn lại hầu hết là hội viên hội hướng dẫn viên...
Đại diện Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực nêu ý kiến, hiện nay do Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, việc in mới và cấp phát lại thẻ cho hội viên bị chậm hơn so với trước, đồng thời việc gửi thẻ hội viên đến các tỉnh cũng gặp khó khăn do từ 15/8 đến nay bưu điện không được nhận giao các mặt hàng không thiết yếu .
Đề xuất chỉ cần thẻ hướng dẫn viên còn hạn là được nhận hỗ trợ
Với mong muốn sẽ hỗ trợ được nhiều hơn nữa những hướng dẫn viên đang gặp khó khăn, Sở Du lịch Hà Nội đề nghị chỉ có thẻ hướng dẫn viên còn hạn là đủ điều kiện nhận hỗ trợ hoặc nếu không được thì có thể mở rộng điều kiện của hợp đồng lao động, chỉ cần là hợp đồng lao động đi tour hoặc đi theo vụ việc là sẽ được xem xét hỗ trợ cho hướng dẫn viên.
Hà Nội cũng đã có kế hoạch giám sát trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch trong thời gian tới, để việc hỗ trợ từ tiền ngân sách phải đảm bảo đúng quy định.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, việc thay đổi như vậy coi như là một hình thức hỗ trợ để động viên, giữ chân nguồn nhân lực quan trọng này sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì có thể hoạt động trở lại. Sở cũng thành lập ba tổ kiểm soát nội bộ đảm bảo tiến độ giải quyết hồ sơ cũng như thanh quyết toán đúng theo quy định, đồng thời, Hà Nội cũng kiến nghị nên mở rộng các đối tượng khác trong ngành du lịch như lễ tân, lái xe... vì đây cũng là những đối tượng gặp khó khăn bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cùng ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch Khánh Hòa đề xuất các hồ sơ nên ngắn gọn và giảm bớt những chi tiết trong hồ sơ, chỉ cần thẻ hướng dẫn viên còn hạn thôi là có thể chi trả hỗ trợ. Việc giảm bớt các chi tiết trong hồ sơ sẽ làm giảm tâm lý e ngại trong việc chủ động nộp hồ sơ của nhiều hướng dẫn viên có mong muốn nhận hỗ trợ.
Để hỗ trợ kịp thời nhất, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng đề nghị chỉ cần thẻ hướng dẫn viên còn hiệu lực là được nhận hỗ trợ và ý kiến này cũng nhận được sự đồng thuận đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng.
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng đồng ý với ý kiến với đề xuất tất cả hướng dẫn viên được cấp thẻ trước 7.7.2021 đều được nhận gói hỗ trợ này (trừ những trường hợp đang nhận lương từ ngân sách nhà nước) và một trường hợp nữa là những hướng dẫn viên có thẻ hết hạn trong năm 2019 và 2020 nhưng do tình hình dịch bệnh không thể gia hạn thẻ được, nên cho nợ để gia hạn thẻ sau.
Với khó khăn từ hợp đồng lao động, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hàng Unesco cho rằng, chỉ cần các doanh nghiệp xác nhận hướng dẫn viên đó đã từng có hợp đồng thời vụ, ngắn hạn, hoặc đã đi tour phục vụ cho doanh nghiệp là được, nên bỏ qua các khâu công chứng, giấy tờ của hợp đồng, đấy cũng là cách làm nhanh gọn, giảm bớt thủ tục nhằm hỗ trợ các hướng dẫn viên trong khâu hoàn thiện hồ sơ./.