Tháp rùa Hà Nội - Trái tim của Hồ Gươm giữa lòng thủ đô
Thực hiện: Nam Nguyễn | 05/10/2024
(Tổ Quốc) - “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội… /Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm Nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng/Thành cũ Thăng Long hồn nước non thiêng/Còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng Hà Nội ơi”…mỗi lần bài hát Nhớ về Hà Nội vang lên, những ai đã từng đến Thủ đô, đặc biệt những người Hà Nội ở khắp mọi miền Tổ quốc và thế giới lại thắt lòng nhớ về Hà Nội yêu dấu. Yêu Hà Nội, nhớ Thủ đô nhưng mấy ai biết sự tích Tháp Rùa.
Nằm giữa Hồ Gươm, từ lâu Tháp rùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân thủ đô Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Tháp Rùa là một ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa Hồ Gươm. Theo sử ghi, tên gọi tháp Rùa là vì tháp được xây trên đảo rùa - gò đất nhỏ nổi lên giữa hồ, nơi rùa Hồ Gươm thường lên phơi nắng hay đẻ trứng.
Theo ghi chép, Tháp được xây từ thời vua Lê Thánh Tông để làm nơi nhà vua ra câu cá. Sang thời Lê Trung Hưng, khoảng thế kỷ XVII - XVIII, chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò, nhưng đến thời nhà Nguyễn thì không còn.
Tháp Rùa được xây dựng trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4/1886 trên gò Rùa và chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp.
Tháp hình chữ nhật. Tầng một có chiều dài 6,28 mét có 2 mặt hướng Đông và Tây, mỗi mặt có 3 cửa. Chiều rộng 4,54 mét, mỗi mặt có 2 cửa. Các cửa đều được xây cuốn, đỉnh thuôn nhọn.
Tầng hai có chiều dài 4,8 mét, rộng 3,64 mét và có kiến trúc giống như tầng một. Tầng ba có chiều dài 2,97 mét, rộng 1,9 mét. Tầng này chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, đường kính 0,68 mét, phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp tức là tháp Núi Rùa. Tầng đỉnh có nét giống một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2 mét. Thời Pháp thuộc, trên đỉnh Tháp Rùa có dựng một phiên bản của tượng Nữ Thần Tự Do (1890-1896) mà dân chúng châm biếm gọi là tượng Đầm Xòe. Sang thập niên 1950 tượng này đã bị phá bỏ.
Sự giao thoa giữa hai lối kiến trúc là kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa tạo đã nét đẹp độc đáo, riêng biệt của Tháp Rùa. Điều quan trọng nhất là Tháp Rùa đã, đang tồn tại không chỉ là hiện hữu mà còn là tinh thần của người dân Hà Nội nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung.
Nếu nói Hồ Gươm là một lẵng hoa tươi rực rỡ giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội thì có thể nói Tháp Rùa chính là bông hoa đỏ thắm nổi bật nhất của lẵng hoa đó. Giữa mặt nước Hồ Gươm quanh năm một màu xanh lục thì tháp hiện lên như một điểm nhấn đầy linh thiêng.
Vì thế mà dù chỉ là một tháp nhỏ nhưng được đặt trong một gò đất giữa lòng hồ hàng trăm năm, Tháp Rùa tạo nên vẻ đẹp trung tâm, vừa gần vừa xa, vừa luống màu thời gian huyền bí và tĩnh mịch. Với vị trí đặc thù, du khách thường chỉ có thể nhìn ngắm tham quan Tháp Rùa từ các vị trí xung quanh bờ hồ nên sự thu hút, hiếu kỳ càng được tăng lên.
Một điểm đặc biệt nữa của Tháp Rùa đó chính là truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm nơi gắn liền với truyền thuyết gươm thần. Chính tất cả những yếu tố này đã khiến cho Tháp Rùa trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử và tâm linh linh thiêng của Hà Nội.
Bất kỳ ai khi đến với Hồ Gươm, chắc chắn việc đầu tiên sẽ là kiếm tìm hình bóng Tháp Rùa xem nó nằm đâu giữa hồ nước rộng lớn đó. Thoáng ẩn hiện, lấp ló sau những tán lá cây ven hồ dưới những bức ảnh, ngọn tháp lại càng thêm cuốn hút những ai được một lần đặt chân đến Thủ đô.
Khi ghé thăm điểm đến này, du khách vừa có thể tìm hiểu về lịch sử và văn hóa dân tộc, ngắm nhìn vẻ đẹp của công trình này và ngắm nhìn toàn cảnh Hồ Gươm. Nhìn từ xa, Tháp Rùa như là một bức tranh cổ tích tràn đầy nét đẹp và sức sống.
Tháp Rùa đã trở thành một biểu tượng mang vẻ đẹp văn hóa của Hà Thành.
Tháp rùa rực sáng về đêm.
Bất kỳ ai khi đến với Hà Nội đều muốn lưu giữ hình ảnh Tháp Rùa.