• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thật là kiếm chỗ học cho con mà như đặt kèo World Cup!

Thời sự 06/07/2018 14:01

(Tổ Quốc) -Nhiều địa phương trong cả nước đang trong “chảo lửa”. Ngoài trời, người dân đang phải tìm đủ cách đối phó với nắng nóng. Tại các trường học, ở các cấp học phụ huynh cũng đang đội nắng, sấp ngửa lo một chỗ học cho con. Dù đang là lúc nghỉ hè nhưng sự học vẫn đang đè nặng lên vai phụ huynh và con em họ.

Một kỳ thi vào lớp 10 khiến nhà nhà, người người âu lo vì “lứa Dê vàng” gây quá tải trường lớp. Gần 95.000 thí sinh “thi đấu” để có 1 suất học ở trường công lập Hà Nội. Dù Hà Nội đã tăng thêm  12.330 chỉ tiêu so với năm học trước thì vẫn khoảng 30.000 em phải rẽ sang các trường dân lập, trường nghề. Cánh cửa hẹp này buộc con em chúng ta học ngày học đêm, học chính trên trường, học thêm ở trung tâm, nhà thầy cô và cả học trực tuyến. Đến ngày thi thì các cô bé, cậu bé đang tuổi trăng tròn lại phải bật khóc vì đề… khó.

Chưa dừng lại ở đó, bậc làm cha làm mẹ và con em mình lại phải “sống trong sợ hãi” khi dù đã biết điểm thi nhưng để có điểm chuẩn thì phải chờ cả tuần. Ròng rã trông ngóng và khi mức điểm chuẩn các trường được công bố, một cuộc đua tốc lực bắt đầu. Con học giỏi điểm cao cũng lo vì năm nay nhiều cháu giỏi cùng đổ về một trường, “e đấu không lại”. Con học làng nhàng lại càng lo vì số lượng đông thế “làm sao con mình có cửa”. Những hình ảnh, thông tin điểm chuẩn “nhảy múa” như chứng khoán, phụ huynh bật khóc vì sáng con mình đủ điểm, vội vàng đi hoàn tất hồ sơ, chiều đến nộp con lại trượt vì thiếu điểm tràn ngập các mặt báo. Nghẹt thở và đau tim. Tự trách mình rồi lại lao ra đường giữa cái nắng gắt để mong tìm được một cơ hội mới cho con ở trường dân lập.

Ảnh minh họa/ Minh Khánh

Rồi lại đến ngày hạ điểm. Cái vòng luẩn quẩn rút- nộp lại tiếp diễn. Chưa kịp mừng vì con mình đủ điểm vào ngôi trường mơ ước hay ngôi trường có mức học phí vừa với hoàn cảnh gia đình, phụ huynh lại bị gây khó dễ, nặng thì khỏi trả, nhẹ thì trả hồ sơ khỏi trả lại tiền.

Thật là kiếm chỗ học cho con mà như đặt kèo World Cup!

Không chỉ "toát mồ hôi" với bức tranh tuyển sinh vào lớp 10 mà “đầu vào” của cả cấp học cao hơn lẫn thấp hơn cũng không khác là bao.

Bên cạnh lứa “Dê vàng” thì lứa “Rồng vàng” – Canh Thìn bước vào kỳ thi đại học năm nay lại méo mặt bởi đề chẳng dễ lấy điểm như mọi năm. Không những thế, hàng loạt những nhận định về đề thi THPT của các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo như đề khó, quá dài, liệu thầy cô có khó chấm, thậm chí cả những sai sót… càng khiến các sĩ tử kéo dài căng thẳng dù đã rời khỏi phòng thi. Rồi đến ngay cả những hé lộ về một vài điểm số cao chót vót chưa kịp thở phào, hi vọng thì lại đi kèm thông tin xuất hiện “điểm liệt” khiến không chỉ người trong cuộc mà người ngoài cuộc cũng đứng ngồi không yên.  

Với em nhỏ 2 tuổi, 6 tuổi chuẩn bị đi học mẫu giáo và vào lớp 1 tưởng chừng vô lo vô nghĩ với kỳ nghỉ hè đẹp đẽ. Nhưng không, ngoài việc các em phải chuẩn bị một số các kỹ năng cơ bản để đến môi trường giáo dục mới thì cũng là một chạy đua khá căng thẳng. Có những gia đình cha mẹ phải “canh”, không dám đi công tác vì sợ nhỡ không đăng ký trực tuyến được thì phải trực tiếp đi nộp hồ sơ. Chưa hết, các gia đình có điều kiện cũng thi nhau với cuộc đua “chạy” vào trưởng điểm với một khoản chi phí không hề rẻ. Rồi về nhà lại bắt con em ôn luyện kiến thức, IQ, học trước chương trình, luyện viết chữ đẹp… để còn thi tuyển. Những hình ảnh cha mẹ thức đêm, hay xếp hàng từ sáng sớm dài dằng dặc để nộp hồ sơ cho con đi học hẳn không còn xa lạ, bởi nó như một điệp khúc, lặp đi lặp lại từ năm nay qua năm khác. Mệt mỏi trước áp lực chọn trường với tỉ lệ hồ sơ cao chót vót của lứa tuổi Nhâm Thìn vào lớp 1, đến nỗi có gia đình còn tính đến chuyện cho con học lùi lại một năm để… dễ thở hơn.

Ảnh minh họa/ Minh Khánh

Chúng ta ai cũng biết một năm có bốn mùa theo tự nhiên. Nhưng dường như những năm gần đây còn cả mùa thi, mùa tuyển sinh khiến người người, nhà nhà mệt mỏi, quay cuồng. Với tình trạng này, đến bao giờ nhu cầu chính đáng của trẻ em là được học tập hết gian nan, để đúng như mục tiêu Hiến pháp đã đặt ra: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Học tập là một trong những quyền của các em. Vậy nhưng để thực hiện được cái quyền này thì không chỉ các em mà có lẽ cả gia đình, xã hội cũng phải căng mình, lên dây cót hết nhà này đến nhà khác, hết mùa này đến mùa khác. Và dù quay cuồng với hơn bốn mùa của tự nhiên như vậy mà với các em lại "như chưa hề có mùa vui chơi" - mùa hè theo đúng nghĩa của biết bao lứa học sinh.

Lê Phạm

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ