• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thất lạc bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm- “Chuyện đại sự“

Thời sự 09/05/2018 06:01

(Tổ Quốc) -Thông tin khiến nhiều người phải thốt lên hai từ “lạ lùng” trong suốt tuần qua, đó là tấm bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm “biến mất”. Đây là "chuyện đại sự".

Thông tin khiến nhiều người phải thốt lên hai từ “lạ lùng” trong suốt tuần qua, đó là tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm bỗng dưng... “biến mất”. Cho dù, để ra đời được bản đồ quy hoạch này (thập kỷ 90 của thế kỷ 20), hàng loạt cơ quan chức năng của TP.HCM, Bộ Xây dựng đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức để hoàn thành. Rồi sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Thủ tướng mới ra văn bản số 367 (năm 1996) về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Những người “thai nghén” nên bản quy hoạch này khi ấy đã ấp ủ biến Thủ Thiêm thành trung tâm giao dịch thương mại tài chính, khu trung tâm văn hóa du lịch và giải trí… Và khu đô thị mới sẽ kế tục, phát triển hài hòa với trung tâm thành phố cũ để trở thành trung tâm thành phố hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển. Còn những người dân vốn từ đời này sang đời khác sinh sống ở Thủ Thiêm sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi từ bản quy hoạch, được đảm bảo cả sinh kế lẫn đời sống tâm linh.

Thế nhưng thực tế lại không phải vậy. Trong quá trình triển khai, một bộ phận người dân thuộc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm cho rằng đất, nhà cửa của họ không nằm trong ranh giới quy hoạch nên không chấp hành di dời. Những bức xúc của người dân đã kéo dài trong cả chục năm qua, dù được rất nhiều cấp, ngành đối thoại, giải quyết. Và câu “chuyện lạ” bắt đầu. Khi người dân đòi hỏi cơ quan chức năng đưa ra bản quy hoạch để chứng minh đất đai, nhà cửa họ đang sử dụng nằm trong quy hoạch thì câu trả lời lại là bản đồ quy hoạch chung- văn bản pháp lý quan trọng đi kèm với Quyết định số 367 của Thủ tướng phê duyệt ngày 4/6/1996- đã bị… thất lạc.

Thủ Thiêm được “thai nghén” trở thành trung tâm giao dịch thương mại tài chính, trung tâm văn hóa du lịch và giải trí…

Một câu trả lời mà có lẽ những người có bộ óc hài hước nhất cũng không thể ngờ tới. Dù các tài liệu hồ sơ liên quan vẫn còn lưu nhưng riêng bản đồ quy hoạch lại… thất lạc. Và người ta đã lục tìm tại hàng loạt cơ quan, từ cấp TP đến Trung ương có trách nhiệm lưu giữ bản quy hoạch này nhưng đều không thể… tìm thấy. Điều không ngờ ấy đã được xác nhận trong một buổi họp báo của UBND TP.HCM.

Câu chuyện lại càng thêm rối khi Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ - ông Nguyễn Hồng Điệp đã trả lời báo chí: "Làm gì có mà tìm!" và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên- Môi trường… cũng không có tấm bản đồ này.

Trong khi một thứ trưởng Bộ Xây dựng lại khẳng định tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4: Đô thị mới Thủ Thiêm đã hai lần điều chỉnh quy hoạch. Lần thứ nhất vào năm 1996 và lần thứ hai là vào năm 2005. Hiện nay, xác định ranh giới thu hồi mặt bằng ở khu đô thị Thủ Thiêm là dựa vào quy hoạch năm 2005. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh quy hoạch vào năm 2005 đang được dư luận cho là “có vấn đề”.

Câu chuyện này lại khiến người viết nhớ tới vụ thất lạc hồ sơ bổ nhiệm của Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Nội vụ. Theo quy định, vào thời điểm Trịnh Xuân Thanh được điều chuyển từ Bộ Công Thương vào Hậu Giang làm phó chủ tịch UBND tỉnh, cơ quan chức năng của Bộ Nội vụ có nhận được hai bộ hồ sơ có dấu đỏ để đề nghị phê chuẩn chức danh của ông Thanh. Nhưng đúng vào thời điểm Trịnh Xuân Thanh bị xử lý, thì người ta lại phát hiện một bộ hồ sơ bị thất lạc. Do vô tình hãy hữu ý, người dân đến nay vẫn chờ câu trả lời.

Và nay, sau những cuộc khiếu kiện của người dân kéo dài cả chục năm, từ địa phương ra đến Trung ương, thật tình cờ và bất ngờ, bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm được UBND TP.HCM nói là đã… thất lạc. Cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu hồi đất, áp giá bồi thường, cấp phép xây dựng… ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, bỗng dưng "không tìm thấy". Hệ lụy là mỗi một quyết định thu hồi đất phục vụ cho một mục đích khác nhau (phục vụ lợi ích công cộng, xây dựng nhà ở thương mại...)  sẽ có chính sách bồi thường khác nhau. Và khi không có “cơ sở pháp lý” thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ về việc đất của mình bị thu hồi không đúng mục đích, giá bồi thường có thể không phù hợp… Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM (08/1997-17/05/2001) - là người trực tiếp đi khảo sát, tìm hiểu tình hình Thủ Thiêm, ký tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới và  trình bày trước Chính phủ về nội dung quy hoạch đã phải thốt lên: "Đồng tiền đã làm biến dạng hết quy hoạch". "Hòn đất mà biết nói năng", chắc mọi chuyện sẽ khác.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải trả lời cho người dân rằng bản đồ quy hoạch kèm theo Quyết định 367 có hay không có, và nếu có thì bây giờ ở đâu, tại sao lại thất lạc, đặc biệt lại thất lạc ở tất cả các cơ quan có liên quan, trách nhiệm thuộc về ai? Và phải trả lời cho người dân Thủ Thiêm biết, bản đồ quy hoạch bị thất lạc ấy có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân hay không? TP.HCM cần trả lời sòng phẳng, thẳng thắn với người dân Thủ Thiêm và có phương án giải quyết thế nào cho đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế mà người dân lại đồng thuận, chia sẻ khó khăn, ủng hộ chính quyền trong việc thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thất lạc bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm là một "chuyện đại sự". Nói đại sự là bởi đất đai là công thổ quốc gia và đất đai cũng mang lại nguồn lợi khủng khiếp, tùy theo diễn biến quy hoạch. Trong nhiều trường hợp, cái lợi này rơi vào túi của những người biết trước quy hoạch, “cánh hẩu” của những người làm quy hoạch... Và trên thực tế, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra những vụ việc cán bộ có chức vụ trục lợi từ đất công (Đà Nẵng, Đắk  Nông, Đắk Lắk...)

Đơn cử như vụ việc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn của Văn phòng Thành ủy TP.Hồ Chí Minh) chuyển nhượng 32,4 ha đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2 vừa. Mức giá này được cho là rẻ bất thường, bởi theo giá trị thị trường thời điểm đó, 1m2 đất nông nghiệp có thể được giao dịch với mức giá 8 triệu đồng. Như vậy nếu được đấu giá theo giá thị trường, khu đất 32 ha có thể thu về cho ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng. Rất may vụ việc đã được kịp thời ngăn chặn, nếu không nhà nước sẽ thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Nói điều này để thấy, đây đúng là “chuyện đại sự”. Và để giải quyết chuyện này không có gì khác chính là sự minh bạch. Minh bạch các dự án, minh bạch về những người đang sở hữu các dự án trăm tỷ, nghìn tỷ ở khu đô thị được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á này. Chỉ có công khai, minh bạch và đền bù thỏa đáng thì dân sẽ tin tưởng, ủng hộ./.

Nam Thắng

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ