(Tổ Quốc) - "Đúng là sự trợ giúp thần thánh", anh Paolo Figna vốn là bồi bàn đã mất việc và đang hái dâu tây ở ngoại thành Verona cho hay.
Tại một trang trại nhỏ vùng ngoại ô thủ đô Rome-Italy, những người nông dân được thuê đang cặm cụi làm việc trên cách đồng ngô. Với những nông dân nhập cư từ Morocco, Romania hay Nigeria thì họ đã quá quen với công việc, nhưng với những lao động người Italy chính gốc bỏ thành phố về quê làm việc thì mọi thứ dường như khá mới mẻ.
"Bạn phải bỏ phần này đi như thế này", người chủ trang trại nói với ông Massimiliano Cassina khi đang dạy ông cách thu hoạch ngô.
Cách đây vài tuần, ông Cassina vẫn là giám đốc của một công ty dệt may chuyên về áo phông thể thao xuất khẩu. Thế rồi dịch Covid-19 bùng phát khiến hơn 30.000 người Italy thiệt mạng, buộc chính phủ thực hiện lệnh cách ly và làm mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ. Không có lương nên bản thân ông Cassina phải gia nhập đội ngũ những người bỏ thành thị về quê làm nông để kiếm sống.
"Ít nhất họ cho tôi cơ hội kiếm sống", ông Cassina trần tình.
Ông Massimiliano Cassina
Kể từ sau Thế chiến II, nền kinh tế Italy có sự thay đổi mạnh mẽ với cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành nghề. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn trật tự xã hội, kinh tế. Những người lao động nhập cư không thể đến các nhà máy hay nông trại của Italy làm việc do bị cách ly trong khi hàng loạt nhân viên trong các ngành dịch vụ thất nghiệp.
Trước đây, việc về quê làm nông dường như chỉ dành cho những người thích làm rượu vang thì nay nó lại trở thành cứu cánh cho nhiều người Italy thất nghiệp. Việc thiếu lao động nhập cư mùa vụ từ các quốc gia khác khiến ngành nông nghiệp Italy khốn đốn với hàng trăm tấn hoa quả, rau xanh chờ thu hoạch. May mắn thay, vẫn còn một lượng lớn người thất nghiệp trên thành phố sẵn sàng làm việc để kiếm thêm thu nhập mùa dịch.
"Đại dịch Covid-19 đã buộc chúng ta phải xem xét lại mô hình phát triển và cách thức hoạt động của đất nước", Bộ trưởng nông nghiệp Italy Teresa Bellanova nhận định.
Theo Bộ trưởng Bellanova, dịch Covid-19 khiến nhiều thành phần trong xã hội Italy phải đối mặt với nguy cơ đói ăn do thiếu lương thực và ngành nông nghiệp có thể là giải pháp cho những lao động thất nghiệp hiện nay.
Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp cần phải rũ bỏ sự lạc hậu trong thoi quen canh tác cũ và thúc đẩy sử dụng công nghệ, máy móc và hóa học. Bản thân Bộ trưởng Bellanova đã bàn vấn đề này với người đồng cấp của Pháp và tình hình trên cũng đang diễn ra ở Tây Ban Nha, Đức.
"Làm nông nghiệp không có nghĩa là chúng ta phải quay về thời kỳ lạc hậu dùng cuốc", Bộ trưởng Bellanova nhấn mạnh.
Nông nghiệp: Cứu tinh mùa covid-19
Trong khi người Italy cần công việc, thu nhập để sống thì ngành nông nghiệp cũng cần lao động. Khoảng 150.000 lao động thời vụ nhập cư từ Romania, Ba Lan và Ấn Độ hiện đang bị kẹt tại các cửa khẩu của Italy do lệnh cách ly, qua đó không thể tham gia làm nông cho các trang trại.
Trước dịch Covid-19, ngành nông nghiệp chỉ có 36% trong tổng số 1 triệu lao động là người bản địa. Tuy nhiên với việc hàng loạt nhà hàng, công ty du lịch hay cửa hàng đóng cửa, việc làm việc ngoài trời tại các trang trại bỗng trở nên thu hút, nhất là khi nó giữ khoảng cách an toàn cho lao động cũng như tạo thu nhập mùa dịch.
Chính phủ Italy đã thành lập các website tuyển dụng lao động cho các trang trại như Agrijob hay Jobincountry và đã có hơn 20.000 đơn đăng ký, phần lớn là người Italy.
"Đúng là sự trợ giúp thần thánh", anh Paolo Figna vốn là bồi bàn đã mất việc và đang hái dâu tây ở ngoại thành Verona cho hay.
Dẫu vậy, việc chuyển đổi công việc cũng gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều thập niên trở lại đây, hầu hết các quốc gia phát triển tại Châu Âu đều sử dụng lao động nhập cư thời vụ để làm công việc nặng nhọc như thu hoạch. Những người bản địa thường sẽ chọn công việc nhàn nhã hoặc có thu nhập cao hơn, hệ quả là họ thiếu kinh nghiệm khi muốn quay lại làm nghề nông.
Chủ tịch Massimiliano Giansanti của Liên đoàn nông nghiệp Confagricoltura nhấn mạnh nhiều lao động hiện nay quan tâm đến nghề nông nhưng không có kinh nghiệm hay kỹ năng cần thiết để làm việc.
"Nghề nông không đơn giản như là vặt một trái táo trên cây là xong, chúng đòi hỏi kiến thức, sự kiên nhẫn và khéo léo để có thể theo kịp mô hình công nghiệp hóa nông nghiệp", ông Giansanti cho hay.
Hiện phần lớn những lao động đăng ký trên các website tuyển việc nhà nông của chính phủ đều chỉ nghĩ đơn giản công việc này chẳng khác gì làm vườn, nhưng thực tế khó hơn rất nhiều.
Chủ trang trại Bruno Francescon tại Mantova đã thuê những lao động người Italy từng làm trong khách sạn hoặc tài xế xe buýt nhưng sau đó phải thừa nhận mình nhớ những lao động thời vụ nhập cư có kỹ năng từ Ấn Độ và Morocco. Theo ông Francesco, lượng lớn lao động người Italy chẳng thể bù đắp cho việc thiếu kỹ năng, thậm chí nhiều người còn bỏ chạy sau khi nhận thấy công việc quá khó và vất vả.
Cần trợ giúp từ chính phủ
Chủ trang trại Franco Baraldi cho biết người trẻ Italy hiện nay không hứng thú hay theo kịp được nghề nông do chính phủ không giúp đỡ. Ngành nông nghiệp Italy không nhận được những trợ cấp như nhiều mảng kinh tế khác và các trang trại khó kiếm được lợi nhuận, buộc các chủ trang trại chỉ có thể trả lương bèo bọt cho những lao động thời vụ nhập cư thay vì thuê người bản địa.
Trước tình hình đó, chính phủ Italy đã dành hơn 1 tỷ Euro, tương đương 1,1 tỷ USD cho trợ cấp người nông dân trong gói cứu trợ 55 tỷ Euro chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nhiều chính trị gia lại tranh cãi bởi động thái này có thể hợp pháp hóa cho những người lao động nhập cư bất hợp pháp.
Tại nhiều vùng của Italy, chủ trang trại và các quan chức đang nhắm đến tầng lớp lao động nghèo địa phương đang phải nhận trợ cấp và thực sự cần một công việc để sống sót qua mùa dịch. Thế nhưng theo luật định, những lao động nghèo này sẽ bị cắt trợ cấp nếu có việc làm.
May mắn thay, chính quyền Rome đã quyết định duy trì trợ cấp trong vòng 2 tháng cho bất kỳ lao động nghèo nào kiếm được việc làm trong ngành nông nghiệp.
Thế nhưng, một vấn đề mới lại nảy sinh khi các chủ trang trại vẫn ưa thích các lao động thời vụ nhập cư hơn. Họ có kinh nghiệm và đã chấp nhận mức lương rẻ mạt từ vài chục năm trở lại đây, điều mà các lao động người Italy khó chấp nhận và chính phủ cũng không cho phép. Hậu quả là rất nhiều chủ trang trại chèn ép lao động bản địa khi đã có đủ lao động nhập cư thời vụ, ví dụ như cắt giảm lương.
"Chúng tôi bị đẩy khỏi nông nghiệp vì những lý do như vậy đấy", ông Narazo Lo Lacono, một lao động người Italy làm trong ngành nông nghiệp cho biết.