• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thầy giáo, cô giáo - những "Người lái đò thầm lặng" trên dòng sông tri thức

Thực hiện: Phương Anh | 17/11/2022

(Tổ Quốc) - Suốt 40 năm qua, cùng với cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Thủ đô đã nỗ lực, vượt qua không ít khó khăn, đạt được nhiều thành tích quan trọng và toàn diện, tạo những bước chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả trong công tác dạy và học, trong đó có nhiều công sức của các thế hệ Nhà giáo Thủ đô.

Ngành GDĐT Thủ đô đạt được nhiều thành tích quan trọng và toàn diện

Tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) và tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành GDĐT Hà Nội năm 2022, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh những kết quả của Ngành GDĐT Thủ đô trong 40 năm qua. Ngành GDĐT Thủ đô đã nỗ lực, vượt qua không ít khó khăn, đạt được nhiều thành tích quan trọng và toàn diện, tạo những bước chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả trong công tác dạy và học. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển.

Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát mạng lưới trường học đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 79%. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên, chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới. Các mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, khu vực được hình thành và phát triển hiệu quả. Chất lượng giáo dục đại trà luôn ổn định, là nền tảng quan trọng để phát triển giáo dục mũi nhọn.

Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số học sinh đạt giải trong các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế. Công tác liên kết, hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo được tăng cường, mở rộng với nhiều loại hình mới.

Những kết quả toàn diện của Ngành GDĐT Thủ đô trong 40 năm qua là minh chứng rõ nét, ghi nhận và khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực, kiên trì phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành GDĐT Thủ đô.

Thầy giáo, cô giáo - những "Người lái đò thầm lặng" trên dòng sông tri thức - Ảnh 1.

Ngành GDĐT Thủ đô đạt được nhiều thành tích quan trọng và toàn diện

Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, bên cạnh ý nghĩa tôn vinh sự học, tôn vinh những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết với sự nghiệp "Trồng người", còn là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ tình cảm kính trọng, lòng tri ân sâu sắc đối với các thầy giáo, cô giáo - Những người lái đò thầm lặng trên dòng sông tri thức. Đây cũng là dịp để toàn xã hội thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với những người làm công tác giáo dục, ghi nhận những cống hiến, đóng góp của ngành GDĐT trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đề nghị ngành GDĐT Hà Nội quan tâm thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, ngành GDĐT Hà Nội phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương (khóa 11) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; Triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 51 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tiếp đó, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn Ngành. Đối với công tác giảng dạy, cần quan tâm phương pháp kiểm tra, đánh giá với tinh thần "học thật, thi thật, nhân tài thật". Cùng với việc phát triển về quy mô giáo dục, tiếp tục thực hiện những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện như: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô và đất nước.

Cuối cùng, Ngành GDĐT tích cực, chủ động tham mưu cho UBND Thành phố về cơ chế chính sách trong lĩnh vực GDĐT theo hướng đảm bảo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục; xây dựng chính sách xã hội hóa giáo dục và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình giáo dục. Thu hút mọi nguồn lực xã hội và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức để xây dựng xã hội học tập, phát triển kinh tế tri thức phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Các thầy giáo, cô giáo đóng góp công sức rất lớn vào thành tích của ngành GDĐT Hà Nội

Với sự quyết tâm của toàn ngành GDĐT, tới nay, Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục và xóa mù chữ 3 cấp học, là 1 trong 4 địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hà Nội luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về giáo dục. Những thành tích, vinh dự đó có phần đóng góp công sức rất lớn của các thầy giáo, cô giáo - những "kỹ sư tâm hồn", đã và đang miệt mài, thầm lặng, cống hiến cho sự nghiệp trồng người, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ.

Thầy giáo, cô giáo - những "Người lái đò thầm lặng" trên dòng sông tri thức - Ảnh 2.

Học sinh Hà Nội được học tập trong những ngôi trường tốt đẹp

Tự hào khi là một giáo viên và nay là Hiệu trưởng, bà Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa đại diện cho các thầy giáo, cô giáo, những người đang công tác trong ngành GDĐT Thủ đô xúc động khi nói về chặng đường 40 năm qua: "Ngành GDĐT Hà Nội, 40 năm là chặng đường thử thách khẳng định bản lĩnh năng động, sáng tạo trong từng thời kỳ cụ thể. Chúng ta tự hào được góp phần nhỏ bé vào kết quả của ngành Giáo dục Thủ đô."

Lấy dẫn chứng từ thực tiễn công tác, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp khẳng định: "Để trở thành người góp công vào Ngành GDĐT nước nhà thì bên cạnh tâm đẹp, cần có sức bền, bên cạnh tài năng luôn cần đức độ. Trong thực tế làm giáo viên và làm quản lý nhiều năm ở một số ngôi trường cần tận tâm, tận lực, tôi rất tâm huyết với so sánh của một chuyên gia giáo dục quốc tế, đó là, đổi mới giáo dục, trường học giống như chúng ta đang ở trên một chiếc máy bay mà chiếc máy bay đó đang cần phải sửa chữa. Điều đó có nghĩa là, rất khó khăn, nguy hiểm, song không có cách nào khác."

Hướng đến những kết quả sẽ đạt được trong tương lai, bà Nhiếp bày tỏ tin tưởng, khi đổi mới giáo dục đi kèm với từng bài giảng, từng hoạt động, thì dù hoàn cảnh, điều kiện có thế nào thì các thầy cô vẫn sẽ mang đến cho học trò những bài giảng tốt nhất. Nếu giáo viên ngại ngần đổi mới chính là suy yếu đi năng lực đi đến tương lai của học sinh, nhất là trong điều kiện chúng ta đang thực hiện đổi mới chương trình GDPT 2018 đang là thước đo mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy cô giáo về sự nỗ lực từng ngày.

"Người thầy cần sáng tạo để tạo sáng cho học trò, đổi mới GDĐT chưa bao giờ là dễ dàng nhưng chắc chắn sẽ là khởi đầu để giáo dục có kết quả dài lâu. Hôm nay, chúng ta đang làm những việc chưa có kết quả ngay nhưng chúng ta đang hướng về những gì tốt đẹp nhất. Chúng ta phải cố gắng, nỗ lực hơn vì "Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay", Hiệu trưởng khẳng định.

NỔI BẬT TRANG CHỦ