• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thầy giáo của cha con vua Mèo Vương Chí Shìn

27/12/2007 11:11

Nghề thầy giáo từ xưa tới nay luôn được tôn vinh. Không phải chỉ bởi các thầy đã đem cái đạo làm người đến cho học trò. Mà hơn thế, các thầy đã hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc, cho quê hương, đất nước. Báo điện tử Tổ quốc xin giới thiệu một tấm gương như thế.

Nghề thầy giáo từ xưa tới nay luôn được tôn vinh. Không phải chỉ bởi các thầy đã đem cái đạo làm người đến cho học trò. Mà hơn thế, các thầy đã hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc, cho quê hương, đất nước. Báo điện tử Tổ quốc xin giới thiệu một tấm gương như thế.


Tác giả bên mộ vua Mèo Vương Chí Shìn

Cánh cổng gỗ của nhà Vương kèn kẹt mở. Hai người lính chân quấn xà cạp, vai khoác súng bước ra. Hai cái đầu sư tử bằng đá trắng trên hai cột đá trước cổng hắt ánh nắng sớm, loang loáng nhe nanh hướng về phía Bắc.

Con đường đá nhỏ dẫn về thôn Sà Phìn, những dáng áo chàm lầm lũi cõng quẩy tấu nặng xuống chợ Đồng Văn, họ bỗng tránh ra hai bên đường cho con ngựa nâu lóc cóc đi về hướng nhà Vương, trên lưng ngựa ngất ngưởng người đàn ông trung niên mặc áo véc Tây, gật gù như buồn ngủ. Hình như con ngựa đã quen đường, nó tự động rẽ xuống con đường đất dẫn vào nhà Vương.

Bức tường đá cao, xám xịt, lạnh lùng những lỗ châu mai đen ngòm gườm gườm nhìn ra xung quanh. Thấy bóng người ngựa tiến vào, hai tên lính vội vàng chạy ra, đứa nắm cương ngựa, đứa đỡ khách bước xuống. Chúng đều khúm núm thưa:

- Lạy thầy đồ Tiệp ạ!

Trong phòng khách, vua Mèo Vương Chí Đức nằm nghiêng bên bàn đèn thuốc phiện, lim dim nghe tiếng tẩu thuốc kêu ro ro, một người hầu nữ quỳ bên cạnh, hai tay bóp nắn vai cho Vương. Mùi khói thuốc thơm lừng, một đàn thạch sùng rủ nhau đến bu kín trên tường, có vẻ chúng cũng lờ đờ vì khói thuốc. Nghe lính bẩm báo có khách, Vương vẫy tay bảo:

- Nhanh lên! Mời thầy đồ vào đây sưởi cho ấm. Thằng Shìn à, pha nước mời khách.

Vương Chí Shìn trạc tuổi thầy đồ, vội dạ vang, bước ra.

- Chào thầy đồ! Mời vào nhà mình uống nước.

Ấm trà nóng thơm ngát đã bưng lên, lúc ấy Vương mới bước ra, đặt thanh kiếm mỏng như lá lúa lên kệ gỗ, giơ tay đón chén trà từ tay con trai. Vương mời khách, rồi nhấp một ngụm, hàng ria đen ngọ ngoạy.

- Thầy đồ à! Chữ Tàu cha con ta đọc thông, viết thạo rồi. Từ hôm nay sẽ học chữ Phú lãng sa nhé?

Bế Tiệp, tên gọi của người khách đặt chén trà xuống.

- Thưa Vương! Sự học không nên nôn nóng, chú Shìn viết chữ còn chưa thạo mà, phải cố học cho đến hết tháng chạp. Vương cố chờ lúc ấy cùng học chữ Pháp vậy.

- Hừ! Vương trợn mắt, tay đã sờ vào chuôi kiếm. Cả vùng cao nguyên đá này, chưa ai cãi lại Vương mà không bị chết, nhưng đây lại là thầy đồ Tiệp, thầy dạy chữ của cả hai cha con Vương, người nhiều cái chữ nhất vùng Đồng Văn. Vương quen với súng gươm nhưng cũng trọng người có chữ. Không biết cái chữ không hiểu hết trời, đất. Không hiểu hết cái hay dở của tạo hoá, không biết cái lí con người. Vậy thì làm vua sao được? Vương còn nhớ khi xây thủ phủ nhà Vương trên mảnh đất hình mui rùa này, Vương đã phải đón thầy địa lí người Tàu sang trấn trạch. Thầy địa lí nói thế đất tốt, núi đá Thanh Long bên trái nhỏ hơn núi đá Bạch hổ bên phải, nhưng được núi Chu tước phía trước che chắn, đúng là thế đất của vua chúa. Ông ta viết hai câu đối chữ Hán trước cổng.

Bạch hổ bao Thanh long/ Thiên niên ư tự chủ.

(Hổ trắng ôm rồng xanh/ Ngàn đời được tự chủ).

Nghìn năm làm chủ vùng đất này chẳng phải mơ ước của bất cứ ông vua nào sao? Vương thưởng cho thầy địa lí rất hậu. Đến khi đồ Tiệp xuất hiện Vương mới cay đắng hiểu ra sự thất học của mình. Lần ấy đồ Tiệp chắp tay sau lưng ngắm hai câu đối chữ Hán rồi cười khẩy.

- Đúng là thằng Tàu thâm nho, nó viết cho Vương thế này là ngầm báo cho biết thế đất chẳng tốt gì đâu. Thế đất trông thì đẹp, nhưng không có hậu. Nếu đọc ngược hai câu kia thì sẽ thấy .

Vương quắc mắt hỏi:

- Thầy dựa vào đâu mà dám nói bừa?

- Thưa vương! Sách Tàu viết về phong thuỷ có câu. “Thanh long đáo Bạch hổ/Bách hậu tự chủ bần.” Nếu để rồng xanh quay lại cuốn hổ trắng thì trăm năm sau chủ đất không ngóc đầu lên được đâu. Nó đặt thế đất này cho nhà Vương, trước sau gì cũng làm tôi mọi cho phương Bắc thôi.

Vương Chí Shìn lại ngọ ngoạy hàng ria, lo lắng.

- Làm thế nào bây giờ ?

Đồ Tiệp bảo việc này cũng dễ thôi, nếu Vương nghe theo thiển ý của tôi. Vương không suy nghĩ lâu, gật đầu đồng ý. Đồ Tiệp viết bốn lá bùa, bảo đem yểm bốn xung quanh khu nhà, lại cho dựng hai cột đá cao mười thước, trên đỉnh mỗi cột đá là một đầu sư tử bằng đá trắng nhe nanh trợn mắt quay về phương Bắc. Vương mừng lắm, từ đó hết lòng tin vào thầy đồ Tiệp. Tuy biết đồ Tiệp bận dạy học ở trường nội trú Đồng Văn, Vương cố nèo mời mỗi tuần hai lần ra Sà Phìn dạy thêm chữ cho cả hai cha con. Từ huyện lị Đồng Văn ra Sà Phìn xa 14 cây số, Vương cấp hẳn cho đồ Tiệp con ngựa nâu to lớn để đi lại. Đồ Tiệp là người học rộng biết nhiều, rất cảm phục Vương là người cầu thị nên cũng không quản đường xa, đèo núi đến dạy học.

Nhưng Vương không bằng lòng vì đồ Tiệp từ chối chưa chịu dạy tiếng Phú lãng sa cho mình. Quân Pháp đã kéo đến Hà Giang, đóng đồn thấp, đồn cao ở Đồng Văn rồi. Biết cái chữ của nó để còn nói lí với đám ngoại bang chứ. Người Phú lãng sa đang muốn vươn tay ra khắp vùng Hà Giang, đã mở trường nội trú cho con em quan châu, thổ tù. Đã đón thợ Vân Nam sang xây ba dãy nhà chợ toàn bằng đá. Rõ ràng quân mắt xanh, mũi lõ muốn cắm rễ sâu ở đây rồi, muốn biết cái lí của chúng để mà cãi, mà biết cái bụng tốt xấu của nó thì phải nhanh biết tiếng của nó, sao đồ Tiệp cứ lần khân, hay cái bụng nó ngả về bọn kia rồi? Hay nó chưa thật tin cái bụng mình? Vương vuốt chòm râu lơ thơ dưới cằm, một sợi óng ánh bạc rơi xuống phản gỗ, Vương nhặt sợi râu lên ngắm nghía. Cuộc đời mình như mặt trời đang xuống núi, biết còn làm được việc lớn nào không. Thằng Shìn thân thì to, óc thì bé, chắc gì đã giữ được cơ đồ nhà Vương? Nó phải được người hiểu biết phò giúp thì mới trụ được trên vùng núi đá này. Người đó phải là đồ Tiệp mới được, mà thầy đồ còn chưa tin hết bụng ta. Ta đã có cách. Trong lòng Vương vừa loé lên một diệu kế, phải cho thầy đồ Tiệp kết nghĩa làm anh em với thằng Shìn. Tự tay Vương rót cho đồ Tiệp chén trà mới.

- Thầy đồ à! Hai năm nay dạy học ở nhà ta, cái tình nghĩa coi như người nhà rồi. Tuy là đạo thầy trò nhưng thằng Shìn và thầy cũng như hai cây Sa mu mọc trước, mọc sau thôi, như anh em thôi mà. Ta muốn hai người làm anh em được không?

Đồ Tiệp nhìn vào mắt Vương một loáng, để đánh giá và ông nhận ra ngay thâm ý của Vương. Có thể Vương chưa thật lòng nhưng điều này cũng tốt. Đồ Tiệp khoanh tay cung kính.

- Thưa Vương! Như vậy Vương cũng như cha tôi rồi đi! Điều này với thân giáo quèn như tôi thật quá vinh hạnh.

Đồ Tiệp và Vương Chí Shìn cùng quỳ trên sàn gỗ, mặt hướng ra cửa về phía hai cột đá. Đích thân Vương làm lễ kết nghĩa anh em cho thầy học và con trai mình. Tay trái vung vẩy con gà trống đen, tay phải cầm chặt thanh kiếm lá lúa. Vương đi bảy vòng quanh chỗ hai người quỳ, miệng khấn lầm rầm. Bỗng Vương quát to một tiếng, tay kiếm vung lên, cái đầu gà đứt phăng lăn lông lốc trên sàn, Vương dốc cổ gà đang phun máu vào chiếc bát tộ rượu, những tia máu nóng hổi bắn thẳng vào bát rượu trong vắt, chạy vòng quanh như con rồng đỏ rồi lắng xuống đáy bát, nhuộm hồng nước rượu.

- Ta báo với trời đất, với thần núi, thần cây rồi. Hai người sẽ làm anh em, sướng khổ có nhau. Ai không giữ lời thề thì sẽ như đầu con gà này.

Thầy đồ Tiệp nhiều hơn Vương Chí Shìn hai tuổi, được làm anh. Ông nâng bát rượu lên ngang mắt, nhìn chăm chăm vào màu rượu đỏ, từ từ uống cạn nửa bát rồi đưa cho Vương Chí Shìn. Con trai Vương mở tròn đôi mắt chim ưng, ngửa cổ uống một hơi hết nửa bát rượu, úp mạnh chiếc bát xuống sàn nhà. Shìn cười vang, tiếng cười đầy khí tiết, dội vào vách núi đá. Hai tay ôm lấy vai đồ Tiệp, Vương Chí Shìn nói to.

- Thế là ta có được người anh em biết nhiều cái lí rồi. Không sợ ai bắt nạt nữa.

Thầy đồ tên thật là Bế Tiệp, người Tày Cao Bằng. Từ nhỏ Bế Tiệp đã ham học chữ, lớn lên được nhận vào học trường Đông kinh nghĩa thục... Khi ra trường, chàng thanh niên trẻ xin lên Đồng Văn dạy học, vừa may lúc đó thống đốc Pháp cho phép mở trường nội trú Đồng Văn dạy cả chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Bế Tiệp trọ tại nhà họ Lương ở phố huyện, được chủ nhà quý mến và gả con gái cho. Họ Lương cũng người Tày và con gái nhà họ như là sinh ra để nâng khăn, sửa túi cho thầy đồ Tiệp. Cô tháo vát, đảm đang, vừa lo việc nhà vừa buôn bán đủ nghề để nuôi chồng, nuôi con. Người Mông, người Clao, người Tày... khắp một vùng xung quanh Đồng Văn không ai không biết tiếng bà đồ Tiệp có nghề làm giá đỗ, làm đậu phụ rất ngon. Cả chợ Đồng Văn duy nhất có cái quán của bà bán dầu hoả và muối. Có thời gian nhà bà còn thêm nghề mổ lợn, hoặc cho người thuê nhà dự trữ thịt bò, thịt ngựa chờ đến chợ phiên. Chao chát như thế nên kinh tế gia đình bà rất khá giả, ông đồ chú tâm vào nghề dạy học chẳng phải lo nghĩ gì.

Hai vợ chồng ông đồ sinh được 11 người con, họ lớn lên đều được người cha rèn rũa chữ nghĩa, dạy kĩ đạo lí làm người. Hồi ấy phong trào Việt Nam quang phục Hội dấy lên một thời gian, rồi đến phong trào Việt Minh vận động nhân dân đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật. Đồ Tiệp đang dạy học cho cha con nhà Vương thì gặp lúc quan quân Quốc dân đảng kéo sang. Bọn này như đàn thú vừa đói, vừa dữ, cấm đoán cả việc học hành. Năm Bính Tuất, ông đồ Tiệp mất nghề dạy học ở trường nội trú huyện, lại không được ra Sà Phìn dạy học cho nhà Vương, đành ở nhà ăn bám vợ. Bà đồ bảo chồng.

- Ông không phải lo lắng cái ăn, cái mặc trong nhà. Tôi đủ sức nuôi cha con, ông cứ ở nhà dạy mấy đứa nhỏ đọc thông viết thạo là tốt rồi.

Tuy ngồi nhà, cả ngày đọc sách, uống rượu và dạy con học nhưng thầy đồ Tiệp vẫn không yên cái bụng. Chỉ lo nhà Vương nghiêng ngả theo quân phản động. Vua Mèo Vương Chí Đức qua đời, đám ma cũng không được làm to lắm vì các thổ tù người Mèo sợ quân Tưởng đàn áp. Vương Chí Shìn lên thay cha nhưng cái chí không được toại nguyện, chỉ ru rú trong bức tường đá không dám tung hoành như cha ngày trước. Thi thoảng đồ Tiệp lại viết thư cho Vương, nhờ người thân tín đem ra Sà Phìn, bàn kế sách đối đầu với quân Tưởng. Nhưng hình như Vương con không mặn mà lắm. Cái lí của người Mèo lúc đó là: Hai người đánh nhau, không biết ai khoẻ thì không đứng về bên nào.

Mùa đông đã về trên cao nguyên đá, gió lạnh ngăn ngắt làm khô quắt những thân cây ngô trên những đỉnh núi, chỉ có những bãi rau cải là xanh mởn. Trên đỉnh đồn cao lác đác mấy bông tuyết rơi trắng đá. Bà đồ đi chợ về, thấy chồng ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế cạnh bếp.

- Thầy đã uống rượu chưa? Món lòng lợn hôm nay ngon lắm đấy. Còn miếng gan lợn nướng lên bếp mà ăn cho thơm.

Không thấy chồng nói gì, bà lo lắng sờ vào trán ông. Ốm à?

Đồ Tiệp nhẹ gỡ tay vợ, nói nhỏ.

- Không ổn rồi bà ạ! Bọn quốc dân đảng đòi tôi ra làm việc cho chúng đấy.

- Thầy chỉ biết nghề dạy học, ra làm việc cho họ thì biết làm gì?

Sáng nay thầy đồ Tiệp cũng nói với tên quan chưởng khế như thế, hắn chỉ mặt ông bảo.

- Bọn ta lại không biết ông đồ vừa giỏi tiếng Tàu vừa giỏi tiếng Phú lang sa à! Quan tư lệnh mời ông ra làm thông ngôn là muốn tốt cho nhà ông thôi! Ông thu xếp ra làm việc ngay, ở luôn ngoài đồn cũng được.

- Các quan hiểu cho, tôi lên đây là để dạy học. Giờ không có trường để dạy nữa thì ở nhà trông con, không làm thông ngôn được đâu.

Quan chưởng khế bực bội nhìn sang tên quan tư lệnh người Tàu. Tên ấy đỏ mặt hỏi lại.

- Nỉ xua sẩn ma ? (mày nói cái gì?)

- Tôi nói lên đây dạy học chứ không làm thông ngôn. Đồ Tiệp lạnh lùng nhắc lại. Tên tư lệnh gầm gừ.

- Hảo lớ ! Rồi hắn hầm hầm quay ra.

Thầy đồ Tiệp mong manh thấy sự nguy hiểm đang rình rập sau nhà, nhưng làm thế nào để thoát được thì ông chưa tính ra. Việc riêng của ông chỉ mình ông biết, chưa bao giờ hé răng nói với vợ rằng mình là hội viên của Việt Nam quang phục hội, được tổ chức cử lên vùng Hà Giang núp danh nghĩa dạy học để gây dựng phong trào, nhất là tiếp cận, vận động cha con vua Mèo Vương Chí Đức - Vương Chí Shìn ngả về phía cách mạng. Hôm nay thì ông kẹt đường, chưa biết tính kế nào cho vẹn toàn. Làm thông ngôn cho quân Tưởng khác nào như giúp rết thêm chân, lại phản bội bà con các dân tộc Đồng Văn thôi. Hay là ta lại về Cao Bằng tạm lánh, chờ bắt liên lạc vứi tổ chức?

Đồ Tiệp phải nói hết sự tình với vợ. Tưởng đàn bà non gan sớm hoảng sợ, ai ngờ bà bình tĩnh bàn với ông.

- Thầy cứ tìm kế hoãn binh với bọn chúng, rồi để tôi tính.

Sự can đảm, mưu lược của người vợ không nhanh bằng tính độc ác của bọn thổ tù và quan binh Tưởng. Nửa đêm hôm ấy, đuốc sáng rực sân, quan binh kéo đén chật nhà, súng ống tua tủa.

- Đồ Tiệp dậy đi! Lên ngay đồn gặp quan châu có việc.

Bà đồ bước xuống giường, vặn lí với quan binh.

- Quan châu có việc gì cũng để đến sớm mai. Nửa đêm các ông định đưa chồng tôi đi đâu?

Tên quan chỉ huy rút khẩu pạc hoọc, dí vào đầu bà.

- Câm mồm! Việc nhà binh không kể sớm khuya. Tránh ra không ta bắn chết bây giờ.

Đồ Tiệp thong thả bảo vợ lấy thêm cho mình chiếc áo dạ, một bọc quần áo dự phòng.

- Bà phải nuôi dạy con cái cho tốt, tôi đi gặp quan châu, vài hôm là về thôi. Đất này làm vua cũng dễ, làm giặc cũng dễ. Bà khuyên bảo các con sống cho đúng đạo làm người.

Một ngày, hai ngày rồi ba ngày. Không thấy ông đồ trở về. Bà đồ lo thắt ruột nhưng vẫn nói cứng với các con. Cha đi mấy hôm là về thôi. Cậu út Bế Kha đêm nào cũng ỉ ôi khóc đòi cha, bị bà đồ sốt ruột phát cho mấy cái vào mông.

- Ta cũng đang có lửa trong bụng đây! Khóc gì mà khóc nhiều thế? Mẹ ném ra sân cho cọp tha vào rừng bây giờ.

Người con cả Bế Du bảo các em.

- Chờ hết ngày mai không thấy cha về, mấy anh em lên đồn đòi quan châu.

Bà đồ ngăn không cho các con làm thế. Bà bảo mọi việc để bà lo, anh em cứ bao bọc nhau cho tốt. Hôm sau bà lên đồn sớm, lính canh hoạnh hoẹ mãi không cho vào, phải dúi cho nó đồng bạc trắng mới lọt được cửa thứ nhất. Quan châu đon đả.

- Ô! Bà đồ lên có việc gì đây? Ông đồ Tiệp từ hôm về nhà vẫn khoẻ chứ?

- Từ hôm các ông đưa chồng tôi đi lúc nửa đêm, đến nay ông ấy chưa về. Các ông đưa chồng tôi đi đâu?

- Ô! Ô! Thế ra ba hôm nay ông đồ chưa về nhà ư? Hay là ông đồ buồn bỏ đi chơi chợ phiên Mèo Vạc rồi? Hay là nhớ nhà Vương lại ra Sà Phìn rồi cũng nên.

Nửa tin, nửa ngờ. Bà đồ cho hai anh em Bế Du, Bế Kỳ lặn lội ra nhà Vương hỏi tin tức chồng. Vương Chí Shìn nổi giận quát.

- Chuyện lớn sao không cho ta biết! Bố các cháu không ra đây! Chắc bọn quốc dân đảng có âm mưu gì? Anh Tiệp gặp chuyện xấu rồi.

Vương bảo người nhà giết dê làm cơm cho hai anh em ăn, hứa sẽ cho người đi dò la tin tức ông đồ xem lành dữ thế nào.

Mãi nửa tháng sau, một kẻ thân tín của Vương nhân chợ phiên tìm đến quán hàng của bà đồ. Mua xong hai cân muối, người ấy ghé tai bà nói nhỏ.

- Ông đồ bị quôc dân đảng đưa sang Vân Nam rồi sát hại. Có người quen bên ấy nói biết chỗ chúng chôn ông đó.

Thật là sét đánh ngang tai. Bà đồ bỏ buổi chợ, về nhà báo cho các con tin dữ nhưng dặn chúng không được kêu khóc kẻo bọn quan binh biết sẽ gây khó dễ, không tìm được xác cha về. Chuẩn bị một số tiền lớn, bà thuê người đưa hai con trai lớn sang Vân Nam tìm chồng, ở bên ấy người thân tín của Vương lại phải nhờ dân bản địa chỉ chỗ một người Việt Nam bị hành hình và chôn sơ sài trong khu rừng vắng. Đã ba tháng kể từ ngày ông đồ bị bắt đi và mất tích, cái xác tìm thấy đã thối rữa, nhưng anh em Bế Du vẫn nhận ra cha mình vì chiếc áo dạ đen và hai móng tay cái để rất dài của ông Đồ.

Bà đồ mai táng chồng trên sườn núi đá phía huyện Đồng Văn sang Mèo Vạc, cũng là lối đi về quê Cao Bằng của ông.

Phong trào Việt Minh đã lan đến Đồng Văn. Bà đồ nhớ lời chồng dặn, bán của cải sắm ngựa và súng cho bốn người con trai lớn đi hoạt động cách mạng. Họ gắn cái thù cha vào nợ nước mà giặc ngoại xâm và bọn thổ tù, quan châu địa phương gây ra. Mùng 4 Tết năm Bính Tuất, người con trai thứ ba của thầy đồ Tiệp là Bế Cừu bị bọn quốc dân đảng phục bắn chết khi đang làm nhiệm vụ. Liệt sĩ họ Bế năm ấy mới 18 tuổi. Mấy tháng sau, người con thứ hai là Bế Kỳ và em họ Lương Huy Kính lại bị bắt đưa sang Vân Nam. Biết con và cháu bị địch giam bên Trung Quốc khó tránh khỏi cái chết, bà đồ gom hết của cải, bán lấy tiền tìm cách cứu họ. Bà thân chinh mang một mâm đầy bạc trắng và thuốc phiện hối lộ cho chúa ngục, xin thả hai anh em Bế Kỳ ra. Nhưng về nước chỉ hai ngày sau quan châu Đồng Văn lại có lệnh bắt hai người, rất may bà đồ đã tính trước được việc này. Khi hai anh em ra khỏi nhà giam, đã có sẵn ngựa và lương thực cho hai người phi thẳng về Cao Bằng lánh nạn. Gia đình thầy đồ Tiệp rơi vào thời kỳ tan tác. Người con cả Bế Du bỏ nhà theo Tổng hội Việt Minh, bà đồ đưa các con nhỏ về quê chồng bên Cao Bằng.

Một lần Bế Du đưa ông Trần Đăng Ninh đại diện cho chính phủ mới của ta lên Sà Phìn gặp Vương Chí Shìn, vận động ông ủng hộ chính quyền cách mạng. Vương đồng ý ngay và sau này tham gia tích cực phong trào kháng chiến, được Hồ Chủ Tịch rất quý mến.

Một chiều thu nắng nhạt, có người đàn ông ngoại 60 tuổi mái tóc loà xoà hoa râm tìm đến Đồng Văn, lang thang nơi phố cổ, leo lên thăm đồn Cao trên núi đá sau trụ sở UBND huyện. Ông kể rằng Tết năm Kỉ Hợi (1959), chính mẹ ông là người phát hiện ra âm mưu của bọn phỉ xúi giục một số người Mông làm loạn ở Đồng Văn. Bà bảo hai phiên chợ liền, hàng dầu, muối của bà mang ra đến đâu bán hết đến đấy. Vài người Mông thân quen còn rỉ tai bà về việc bọn xấu sắp nổi loạn. Cán bộ, bộ đội năm ấy về nghỉ ăn Tết gần hết. Bà gặp cán bộ xã, bàn nên cho dân quân lên ngay đồn cao chiếm địa thế. Chính vì vậy, khi chiến sự xảy ra, dân quân mới tiêu diệt được khá nhiều phỉ phản loạn.

Bà già ấy chính là bà đồ Tiệp. Sau thời gian chạy về Cao Bằng, khi cách mạng thành công, bà lại đưa con cháu trở về Đồng Văn sinh sống. Bây giờ các con mỗi người một nơi, bà lại trở về quê chồng ở Cao Bằng. Còn người đàn ông tóc hoa râm kia chính là nhạc sĩ Bế Kha, con trai út của thầy đồ Bế Tiệp.


Đồng Văn - Hà Giang. Tháng 10/2006


 

-------------

Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ Hà Giang và lời kể của con trai út thầy Tiệp

 

Phùng Phương Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ