• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thầy giáo phát hiện tiêu cực thi cử nói về tình trạng đạo đức nhà giáo xuống cấp

Thời sự 16/03/2019 16:02

(Tổ Quốc) - Giữ gìn được văn hóa ứng xử văn minh trong môi trường học đường chắc chắn sẽ góp phần làm giảm thiểu tình trạng đạo đức nhà giáo xuống cấp trong tình hình hiện nay. Ngày 16/3, Ban biên tập Báo điện tử Tổ Quốc mời tới trường quay ngoài trời tại Hội báo toàn quốc 2019 thầy giáo Trần Mạnh Tùng, Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội để cùng trao đổi về nội dung này.

Truyền thống "tôn sư trọng đạo", "Cô giáo như "mẹ hiền", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư – một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy"… là những câu nói nổi tiếng về mối quan hệ giữa thầy và trò, là nền tảng của văn hóa ứng xử trong môi trường sư phạm được thế hệ sau nối tiếp thế hệ học trò trước thực hiện và trân trọng, góp phần hình thành nên tư duy, ý thức và cách hành xử của mỗi công dân.

Tuy nhiên, thời gian qua, báo chí, mạng xã hội liên tục đưa những thông tin chấn động về tình trạng xuống cấp đạo đức trong trường học. Ngày 16/3, Ban biên tập Báo điện tử Tổ Quốc mời tới trường quay ngoài trời tại Hội báo toàn quốc thầy giáo Trần Mạnh Tùng, Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội để cùng trao đổi về nội dung này.

Thầy Trần Mạnh Tùng chính là một trong những thầy giáo phát hiện ra những biểu hiện gian lận, tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018. Sau phát hiện của các thầy giáo, cơ quan chức năng đã vào cuộc và đưa ra ánh sáng, lấy lại công bằng cho các thí sinh.

Thầy giáo phát hiện tiêu cực thi cử nói về tình trạng đạo đức nhà giáo xuống cấp  - Ảnh 1.

Thầy Trần Mạnh Tùng tại buổi giao lưu. Ảnh: Nam Nguyễn

- Nguyên nhân của tình trạng xuống cấp đạo đức này, từ quan điểm của một người làm trong ngành giáo dục, thầy nhận thấy nguyên nhân nào là cốt yếu?

+ Tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng xuống cấp đạo đức như: yếu kém về nhân cách đạo đức, về kỹ năng, bản lĩnh của người thầy. Người ta nói rằng, dạy một thì phải biết 10 về chuyên môn, đạo đức, trí tuệ…

Tuy nhiên, có những người ngộ nhận. Họ cho rằng, chỉ cần từng này điểm là có thể vào ngành phạm. Trên thực tế cũng như vậy, năm 2017 học sinh thi Cao đẳng Sư phạm chỉ cần 9 điểm 3 môn là đã có thể đỗ….

Tôi khẳng định, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản là do yếu tố con người, thiếu bản lĩnh.

Tuy nhiên chúng ta cũng cần đặt vào bối cảnh cụ thể. Gần đây đạo đức đang xuống cấp mà hầu hết mọi người đều biết điều đó. Tình trạng đạo đức xuống cấp như "căn bệnh nan y" chưa có thuốc chữa. Có nhiều quan điểm cho rằng, hiện chúng ta đang trong một xã hội lệch chuẩn, trong một bức tranh về đạo đức như vậy thì sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận nhỏ cũng là điều dễ hiểu.

Thầy giáo phát hiện tiêu cực thi cử nói về tình trạng đạo đức nhà giáo xuống cấp  - Ảnh 2.

Thầy Trần Mạnh Tùng trao đổi với bạn đọc.

- Trước những thông tin "thầy giáo nhắn tin gạ tình với học sinh" hoặc "chồng cô giáo quay clip cô giáo với học sinh nam trong nhà nghỉ"; học sinh yêu thầy, cô giáo, thầy giáo xâm hại tình dục học sinh nam… tâm trạng của thầy như thế nào? Điều gì hiện lên trong đầu thầy đầu tiên và khiến thầy day dứt khi thấy những dòng tin đó?

+ Vâng, đầu tiên tôi xin được khẳng định, bức tranh giáo dục hiện nay là bức tranh tích cực, chúng ta có khoảng 1,2 triệu giáo viên, khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên, đại đa số các thầy cô rất tâm huyết, là các tấm gương sáng về đạo đức, ngày đêm miệt mài dạy chữ dạy các em làm người. Tuy nhiên các sự việc gần đây, tôi rất buồn và rất lo lắng. Những hiện tượng xấu ấy làm xấu đi hình ảnh người thầy, làm phai mờ đi truyền thống tôn sư trọng đạo đã có hàng ngàn năm. Đặc biệt khi hiện còn rất nhiều giáo viên ở vùng sâu vùng xa vẫn đang ngày đêm chở từng con chữ đến cho các em, những vụ việc như thế này sẽ như gáo nước làm hỏng công lao mà chúng ta tốn biết bao công lao mới làm được, khiến những cố gắng đó bị lu mờ

Tôi lo lắng vì nhà trường lẽ ra phải là nơi an toàn nhất, cùng với gia đình, để bảo vệ cho các em.

Trong môi trường này, khi xã hội, phụ huynh đang tin tưởng thì một vài thầy cô lại làm ảnh hưởng tới các em. Những hiện tượng nói trên ảnh hưởng xấu đến các em về thể chất, tâm hồn, gây lo lắng cho cha mẹ học sinh.

- Thưa thầy, quan sát về mối quan hệ thầy – trò trong một thời gian dài qua, thầy – với tư cách một thầy giáo trẻ nhận thấy có những sự thay đổi như thế nào về mối quan hệ được kính trọng này và mối quan hệ hiện nay khác với những thế hệ trước đây như thế nào ạ?

+ Theo khẳng định của tôi truyền thống "tôn sự trọng đạo" quan hệ tốt đẹp chúng ta vẫn lưu giữ hàng nghìn năm không thay đổi. Tuy nhiên, do dòng chảy của xã hội, quan hệ thầy trò thời nay có khác với ngày xưa.

Ngày xưa, theo quan sát của tôi thì người thầy dường như giữ vị trí độc tôn. Người thầy phải hội tụ những yếu tố như: đạo đức lối sống trong sáng, có chuyên môn vững vàng, thái độ ân cần…. Học trò "tôn sư trọng đạo" và nhìn vào thầy với đức cao vọng trọng.

Thầy giáo phát hiện tiêu cực thi cử nói về tình trạng đạo đức nhà giáo xuống cấp  - Ảnh 3.

Thầy Trần Mạnh Tùng: "Vị trí độc tôn của thầy giáo thời nay không còn"

Tuy nhiên, vị trí độc tôn thời nay không còn. Một phần do số lượng giáo viên đang ngày càng tăng theo nhu cầu của xã hội... Ngoài ra, ngày nay các em không chỉ học ở thầy cô giáo mà còn học ở internet và nhiều môi trường khác, ở đời sống nên vị trí của người thầy không còn độc tôn nữa.

Thời nay, mối quan hệ thầy trò tự nhiên, gần gũi hơn. Trong nhiều trường hợp thầy giáo như người anh. Nhiều người thầy tốt nghiệp sư phạm ra chỉ hơn các em vài tuổi. Trong nhiều tình huống, do sự gần gũi, cởi mở đấy nếu người thầy không có đạo đức trong sáng, không vững vàng thì rất dễ xảy ra những sự cố đáng tiếc như thời gian qua xảy ra trong ngành giáo dục... mà báo chí đã nêu.

- Đây là những cú sốc lớn với xã hội, với thầy cô, những người làm công tác giáo dục và với cả các em học sinh. Với người trưởng thành việc vượt qua cú sốc có thể dễ dàng hơn, nhưng các em học sinh, chúng ta cần ứng xử như thế nào để giúp các em tránh những cú sốc đó, để các em có thể trưởng thành như là những công dân bình thường, bởi vì các em tuổi còn rất nhỏ, chưa va chạm cuộc sống nhiều, thưa thầy?

+ Đúng là trẻ em là đối tượng đặc biệt cần bảo vệ, một trong những minh chứng đó là Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế, có nhiều điều luật bảo vệ trẻ em. Thời điểm này các quy định là đầy đủ. Tuy nhiên các sự việc vừa qua vẫn rất để lại ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mỗi vụ việc có bản chất khác nhau, ảnh hưởng đến các em khác nhau do vậy nhà trường, gia đình, chính quyền cần quan tâm sát sao để tìm hiểu về những ảnh hưởng (ảnh hưởng thể chất, tinh thần, mức độ ảnh hưởng) để giúp các em vượt lên. Có trường hợp cần sự can thiệp từ các cơ quan chuyên môn. Tiếp đó, chúng ta cần lấy cái đẹp để lấn át đi cái xấu. Lấy nhiều những việc tốt, cái đẹp trong cuộc sống, tình yêu thương để giúp các em vượt lên một cách ấm áp.

Theo kinh nghiệm của tôi sau nhiều năm đi dạy, những học sinh dường như cô đơn trong chính ngôi trường của mình, đó là điều rất cay đắng.

Khi các em bị kỷ luật, bị ghét bỏ dường như không có bộ phận nào đứng về các em. Các trường ở ta hiện đang thiếu phòng tham vấn tâm lý (do các chuyên gia tâm lý hoạt động độc lập với nhà trường) để giúp đỡ các em. Theo tôi, dù có tốn kém cũng phải làm, mỗi nhà trường cần có bộ phận này.

Tiếp đến cần có đường dây nóng ở các Sở Giáo dục, đào tạo để lắng nghe, kịp thời can thiệp, ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc.

Truyền thông có đưa ra nhiều vụ việc, nhưng trên thực tế vẫn chưa thể nêu hết được. Tôi mong muốn truyền thông phải mạnh mẽ hơn trong vấn đề này.

- Ở đây, còn là câu chuyện trách nhiệm của xã hội, của truyền thông, của mạng xã hội với những vấn đề này. Hôm nay, tại Hội báo toàn quốc, xin thầy chia sẻ quan điểm thẳng thắn về vấn đề này? Truyền thông đã thực sự quan tâm tới việc giải quyết vấn đề, bảo vệ những em học sinh hay chưa, hay truyền thông đang tập trung tìm kiếm thông tin giật gân, câu khách?

+ Nhà báo hỏi thẳng thì tôi sẽ trả lời thẳng và chắc chắn trả lời thẳng sẽ không dễ nghe. Ví dụ về sự việc thầy giáo ở Bắc Giang vừa rồi. Sự việc đã có kết luận của cơ quan công an Bắc Giang. Dù kết luận của công an Bắc Giang là chưa đủ căn cứ nhưng một số báo chí đã đưa theo như vậy. Tôi không hài lòng với một số bài báo có nội dung thông tin và có kết luận vội vàng khi chưa đủ căn cứ. Tất nhiên việc làm sai trái thì cần phải bị xử lý đúng pháp luật. Nhưng cũng đừng kết luận vội vàng làm ảnh hưởng đến rất nhiều người trong cuộc.

Điều thứ hai là tôi không hài lòng rằng, ngay từ khi mới xảy ra vụ việc thì một số phóng viên báo chí đã vào tận trường quay và phỏng vấn. Tôi cho rằng, nhà trường nên có phòng riêng để tiếp phóng viên, báo chí chứ không nên để như vừa rồi. Chúng ta cần phải cẩn trọng và làm đúng từng bước khi đưa thông tin.

Truyền thông của Việt Nam rất tốt, tuy nhiên, trong một số sự việc cụ thể như nội dung về đạo đức xã hội vừa rồi thì truyền thông chưa làm tốt. Sự việc vừa rồi báo chí đưa nhiều lần, đưa giống nhau thì cái xấu lại trở thành nỗi ám ảnh của xã hội.

Truyền thông cần đưa những thông tin đẹp, truyền tải cái đẹp, đưa ra những tấm gương tốt. Cá nhân tôi là người hay đọc báo tôi cũng biết với những thông tin tiêu cực thì người đọc lại quan tâm hơn và khi đó lượng view (lượt người đọc-PV) sẽ nhiều hơn. Nhưng theo tôi, truyền thông cần biết hy sinh, cần lan tỏa cái đẹp để cuộc sống mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn.

Thầy giáo phát hiện tiêu cực thi cử nói về tình trạng đạo đức nhà giáo xuống cấp  - Ảnh 4.

"Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò"

- Là một thầy giáo trẻ, lại khá nổi tiếng, thầy cũng được các trò đánh giá là dạy giỏi và rất tâm lý. Đã khi nào, có em học sinh nào bày tỏ tình cảm với thầy chưa? Và thầy xử lý tình huống này như thế nào để các em không cảm thấy thất vọng, chán nản?

+ Tôi ra trường năm 22 tuổi, 32 tuổi tôi lập gia đình, tôi có 10 năm cô đơn. Không chỉ tôi, nhiều thầy giáo trẻ khác chắc đều nhận được những lời "tỏ tình". Trong 10 năm cô đơn tôi đều nhận được 1 lời tỏ tình. Với đa số các em tôi đều nói rõ ràng rành mạch. Với các em đủ chín (đầu lớp 12, cuối lớp 12) tôi thường đưa ra câu trả lời "em cứ thi đỗ đại học đi đã", "thầy trò mình sẽ trở lại đề tài này sau kỳ thi"…, nhưng quan điểm của tôi chắc chắn là phải có ranh giới, không được lẫn lộn, đúng như mọi người thường nói: "thầy phải ra thầy, trò phải ra trò".

Có những em sau khi tốt nghiệp ra trường đã quay trở lại cảm ơn tôi. Những rung động đầu đời rất đẹp, rất đáng trân trọng, chính những người thầy phải chỉ cho các em thấy thế nào là đúng, thế nào là sai tuy nhiên không được để cho các em thất vọng hoặc tuyệt vọng. Tôi tin các thầy cô đều có các phương pháp tốt để xử lý về việc này.

- Để chống xuống cấp đạo đức trong giáo dục hiện nay về nội dung vừa trao đổi, theo thầy, điều gì chúng ta cần làm nhất lúc này?

+ Đây là bài toán lớn. Tôi xin chia sẻ từ gần đến xa. Có lẽ chúng ta cứ nhìn thẳng vào ngành giáo dục. Cần có phòng tham vấn tâm lý học đường trong nhà trường và đường dây nóng để bảo vệ các em học sinh. Tuy nhiên, đó chưa phải là yếu tố cơ bản. Trong những sự việc, người thầy, người cô mới là vấn đề chính. Tôi cho rằng, khâu tuyển dụng sư phạm cần phải được quan tâm, chú ý hơn nữa. Ví như hiện nay, tôi thấy việc đào tạo về đạo đức cho giáo viên là vô cùng hiếm hoi thậm chí là chưa có. Với khâu tuyển dụng như hiện nay thì rất khó để tìm ra những người thầy, cô tài giỏi. Bản thân tôi tìm con đường dạy ở Tư thục bởi khâu tuyển chọn và giám sát, sử dụng giáo viên rất hợp lý.

Thầy giáo phát hiện tiêu cực thi cử nói về tình trạng đạo đức nhà giáo xuống cấp  - Ảnh 5.

Nhiều độc giả trẻ quan tâm tới buổi giao lưu này.

Cần phải đặt đúng vai trò của người thầy giáo, từ việc tôn vinh người thầy đúng mức, từ việc tuyển chọn thầy khắt khe và trả lương. Chọn người thầy với đầy đủ yếu tố khắt khe mà ở trường công lập chưa làm được.

Chúng ta đều có quy định trong ngành giáo dục nhưng làm chưa tốt nên đào tạo người thầy chưa chuẩn.

Bác Hồ nói lựa chọn thầy giáo tốt thì sẽ được cả thế hệ tốt và ngược lại. Chúng tôi mong muốn truyền thông đồng hành, sát cánh với giáo dục, lan tỏa những điều tốt, tránh tình trạng có những thái cực thái quá, việc nhỏ thổi thành việc to khiến giáo viên bị áp lực, không tìm được lối thoát cho mình.

Tôi mong muốn, không chỉ ngành sư phạm mà cả xã hội phải vào cuộc, sốc tinh thần, chấn chỉnh lại đạo đức xã hội để đào tạo ra được những thế hệ học trò tốt.

- Độc giả hỏi: Em vừa tốt nghiệp sư phạm ra. Em cho rằng, bạo lực không phải do giáo viên mà một phần do học sinh tiếp xúc với mạng xã hội nên mới xảy ra những tình trạng như hiện nay?

+ Cảm ơn câu hỏi của em và hy vọng em sẽ là đồng nghiệp của đội ngũ những người làm giáo dục trong tương lai.

Hiện nay áp lực với giáo viên rất nhiều, bên cạnh những hồ sơ, sổ sách. Học sinh giờ hiện đại chứ không thuần như ngày xưa. Giáo viên thành ra cũng hiện đại theo. Bạo lực đồng nghĩa với bất lực. Tôi có 3 con, con lớn 8 tuổi nhưng chưa từng đánh con cái nào. Tôi cho rằng, phải có phương pháp. Dạy học sinh phải có kỹ năng ứng xử trong nhiều tình huống, phải hiểu biết về pháp luật và ứng xử theo đúng trách nhiệm của người thầy. Tôi đã đi dạy được 20 năm và tôi cũng tự học hỏi, rèn rũa nhiều kỹ năng ứng xử. Chúng ta không được làm sai. Học sinh sai đến đâu xử lý đến đấy nhưng phải theo quy định, không được nóng giận mất khôn.

Thầy giáo phát hiện tiêu cực thi cử nói về tình trạng đạo đức nhà giáo xuống cấp  - Ảnh 6.

Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc Nguyễn Thị Hoàng Lan tặng hoa thầy giáo Trần Mạnh Tùng. Ảnh: Nam Nguyễn

- Độc giả hỏi: Nhiều vụ tiêu cực liên tiếp thời gian qua, thầy nghĩ đến giải pháp nào ạ?

+ Cảm ơn câu hỏi lớn của độc giả. Theo tôi, trước hết phải coi việc rèn luyện đạo đức của giáo viên là việc thường xuyên. Hàng tuần chúng tôi có 2 buổi sinh hoạt về chuyên môn, tôi thấy cần có thêm buổi sinh hoạt về đạo đức giáo viên (ít nhất 1 tuần 1 buổi), những việc được làm và không được làm.

Có rất nhiều quy định nhưng không phải giáo viên nào cũng biết. Năm 2008 chúng ta có quy định về đạo đức giáo viên; năm 2007 có quy định về xây dựng trường học an toàn thân thiện…, đã có rất nhiều quy định được ban hành. Cùng với sinh hoạt chuyên môn, theo tôi, nhà trường tổ chức học tập để lan tỏa, thấm nhuần những quy định nói trên.

Nhà trường cũng cần có các buổi giao lưu, trò chuyện lắng nghe tâm tư của các em để các em chia sẻ về những hành vi, cử chỉ của người thầy, quan điểm những hành vi nào là chưa chuẩn mực. Đề phòng từ xa vẫn hơn.

Tiếp đó là việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học (dù Bộ Giáo dục, Đào tạo đã yêu cầu các nhưng các trường chưa làm được).

Theo tôi, đó là những việc làm rất trực tiếp và có thể làm được ngay để khắc phục các tiêu cực trong thời gian vừa qua.

- Sau 40 phút trao đổi, một lần nữa xin cảm ơn thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh đã giành thời gian chia sẻ với báo điện tử Tổ Quốc về chủ đề này.

Nhóm Phóng viên

NỔI BẬT TRANG CHỦ