(Tổ Quốc) - Thấy thầy Du vẽ tranh trên bảng, các em học sinh ở dưới chăm chú nhìn, một số cầm phấn phụ giúp thầy tô màu. Học sinh lớp khác đi qua cũng ngó vào trầm trồ, thích thú.
Thầy giáo trẻ tạo sự khác biệt trong giảng dạy
Thầy Nguyễn Huy Du, 26 tuổi, hiện là giáo viên của Trường Tiểu Học Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ở trường, thầy Du dạy các môn Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý, Khoa học, Đạo đức, nhưng ai nhìn vào những bức tranh thầy vẽ cũng nghĩ thầy là giáo viên dạy mĩ thuật.
Là giáo viên trẻ, mới ra trường được hơn 3 năm, thầy Du luôn trau dồi kiến thức, kĩ năng chuyên môn, tìm kiếm và học hỏi những kinh nghiệm, phương pháp mới để nâng cao chất lượng dạy học. Vốn yêu thích vẽ từ nhỏ nên thầy Du đã sử dụng những viên phấn màu để ghi chép nội dung bài học, trang trí bảng các ngày lễ, ngày kỷ niệm, hoạt động ngoại khóa,..giúp học sinh hứng thú hơn khi học bài, khơi gợi niềm đam mê nghệ thuật, tính sáng tạo cho học sinh.
“Tôi muốn các em tập trung hơn vào tiết học qua những hình vẽ sinh động. Khi có những hoạt động ngoại khóa như ngày tết trung thu, lễ khai giảng, ngày tổng kết cuối năm, tôi trang trí bảng để lớp học đẹp hơn, thầy trò có những bức hình đẹp chụp cùng nhau làm kỷ niệm”, thầy giáo trẻ nói.
Thầy giáo trẻ vẽ hoa phượng lên bảng để chụp hình kỷ niệm với cả lớp nhân ngày tổng kết năm học.
Thầy Du không có chuyên môn sâu về vẽ. Để vẽ bảng thầy tìm kiếm kiến thức trên mạng, từ kênh youtube và học hỏi từ những người bạn để biết cách vẽ thế nào cho giống thật, đẹp, có hồn và tự nhiên. Anh học dần dần từ bố cục, cách phối màu đến quy luật xa gần,... Ban đầu tập vẽ, thầy Du gặp khó khăn vì phấn chỉ có vài màu, không đủ tả các màu sắc của chủ thể. Anh sau đó phải đi nhiều nơi để tìm mua các loại phấn màu sắc đa dạng.
Sau những hình vẽ cây hoa đầu tiên, dù thấy “chưa tự tin” về khả năng của mình nhưng anh vẫn kiên trì tìm hiểu và luyện vẽ, có khi mất cả 3-4 tiếng đồng hồ. Khi vẽ được những bức hoàn chỉnh, không chỉ mình anh thấy vui mà học sinh cũng thấy hào hứng.
“Các em rất thích. Thấy thầy vẽ thì cũng cầm phấn vẽ theo và đi trang trí giúp các lớp khác. Học sinh lớp khác đi qua cũng ồ lên một cách ngạc nhiên, thích thú và ngưỡng mộ. Đó là cách giúp tôi gắn kết, gần gũi với học sinh của mình”, thầy Du nói.
Học sinh rất hào hứng tham gia cùng thầy.
Với mỗi bức vẽ trang trí bảng, thầy Du lại thuyết minh cho các em ý nghĩa của nó. Thầy kể những câu chuyện đằng sau mỗi bức vẽ để cho các em thêm sự hiểu biết và những bài học.
Những ngày dịch Covid-19, thầy Du vẽ bức tranh cổ động phòng chống Covid-19 để dạy các em về sự hy sinh của tuyến đầu chống dịch và những điều cần phòng tránh. Anh viết một bài thơ, vẽ con rồng và vẽ hình ảnh lãnh đạo, bác sĩ, y tá, công an, giáo viên. Theo anh, giáo viên cũng là lực lượng tuyên truyền viên tích cực giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ về dịch bệnh và cách phòng chống, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng.
“Dùng cách giảng dạy qua tranh vẽ này, các em sẽ nhớ rất lâu. Khi dạy kiến thức trong sách giáo khoa tôi cũng dùng phấn màu ghi chép tóm tắt thông tin để kích thích trí não, giúp các em ghi nhớ sâu hơn. Phương pháp đó là vẽ sơ đồ tư duy”, anh Du chia sẻ.
Bức tranh cổ động phòng dịch Covid-19 của thầy Du.
Không chỉ vẽ tranh bảng để tạo hứng thú và giáo dục học sinh, anh Du còn chia sẻ những bức hình này vào nhóm Giáo viên tiểu học trên Facebook và thu về hàng nghìn lượt like, chia sẻ và bình luận tích cực.
Nhiều giáo viên nhắn tin hỏi và muốn anh chia sẻ kinh nghiệm trang trí bảng nên anh Du mở các lớp dạy. Đầu năm 2021 đến nay, thầy Du mở 5 lớp dạy trang trí bảng, mỗi lớp khoảng 25-30 học viên.
“Tôi thường chia sẻ các bước vẽ, những họa tiết cơ bản để trang trí bảng. Các thầy cô học rất nhanh và vẽ rất đẹp. Việc này không chỉ đem lại cho tôi niềm vui mà còn có thêm chút thu nhập”, thầy Du chia sẻ.
Việc vẽ trang trí bảng đã thu hút sự quan tâm lớn của các giáo viên.
Có cần thiết phải luyện chữ đẹp?
Nhìn các vần thơ được viết trên bảng trong bức tranh cổ động phòng chống Covid-19, không ai nghĩ đó là của một chàng trai từng viết chữ rất xấu. Đến năm 2 đại học, anh Du mới luyện viết chữ đẹp nhờ học trên mạng.
Chỉ trong vòng 2 tháng, anh đã luyện được kiểu chữ chuẩn của tiểu học. Sau đó anh học thêm các kiểu chữ sáng tạo, nét uốn lượn bay bổng hơn.
“Việc viết chữ cũng như vẽ tranh, yêu cầu mình phải tỉ mỉ, biết quan sát từng chi tiết nhỏ, để ý từng đặc điểm riêng của nét chữ, kiểu chữ. Quan trọng nhất là phương pháp luyện tập đúng”, anh Du chia sẻ và cho biết học sinh rất thích thú mỗi khi thầy viết chữ đẹp và thích xin chữ của thầy.
Chữ viết của thầy Du khiến nhiều người trầm trồ vì giống như in.
Việc luyện chữ đẹp không chỉ đơn thuần là sự trình bày bắt mắt, anh Du còn muốn truyền động lực và cảm hứng cho học sinh. Tuy nhiên, một số người cho rằng không cần thiết phải luyện viết chữ đẹp cho học sinh tiểu học. Bởi khi sang cấp hai, với tốc độ và phương pháp học tập mới, các em sẽ học cách viết nhanh, viết tắt để theo kịp tiến độ. Vả lại, không phải cứ viết chữ đẹp thì mới thành tài.
Thầy Du không phủ nhận quan điểm này. Nhưng anh cho rằng việc luyện viết chữ đẹp sẽ rèn cho học sinh nhiều phẩm chất, đức tính tốt như tính cẩn thận, kiên nhẫn, cầu toàn, tỉ mỉ. Sự tập trung và kiên nhẫn có được qua việc khổ công luyện chữ sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình học tập, đọc sách, nghiên cứu và làm việc sau này của các em.
Chữ viết của thầy Du.
“Nếu từ nhỏ các em được luyện tập để viết chữ đẹp thì nó sẽ ăn sâu vào tiềm thức các bé và sẽ theo chúng cả đời. Dù có thay đổi kiểu chữ song vẫn có thể giữ được một số nét đẹp và cũng dễ nhìn hơn”, thầy Du cho hay.
Hơn nữa, nét chữ cũng có thể cho biết một phần tính cách và tâm trạng của học sinh. Khi các em đột ngột viết chữ xấu, chúng ta có thể nhận ra tâm trạng của học sinh đó không tốt. Có thể đang buồn, giận hay chán nản, sợ hãi hoặc bị những thứ khác chi phối. Nhờ đó, thầy cô có thể kịp thời can thiệp, hỗ trợ các em.
Một số hình vẽ khác của thầy Nguyễn Huy Du: