• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thay vì đóng cửa, đảo rồng Komodo vẫn sẽ chào đón du khách

Du lịch 01/10/2019 15:41

(Tổ Quốc) - Ngày 30/9, Indonesia đã quyết định hủy kế hoạch đóng cửa đảo rồng Komodo, một điểm du lịch nổi tiếng tại miền Đông nước này

Indonesia đã quyết định không đóng cửa đảo rồng Komodo, sau khi thấy cá thể loài rồng quý hiếm trên đảo đã tương đối ổn định. Trước đó, việc cân nhắc tạm dừng các hoạt động du lịch trên đảo vào năm 2020 đã được thông báo hồi tháng 7/2019, nhằm hồi sinh hệ sinh thái trên đảo.

Theo kế hoạch đóng cửa, hòn đảo có thể sẽ cấm tất cả hoạt động du lịch trong vòng 1 năm, do giới chức địa phương lo ngại hoạt động này ảnh hưởng đến quá trình giao phối và ấp nở của rồng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gây tranh cãi trong các nhà hoạt động môi trường và ngành du lịch, cũng như trong cộng đồng cư dân dựa vào du lịch để kiếm sống.

indonesia-1

Rồng Komodo - Ảnh: Báo An ninh Thủ đô

Kế hoạch đóng cửa đảo đã bị hủy bỏ, bởi theo số liệu của Chính phủ, hiện đang có 1.727 con rồng Komoda sinh sống trên đảo. Số lượng cá thể ổn định và không có mối đe dọa nào trong giai đoạn quan sát từ năm 2002 - 2019.

Đảo Komodo đã trở thành điểm du lịch được bảo tồn đặc biệt của Indonesia. Năm 2018, hơn 176.000 du khách đã đến thăm hòn đảo này chỉ để ngắm những cá thể bò sát quý hiếm. Cũng theo số liệu của Chính phủ Indonesia, hiện có tổng cộng 2.897 con rồng Komodo tại vườn quốc gia gồm 3 đảo Komodo, Rinca và Gili Motang.

Rồng Komodo, loài thằn lằn còn sinh tồn lớn nhất trên thế giới, có tên gọi như vậy là lấy theo tên gọi của đảo Komodo. Rồng Komodo sinh sống trên đảo Komodo cũng như trên một số đảo nhỏ khác nằm cận kề như Padar và Rinca, phía Đông Indonesia. Loài thằn lằn khổng lồ này có thể có chiều dài lên tới 3m và nặng hơn 150kg với cái đuôi mạnh mẽ, móng vuốt lớn và răng cưa. Là động vật ăn thịt, thức ăn chủ yếu của rồng Komodo là động vật ăn cỏ lớn như hươu và lợn. Ước tính, hiện có khoảng 5.700 con rồng Komodo trong tự nhiên. Chúng được liệt kê vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng và cần được được bảo vệ khẩn cấp.

Các nghiên cứu về rồng Komodo vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Dù được phát hiện từ những năm đầu thế kỷ XX nhưng mãi đến năm 2009, các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng, rồng Komodo tấn công đối phương bằng vết cắn yếu nhưng có nọc độc làm cho đối phương nhiễm độc và chảy máu đến chết. Năm 2013, hai người đã được đưa đến bệnh viện sau khi bị rồng Komodo tấn công vào văn phòng một công viên động vật hoang dã ở miền Đông Indonesia.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ