• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thế hệ nhà văn sau 1975 là ai?

Văn hoá 01/04/2016 22:18

(Tổ Quốc)- Đây là câu hỏi có tính bao quát, không dễ trả lời nếu như không có nghiên cứu, tổng kết đánh giá nghiêm túc.

(Tổ Quốc)- Thế hệ nhà văn sau 1975 là ai? Thế hệ nhà văn sau 1975 có những đặc điểm gì? đây là câu hỏi có tính bao quát và không dễ trả lời nếu như không có nghiên cứu, tổng kết đánh giá nghiêm túc. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin tạm đưa ra một vài đặc điểm của một thế hệ nhà văn mà tới nay chính trong giới văn chương vẫn chưa phân định ổn thỏa.

 

Vài đặc điểm đáng chú ý

Theo như dự kiến của Ban tổ chức Hội thảo Thế hệ nhà văn sau 1975 đưa ra vài tháng trước đây thì Hội thảo sẽ được tổ chức vào giữa tháng 4 tới. Tới thời điểm này, khi kết thúc thời gian nhận tham luận, Ban tổ chức đã nhận được gần 90 tham luận gửi đến. Đây là một con số khá bất ngờ, chứng tỏ giới văn nghệ không chỉ quan tâm theo dõi sự kiện mà còn có những nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc về Thế hệ nhà văn sau 1975. Theo thông tin từ BTC thì có thể rút ra một số đặc điểm về Thế hệ nhà văn sau 1975 như một tham khảo cho những ai quan tâm đến văn chương khi mà Hội thảo chưa diễn ra và có những kết luận cuối cùng từ phía các nhà chuyên môn.

Đó là:

Có những tiếng nói khẳng định dõng dạc những thành tựu đổi mới thực sự quan trọng, định danh đấy là một nền văn học thuộc về thế hệ ‘nhà’ này (các nhà văn cầm bút thuộc thế hệ 5x, 6x) chứ không phải thế hệ nhà văn trước. Tạo lập được thi pháp mới trên nền mĩ học mới.

Nền văn học đổi mới với những thành tựu thì công lao thuộc về thế hệ nhà văn sau 1975. Dĩ nhiên không thể từ trên trời rơi xuống mà sự kế thừa, một sự tiếp nối hết sức tất yếu. Bởi nếu không có khúc dạo đầu của Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Thi Hoàng, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo… thì làm sao có được tiếng nói thơ ca và văn xuôi đổi mới như chúng ta đang thấy. Đó là thế hệ khởi động, cựa quậy và dấu hiệu đổi mới rất cơ bản, đặc biệt những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Minh Châu. Nó là những tiền đề để Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Bảo Ninh... hiện lên như những gương mặt đổi mới có thể nói hoàn toàn.

Để đổi mới được phải thuộc những người cầm bút trẻ. Không thể có cuộc đổi mới nào là của đội ngũ người lớn tuổi cả. Những năm 1986, 1990 các gương mặt đổi mới còn rất trẻ, cao nhất là Nguyễn Huy Thiệp 40 tuổi, còn lại đều trên dưới 30, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Dư Thị Hoàn. Văn xuôi có Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp… Mọi cuộc cách tân và đổi mới đều thuộc về tuổi trẻ. Đây là điều đã được chứng minh.

Mỗi cuộc đổi mới không giống nhau. Có những cuộc đổi mới cùng 1 lúc tất cả các thể loại trỗi dậy: thơ ca, văn xuôi, phê bình, kịch… nhất loạt đổi mới như thời 1932- 1945. Nhưng trong giai đoạn này, về mặt sáng tác thì văn xuôi đi trước thơ. Văn xuôi tạo ra những cú hích mạnh mẽ và đồng thời phê bình có một phần đi trước,  đặc biệt đồng hành với tiếng nói đổi mới đầu tiên, đây là điều rất thú vị. Với lý luận phê bình, chúng ta nhớ lại, khúc dạo đầu có bài của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến năm 1979 về một đặc điểm của văn học Việt Nam hiện nay và nhất là 1987 có bài quan trọng “Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa” kéo theo đó là hàng loạt thảo luận rất mạnh mẽ, sôi nổi giữa: văn học với chính trị, đổi mới văn xuôi, thơ, vấn đề cách đọc, viết lịch sử…

Thơ tuy muộn hơn một chút nhưng bắt nhịp rất mạnh mẽ và xuất sắc với 3 đợt sóng đầu tiên thuộc về: Dương Kiều Minh với Củi lửa 1989, Nguyễn Lương Ngọc với 2 tập ra đời cùng lúc năm 1990 với Từ nướcNgày sinh lại và đầu 1992 là Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều.

Thế hệ nhà văn sau 1975 đã tác động rất mạnh mẽ vào đời sống văn học và các thế hệ tiếp theo, gây ảnh hưởng cho những thế hệ 7x, 8x, 9x.

Nhìn nhận Thế hệ nhà văn sau 1975

Nhìn nhận về sự xuất hiện của Thế hệ nhà văn sau 1975, từ sau mốc 1986 với lời kêu gọi “cởi trói văn nghệ sĩ” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, giáo sư Trần Đình Sử có nhận định:Các nhà văn không cùng kể một câu chuyện chung của thời đại, mà mỗi người kể câu chuyện của mình về thời đại, mỗi nhà thơ cũng có tâm trạng, giọng điệu riêng, không ai giống ai. Đã kết thúc nền văn học đồng phục”.

Giáo sư Trần Đình Sử nhận xét tổng quan: “Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kì đổi mới, nhưng có một điều có thể chắc chắn, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người đóng góp lớn nhất cho sự nghiệp đổi mới văn học. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới. Họ không có gì để giữ gìn, trì kéo, không có gì để mất. Họ xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm  những mĩ học mới và khác, làm phong phú cho văn học dân tộc. Đã và sẽ còn có nhiều cách đánh giá văn học đổi mới. Song theo tôi, đánh giá văn học Đổi mới trước hết phải là những người thiết tha với sự nghiệp đổi mới văn học, những người muốn thấy văn học là văn học, là sự thể hiện các nguyên tắc nhân học và thẩm mĩ vốn có của nó, muốn thấy nền văn học Việt Nam sánh bước với văn học nhân loại, trong khi vẫn phát huy bản sắc dân tộc riêng độc đáo, không thể nhầm lẫn của nó.

Nhà thơ Mai Văn Phấn nhìn nhận thơ được coi là đổi mới của thế hệ nhà văn sau 1975 trong tương quan quá khứ, hiện tại, khá thẳng thắn với nhận xét của mình, nhưng không vì thế mà chúng ta bi quan: “Khuynh hướng thơ cách tân sau 1975 khi mới xuất hiện, và ngay trong thời điểm hiện nay vẫn gặp không ít những phản ứng tiêu cực từ phía bạn đọc và một vài nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Thực tế cho thấy, những phản ứng này không làm chậm lại chuyển động của dòng chảy thơ đổi mới, cách tân. Ngược lại, nó còn thôi thúc, kích hoạt thêm quá trình định hình, khẳng định chắc chắn một khuynh hướng sáng tạo mới.

Đổi mới, cách tân thi pháp là cách các nhà thơ lấy lại lòng tin, vị thế trong lòng bạn đọc hiện nay. Đồng thời, điều đó cũng giúp những người sáng tác chúng ta tự tin hơn khi văn học Việt Nam hòa nhập với văn học các nước trong khu vực và thế giới. Trên bình diện đó, thơ cách tân sau 1975 thực sự đã đóng góp xứng đáng vào văn hóa tinh thần dân tộc, làm phong phú, đa dạng thêm nền văn học Việt đương đại”.

Còn tiến sĩ Đỗ Hải Ninh không ngần ngại đưa ra quan điểm: “Văn xuôi Việt đã bứt phá ngoạn mục với một thế hệ viết bằng tư duy văn học mới, với lối viết mới hoàn toàn cắt đứt khỏi tư duy phân lập rõ ràng tốt - xấu, địch - ta, chính diện - phản diện. Điều đó dẫn đến xu hướng giải thiêng và giễu nhại trở thành đặc điểm nổi bật của văn học giai đoạn này. Đồng thời văn học cũng chuyển hẳn từ cảm hứng triết luận và tính luận đề sang một hình thái mới: ngôn ngữ tự trình hiện bằng những biểu tượng và ký hiệu. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh cho cảm giác như những mảng màu lập thể để người đọc có thể nhìn từ nhiều góc khác nhau. Trong những câu chuyện kể của Nguyễn Huy Thiệp, chỉ có tiếng nói nhân vật cất lên, lời nói tự thân nó thể hiện một quan niệm về đời sống. Người đọc không dễ gì nhận ra tư tưởng của nhà văn qua những chi tiết, sự kiện, nhân vật và cũng dễ mất định hướng trước cái hiện thực trần trụi, “cực thực” được phơi lộ trong tác phẩm”.

Hiền Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ