• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thế nào là "made in Vietnam"?

Kinh tế 26/09/2019 07:45

(Tổ Quốc) - Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, sau đó lưu thông trong nước thì hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Bộ Công Thương ngày 25/9 đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh hiện nay có nhiều loại sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ghép, gia công và ghi nhãn là hàng "Made in Vietnam".

09_yimi

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam hiện đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Còn với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước thì hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Theo ông Trần Thanh Hải, việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43/CP.

Thực tế, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Vì vậy, khắc phục các bất cập đó, cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là "sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết về nguyên tắc, thông tư này sẽ không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp ghi nhãn chính xác hơn các sản phẩm, tránh được nguy cơ bị cáo buộc là gian lận xuất xứ...

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết thêm, từ đầu tháng 8/2019, Bộ đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. 

Theo quy định, Bộ Công Thương đã đăng tải công khai dự thảo Thông tư và tổ chức 2 hội thảo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để lấy ý kiến rộng rãi của mọi người dân, doanh nghiệp, bộ, ngành liên quan nhằm hoàn thiện dự thảo. 

Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng, rồi tiếp tục rà soát một lần nữa trước khi ban hành.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ