• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thể thao là một trong những yếu tố cốt lõi giúp xóa bất bình đẳng giới

Thể thao 10/10/2023 07:59

(Tổ Quốc) - Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề bình đẳng giới trong thể thao đã dần được cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Trong những năm qua, quan điểm về phụ nữ theo con đường thể thao chuyên nghiệp đã dần có sự thay đổi theo hướng tích cực. Khái niệm thể thao vốn tưởng chừng chỉ được gắn cho phái nam thì giờ đây đã bao hàm cả những người phụ nữ.

Thành tích của ngành thể thao Việt Nam trên các đấu trường khu vực, châu lục, thế giới có đóng góp không nhỏ của các VĐV nữ, trong đó có thể kể đến như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh (Điền kinh), Ánh Viên (Bơi), Dương Thúy Vi (Wushu), Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo)...và đặc biệt là các cô gái thuộc đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia Việt Nam. Tất cả đều mang về những thành tích xuất sắc, giúp nâng tầm thể thao nước nhà trên trường quốc tế.

Thể thao là một trong những yếu tố cốt lõi giúp xóa bất bình đẳng giới - Ảnh 1.

Trong những năm qua, các VĐV nữ đã mang về nhiều thành tích ấn tượng cho TTVN

Thế nhưng, đã có giai đoạn, các VĐV nữ gặp khá nhiều khó khăn trong việc mưu sinh với nghề. Không những vậy, so với các VĐV nam, các VĐV nữ ít nhận được sự đồng thuận từ gia đình khi đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp.

Đơn cử như trường hợp của các cầu thủ bóng đá nữ ở cấp CLB và ĐTQG. So với giải vô địch quốc gia (V-League) thì giải vô địch quốc gia nữ trong những năm trước đây có mức tiền thưởng khá khiêm tốn. Tương tự mức thưởng của giải, mức lương của các cầu thủ nữ cấp CLB cũng không mấy "khá khẩm" hơn. Không ít cầu thủ nữ chuyên nghiệp phải đi dạy thêm, bán hàng online, thậm chí bánh mì, bán nước mía... để trang trải chi phí sinh hoạt. 

Tiền đạo Huỳnh Như, đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia từng cho biết, với các cầu thủ nữ, việc có một nghề tay trái để trang trải thu nhập là điều “hiển nhiên”. Không ít trường hợp các cầu thủ nữ buộc phải bỏ nghề do sự phản đối gay gắt từ phía gia đình.

Xét về mặt thành tích, những tấm huy chương tại các kỳ đại hội khu vực, châu lục như SEA Games, ASIAD hay các giải đấu thể thao quốc tế... của các VĐV nữ đều có giá trị ngang với VĐV nam. Thậm chí, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia còn vượt trội hơn khi lần đầu tiên đưa bóng đá Việt Nam tham dự VCK World Cup nữ. Bên cạnh đó, chính sách về lương thưởng, đãi ngộ đối với các VĐV của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là như nhau. 

Tuy nhiên, ở thời điểm trước, mức chênh lệch về thu nhập đến từ sự khác biệt về mối quan tâm của khán giả. So với các VĐV nữ, các VĐV nam nhận được nhiều sự quan tâm, yêu thích hơn, từ đó, số tiền tài trợ, đầu tư xã hội hóa dành cho thể thao nam cao hơn nhiều so với nữ, góp phần gây ra sự bất bình đẳng.

Thể thao góp phần xóa bỏ bất bình đẳng giới

Đến thời điểm hiện tại, cùng với sự cố gắng của các cấp chính quyền, lãnh đạo ngành, bất bình đẳng giới trong thể thao đã được phần nào xóa bỏ. Sự quan tâm của dư luận, khán giả và xã hội với các VĐV nữ đã lớn hơn sau những thành công lớn của các VĐV nữ.

Thể thao là một trong những yếu tố cốt lõi giúp xóa bất bình đẳng giới - Ảnh 2.

Nhiều chính sách bình đẳng giới đã được ngành TDTT áp dụng

Hai minh chứng điển hình nhất là trường hợp của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sau khi giành được vé vào World Cup và trường hợp của VĐV Nguyễn Thị Oanh sau khi lập nên kỳ tích lịch sử với việc chinh phục liên tiếp 2 tấm HCV chỉ trong 5 phút tại SEA Games 32. Cùng với việc được vinh danh, cả hai trường hợp không chỉ tạo được tiếng vang lớn, thu hút được tiền tài trợ, mà còn góp phần thay đổi cái nhìn về nữ giới theo con đường thể thao chuyên nghiệp.

VĐV Quàng Thị Thu Nghĩa (Pencak Silat), chủ nhân của tấm HCV SEA Games 31 cho biết: "Ban đầu khi biết tôi theo con đường thể thao chuyên nghiệp, gia đình phản ứng rất dữ dội. Tuy nhiên, sau khi tôi bắt đầu có được những thành tích, mọi người đã dần thay đổi cách nhìn nhận và ủng hộ tôi nhiều hơn".

Trong cuộc sống gia đình, một người phụ nữ có sức khỏe tốt, tích cực tập luyện TDTT họ sẽ có sự tương tác tốt với những người thân trong gia đình cùng tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe. Họ tự tin và biết cách sắp xếp cuộc sống một cách khoa học, là hậu phương vững chắc, động viên, giúp đỡ chồng con vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong cuộc sống, là bến đỗ bình an, là chỗ dựa tinh thần cho các thành viên sau những giờ học tập, làm việc vất vả.

Như vậy, có thể thấy Thể thao đối với phụ nữ trong xã hội hiện đại là điều không thể thiếu và giữ vị trí vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển TDTT của đất nước cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bà Lê Thị Hoàng Yến (Phó cục trưởng Cục TDTT) cho biết, trong những năm qua, bên cạnh các chính sách về lương thưởng, đãi ngộ bình đẳng, ngành TDTT đã có nhiều kế hoạch khuyến khích về truyền thông, xã hội hóa các nữ VĐV có thu nhập tương xứng với sự cống hiến. Từ đó, giúp xóa bỏ bất bình đẳng giới trong thể thao cũng như giúp các VĐV nữ có thể chuyên tâm tập luyện.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cũng đang vào cuộc với nhiều chương trình tài trợ hay liên kết tạo việc làm cho nữ VĐV sau khi giải nghệ. Đây là những chương trình  được thiết kế bài bản, ổn định góp phần đưa thể thao trở thành một trong những yếu tố cốt yếu để tạo ra bình đẳng giới toàn diện.


*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ