(Cinet) - Sáng 10/8, UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) đã tổ chức lễ công bố làng nghề thổ cẩm bản Cỏ Ngựu, xã Châu Thôn.
(Cinet) - Sáng 10/8, UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) đã tổ chức lễ công bố làng nghề thổ cẩm bản Cỏ Ngựu, xã Châu Thôn.
Hiện, làng nghề Cỏ Ngựu có tổng số 33/44 hộ dân tham gia dệt thổ cẩm. Ảnh: Báo Nghệ An |
Là huyện miền núi có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, Quế Phong là cái nôi của nhiều làng nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan…Tuy nhiên trải qua thời gian, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc đã bị mai một dần. Trong những năm qua, huyện Quế Phong đang nỗ lực khôi phục, phát triển các nghề truyền thống.
Được biết, trong các năm từ 2016 - 2018, huyện Quế Phong đã xây dựng được 4 làng nghề dệt thổ cẩm. Trước đó bản Đan (Tiền Phong), Cỏ Nong (Mường Nọc), bản Mỏng (Cắm Muộn) đã được công nhận làng nghề.
Cỏ Ngựu là bản người Thái. Nơi đây có truyền thống dệt thổ cẩm lâu đời, sản xuất và buôn bán các mặt hàng thổ cẩm là hoạt động chính của làng. Hiện, làng nghề này có tổng số 33/44 hộ dân tham gia.
Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, đầu năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án phát triển làng nghề và làng có nghề trên địa bàn miền Tây Nghệ An đến năm 2020. Theo đó, Đề án phấn đấu khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong. Đào tạo dạy nghề, cải tiến một số trang thiết bị khung dệt. Khuyến khích thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh làm đơn vị hạt nhân để phát triển nghề nhằm cải tiến mẫu mã mặt hàng, tìm kiếm thị trường sản phẩm cho người sản xuất.
Theo kế hoạch từ 2017-2020, tỉnh sẽ xây dựng được 34 làng nghề dệt thổ cẩm, đến 2025 phát triển thêm 12 làng nghề.
Lan Anh (t/h)