(Tổ Quốc) - Cặp vợ chồng người Việt, Đỗ Tuấn Việt và Nguyễn Quý Quỳnh Hạnh, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Espoo, Phần Lan. Vào tháng 5 năm nay, 2 vợ chồng cùng cô con gái nhỏ sang Na Uy – nơi có người chị của Quỳnh Hạnh sinh sống, để đặt bẫy cua và trải nghiệm cuộc sống ngư dân ở một thành phố ven biển, Aalesund.
Cuối tuần rồi, đi đặt bẫy cua thôi!
Qua lời giới thiệu của người chị gái, trong gần 1 tháng trời tại đây, Việt – Hạnh đã được đi đặt bẫy cua tầm 3-4 lần và đó là một trải nghiệm rất là "wow"- theo ngôn ngữ của Hạnh, bởi nó tuyệt vời tới nỗi không có một từ nào để miêu tả cảm xúc của cô.
Đi khỏi Việt Nam khoảng 6 năm nay và mặc dù hai vợ chồng đã đi qua khoảng 20 quốc gia trên thế giới nhưng đi đặt bẫy cua ở Na Uy là một hành trình chưa từng trải nghiệm. "Lần đầu tiên chúng mình bẫy được một con cua nâu to tầm 7-8 lạng thật là quá hạnh phúc, tới nỗi cả nhà tranh nhau chụp ảnh cùng chiến lợi phẩm. Cảm giác giống như là khách nước ngoài tới Việt Nam được tham gia vào cuộc sống của người nông dân Việt. Được đi cấy lúa chẳng hạn"- Hạnh kể lại.
Không đi theo lịch trình của các công ty du lịch, Việt – Hạnh được người chị gái giới thiệu một chuyến đi thực sự hòa mình vào đời sống của người dân bản địa, được sống trọn vẹn với những cảm xúc từ cuộc sống thường nhật của họ mà không phải chỉ là ngắm cảnh đẹp, chụp ảnh check-in hay thưởng thức đặc sản…
Aalesund là một thành phố cảng quan trọng nằm phía trên cùng của đất Na Uy, là một thành phố đẹp hoàn hảo như bức tranh trải dài trên các hòn đảo chạy dài tới Đại Tây Dương và tựa lưng vào núi Sunnmøre hùng vĩ.
Dân cư ở đây không đông đúc và làm ở nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng có một điểm chung là cuối tuần, vào mùa đặt bẫy tôm, cua, các gia đình lại cùng nhau đi đặt bẫy.
Hầu hết các gia đình đều có bẫy tôm, cua dù to hay nhỏ và ngay từ khi còn nhỏ, một em bé đã được người cha của mình chỉ cho những điểm nào có thể đặt được bẫy. Đó là nơi gần bờ, cạnh các vách núi và có hõm nước sâu, có dòng nước đi qua mang lại nhiều nguồn thức ăn – và nơi đó sẽ là nơi trú ngụ của những chú cua béo mầm.
Một trong những loại mồi yêu thích của loại cua nâu là cá Tuyết đã được ủ hoai cho tới khi… bốc mùi. Mặc dù cá Tuyết câu lên và chế biến ăn rất ngon nhưng chúng ta phải chấp nhận "hy sinh" để làm mồi cho cua nâu. Người dân ở đây giải thích, đó là vì loài cua này rất thích mùi hôi thối.
Một điều rất đáng lưu ý của dân đi đặt bẫy cua nâu Na Uy nữa là: chúng không bao giờ nhắm mắt và cũng chẳng thực sự ngủ. Ban ngày, cua nâu tìm nơi ẩn nấp nhưng đối phó với sự nguy hiểm rình rập khắp các vùng nước lạnh khiến nó không thể chợp mắt. Nhưng không sao, Việt – Hạnh đã được chỉ cách rằng, ban đêm hãy đi thả bẫy, chờ trời sáng tầm sau 6 tiếng đồng hồ, nếu may mắn, bạn sẽ thấy mình là siêu nhân khi mở bẫy ra vài chú cua nâu với những cái chân ngắn tũn đã nằm gọn trong ấy.
Lần đầu tiên, Việt và Hạnh được người dân chỉ tới một chỗ để đặt bẫy cua. Dùng hết sức bình sinh, Việt phải quăng tới 3 lần mới hạ được cái bẫy vào điểm nước sâu. Bình thường một cái bẫy thường nặng 3-4 kg được làm như một chiếc lồng khung sắt có một chỗ để đặt mồi và một đường cho cua vào.
Đương nhiên, với người bản địa thì thường quăng một phát trúng ngay vì dù họ có không biết ăn cua, không thích ăn cua nhưng bộ gen tự nhiên đã quy định: sinh ra và lớn lên ở đây thì phải biết quăng bẫy như thế. Từ bé đã được đi quăng và việc này ngấm vào máu.
Và tổng thể cả chuyến đi Na Uy, Việt – Hạnh đã rất tự hào với thành quả bắt được 15 con cua nâu, ăn không xuể!
Gìn giữ nguồn cua nâu
Mùa đánh bắt chính trong năm kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11, Na Uy quy định chỉ được đánh bắt cua nâu trưởng thành, con không đủ điều kiện phải thả trở lại môi trường và việc này phải được thực hiện bằng các thiết bị đặc biệt để không ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên.
"Vào mùa đánh bắt chính khiến mình cảm thấy hình như gia đình nào cũng lên chợ online để bán cá mồi và cua nâu bẫy được. Rất nhộn nhịp" – Hạnh kể.
Còn với vợ chồng du khách người Việt này thì hấp cua nâu là cách làm dễ nhất, được thưởng thức hải sản tươi sống, thịt cua ngọt, càng to, nhiều thịt lại còn do chính tay mình đặt bẫy được và ăn trong thời tiết lạnh nữa thì đúng là thêm một cảm giác "wow" nữa.
Trước khi sang Na Uy du khách thường được giới thiệu những địa điểm trekking núi đẹp, hay lướt sóng, lặn biển ở đâu… nhưng không nhiều người biết biết lại có trải nghiệm như bẫy cua chẳng hạn. Nhưng giờ thì sau vài lần đi đặt bẫy, Việt – Hạnh có thể tự tin hướng dẫn cho bạn đặt bẫy cua nâu ở Na Uy như một ngư dân lành nghề của Aalesund!
Nếu bạn muốn, hoàn toàn có thể cắm trại bằng võng, lều mượn được miễn phí tại các nhà thờ và qua đêm ngay ở gần bờ biển để sáng mai dậy là có thể vớt bẫy cua!
Việt – Hạnh rất muốn hè 2023 sẽ sang Aalesund tiếp bởi mỗi lần đi bẫy cua về, cảm giác lại yêu thiên nhiên hơn và thật là ghen tị với người Na Uy được sống gần thiên nhiên, sống với những nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhưng cũng rất biết cách gìn giữ cho thế hệ mai sau.
"Có lần đi đặt bẫy, mình gặp một cậu bé con. Dù nhỏ tuổi nhưng cậu ấy đã hiểu một việc rằng: ở đây, thế hệ trước nói với thế hệ sau cách bảo tồn nguồn hải sản như thế nào và ý thức đó được thực hiện một cách nghiêm ngặt dù không có mặt của lực lượng chức năng. Sang Na Uy, mình cũng cảm thấy biết ơn họ với cách bảo tồn như thế và đương nhiên rồi, khách du lịch cũng sẽ thấy cần phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn nguồn hải sản ở đó luôn luôn như thế này"- Việt chia sẻ./.