Theo chân những người trẻ "hồi sinh" nhiều dòng sông chết ở Thủ đô
Thực hiện: Nam Nguyễn | 03/04/2023
(Tổ Quốc) - Hơn 3 tháng qua, hành trình "hồi sinh" kênh rạch ô nhiễm của nhóm các bạn trẻ Hà Nội Xanh đã tạo "cơn sốt" về ý thức bảo vệ môi trường trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều năm nay, sông Tích, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và sông Đáy luôn ở trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Dòng nước tại các sông đều đen kịt, khẩu độ dòng chảy bị thu hẹp, chất thải tạo thành bãi bồi... ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh.
Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội lan tỏa rất nhiều video và bài đăng về một nhóm thanh niên tình nguyện có tên là Hà Nội Xanh. Nhóm được biết tới qua những buổi dọn vệ sinh tại các con sông đen kịt vì rác thải sinh hoạt.
Anh Nguyễn Tiến Huy, trưởng nhóm chia sẻ: "Thời gian đầu khi mới thành lập, nhóm chỉ có 3 thành viên, tới hiện tại thì số thành viên đã lên hơn 200 người. Chủ yếu là các bạn trẻ ở nhiều lứa tuổi trên khắp thành phố Hà Nội. Cho đến nay nhóm đã thực hiện hơn 30 buổi lao động ở các khu vực như Linh Đàm, Định Công, Hoàng Mai, sông Tô Lịch, trả lại sự trong sạch vốn có cho dòng sông và hiện tại là ở sông Nhuệ".
Mỗi buổi lao động sẽ kéo dài khoảng 3 đến 5 tiếng, thông thường bắt đầu từ 14 giờ và kết thúc lúc 17 giờ hàng ngày. Các dụng cụ bảo hộ bao gồm quần áo, găng tay và khẩu trang...
Với tiêu chí “Đi đến đâu sạch đến đó”, nhóm thường thực hiện dọn vệ sinh ở từng đoạn ngắn và luôn cố gắng đảm bảo không bỏ lại dù chỉ là một cái túi ni lông.
Theo ghi nhận của PV báo điện tử Tổ Quốc, dưới lòng sông Nhuệ đen kịt, các bạn trẻ đang miệt mài vớt từng tảng bèo, lốp xe lên ven sông. Dù dưới sông là mùi hôi thối khó chịu đang bốc lên thì vẫn không có ai than thở một câu nào.
Ví dụ như sông Nhuệ, sau khi khảo sát, nhóm đặt ra kế hoạch dự kiến là làm sạch trong khoảng 30 buổi để đảm bảo dọn sạch rác dưới lòng sông, lòng kênh.
Theo anh Huy, các tình nguyện viên bắt buộc phải tiêm phòng uốn ván trước khi tham gia.
Những thành viên thực hiện công việc lội dưới lòng sông đều là những người gắn bó lâu dài với nhóm và từng có kinh nghiệm lội nước, phải đi lại nhẹ nhàng và cẩn trọng bởi có rất nhiều mối nguy tiềm ẩn trong lòng sông ô nhiễm.
Các bạn trẻ không ngại khó khăn, quyết tâm dọn sạch kênh mương, khơi thông nguồn nước.
Dù thân hình nhỏ bé, Bùi Đích Huyên (25 tuổi, quận Đống Đa) là thành viên năng nổ, nhiệt huyết của nhóm. Về nhà sau những buổi đầu tham gia, cơ thể đau nhức, nhưng cô không từ bỏ. "Nhiều phế thải như túi nilon, nệm, quần áo, bàn thờ, lâu không dọn, nằm sâu dưới bùn, khiến chúng tôi mất nhiều công sức mới có thể kéo lên", Huyên nói.
Những chiếc túi, ví... cũng được các bạn trẻ vớt lên từ trong lòng dòng sông chết.
Theo quan sát đa số rác tại các con sông đều là những loại túi ni lông, các mảnh chai thủy tinh, rác thải sinh hoạt và có một số chất thải khác như bàn ghế gỗ, bàn thờ, đồ dùng của các hộ dân đã qua sử dụng đều được nhóm phân loại kỹ càng.
Tại mỗi địa điểm mà Hà Nội Xanh đi qua, nhóm sẽ đặt các thùng rác công cộng để người dân có thể vứt rác vào thùng, giúp cho công việc thu gom dễ dàng hơn.
Sau gần hai tiếng vớt rác, Hà Nội Xanh thu gom hơn 20 túi rác, nặng hàng chục kg, buộc chặt trong từng túi nilon để chuyển đến điểm tập kết giao cho công nhân môi trường. Kim tiêm, xi lanh, đồ vật sắc nhọn, mảnh sành, sẽ được xử lý riêng để tránh nguy hiểm.
"Mỗi lần ngâm mình dưới những dòng kênh, mương, ao, hồ... chúng tôi chấp nhận những nguy hiểm tiềm ẩn, ảnh hưởng sức khỏe, chỉ mong lan tỏa rộng rãi ý thức bảo vệ môi trường tới cộng đồng", trưởng nhóm Nguyễn Tiến Huy chia sẻ.
Sau hai tháng hoạt động, Hà Nội Xanh nhận về nhiều phản hồi tích cực từ người dân.
Nhóm cho biết sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án về môi trường, vì một Hà Nội xanh và sức khỏe cộng đồng.
Với slogan “Hà Nội Xanh, môi trường sạch”, nhóm muốn nhắn gửi rằng: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không phải của riêng ai, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính sức khỏe của chúng ta. Chúng ta đã được sinh ra trên một mảnh đất màu mỡ thì hãy chung tay bảo vệ môi trường để sau này con cái của chúng ta không phải sống trong rác thải.”