• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thí điểm điều trị F0 tại nhà: Phải tính đến trường hợp cả gia đình chung sống trong căn nhà mấy chục mét vuông

Sức khỏe 13/08/2021 20:26

(Tổ Quốc) - Tại Hội nghị về điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 diễn ra ngày 13/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tới đây ngành y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị F0 tại nhà ở TPHCM và một số tỉnh, thành phố khác khi số ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở.

Thí điểm điều trị F0 tại nhà: Phải tính đến những trường hợp cả gia đình chung sống trong căn nhà mấy chục mét vuông - Ảnh 1.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế

Thay đổi chiến lược điều trị nhằm giảm tử vong

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, với sự lây lan nhanh của dịch bệnh, của biến chủng Delta, số ca mắc COVID-19 tại nước ta tăng rất nhanh.

Phân tích dịch tễ, ca bệnh lâm sàng cho thấy khoảng 80% ca mắc là người không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, còn lại 20% là những người có biểu hiện vừa, trung bình. Trong số 20% trường hợp vừa và trung bình này có 5% ca chuyển biến nặng và 0,5-1% ca diễn tiến rất nặng.

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, từ kinh nghiệm trong điều trị, Bộ Y tế đã đưa ra chiến lược điều trị mới, cụ thể và bổ sung cho chiến lược hiện nay. Sự thay đổi về chiến lược điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong và đảm bảo tất cả người bệnh được tiếp cận y tế.

Theo đó, căn cứ trên kinh nghiệm quốc tế, mô hình về triệu chứng bệnh học, các chuyên gia nhận thấy có thể điều trị được F0 tại nhà, tại gia đình.

"Mỗi gia đình trở thành "home care", phòng y tế. Chúng tôi đang xây dựng hướng dẫn thật kỹ như bệnh nhân khi ở nhà thì chăm sóc sức khỏe, cách ly như thế nào; khi diễn biến có sốt, ho, bắt đầu khó thở thì phải liên hệ với ai, đến đâu"- ông Lương Ngọc Khuê nói.

Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, mô hình chăm sóc, theo dõi, cách ly F0 tại nhà cũng sẽ như việc cách ly F1, F2 tại nhà trước đó, mục tiêu là phải đảm bảo không lây nhiễm chéo cho người trong gia đình, ra ngoài cộng đồng.

"Bên cạnh đó, ngành Y tế sẽ tăng cường tư vấn cho người bệnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như qua điện thoại, zoom, zalo, viber" - ông Lương Ngọc Khuê cho hay.

Tính đến trường hợp cả gia đình sống trong căn nhà mấy chục mét vuông

Về khó khăn khi triển khai thí điểm việc này, ông Lương Ngọc Khuê chỉ ra, Việt Nam khác nước ngoài ở mô hình gia đình "tứ đại đồng đường" có ông, bà, bố mẹ và cháu cùng sống chung nhà.

"Có những gia đình sống trong ngôi nhà chỉ có mấy chục mét vuông thì việc có chỗ cho người bệnh sinh hoạt riêng là rất khó. Chúng ta phải tính đến tất cả những điều đó khi xây dựng hướng dẫn để làm sao mô hình đi vào thực tiễn. Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh áp dụng thí điểm tại TPHCM và một số tỉnh thành có số ca mắc tăng cao"- ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Ông Lương Ngọc Khuê nói thêm, trong điều trị bệnh nhân COVID-19, người bệnh sẽ được cán bộ y tế tuyến cơ sở, bác sĩ gia đình, bác sĩ tại địa phương và các khu vực, cùng với mạng lưới bác sĩ tình nguyện hỗ trợ tư vấn. Đây chính là tầng thứ nhất trong phân tầng điều trị. Trong hướng dẫn điều trị hiện nay, quan trọng là tư vấn tâm lý. Đại dịch cũng như thảm hoạ, người mắc bệnh rất lo lắng, tâm lý xao động, có diễn biến lo lắng, không biết điều trị thế nào, ở đâu, thuốc gì... nên cần được hỗ trợ tư vấn kịp thời./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ