(Tổ Quốc) - Về tên gọi của cơ quan chung, Văn phòng Quốc hội đề xuất tên gọi là: “Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” để đảm bảo thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của các chủ thể.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(Nguồn: quochoi.vn) |
Trình bày tóm tắt tờ trình việc việc xây dựng Đề án, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực hiện sự phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Ban soạn thảo, tổ chức nghiên cứu và lấy ý kiến góp ý vào Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Về tên gọi của cơ quan chung, Văn phòng Quốc hội đề xuất tên gọi là: “Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” để đảm bảo thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của các chủ thể.
Về vị trí, chức năng của Văn phòng, Đề án xác định, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cơ quan cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương. Văn phòng là cơ quan tương đương cấp Sở tại địa phương, trực thuộc Ủy ban nhân dân nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.
Văn phòng chung thực hiện toàn diện nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất theo quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện có hiệu quả, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Về cơ cấu tổ chức, biên chế của Văn phòng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình hoạt động, đề án đề xuất địa phương được chủ động lựa chọn 1 trong 2 phương án: Phương án 1, thành lập không quá 11 phòng và đơn vị theo đối tượng phục vụ, trong đó có 10 phòng có quy định cụ thể và 01 phòng đặc thù do cấp có thẩm quyền thành lập xem xét, quyết định theo yêu cầu đặc thù của địa phương. Phương án 2, thành lập 7 phòng và đơn vị theo nội dung, tính chất công việc.
Đề án đề xuất Văn phòng chung làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên. Chánh Văn phòng điều hành toàn bộ công việc của Văn phòng và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; Thường trực Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo lĩnh vực được giao. Văn phòng chung tương đối độc lập trong công tác tham mưu phục vụ hoạt động của từng chủ thể: Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân để tránh tình trạng vừa tham mưu triển khai thực hiện vừa tham mưu giám sát việc triển khai thực hiện cùng một nội dung.
Trình bày báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Đề án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Đề án đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng.
Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm tạo cơ sở pháp lý để việc thí điểm sớm được triển khai.
Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Pháp luật tán thành với tên gọi của văn phòng chung; nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng chung; địa vị pháp lý của Chánh Văn phòng…Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không cần thiết phải quy định quá cụ thể về cơ cấu tổ chức của Văn phòng chung mà chỉ nên quy định số lượng tối đa của các đơn vị trực thuộc có thể là 10 -11 phòng và giao cho các địa phương chủ động quyết định căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của địa phương với yêu cầu là phải thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả tất cả các nhiệm vụ mà 3 Văn phòng đang đảm nhiệm hiện nay; không quy định nội dung 03 Phó Chánh Văn phòng đồng thời là 03 Thư ký như dự thảo.
Về thời gian thực hiện thí điểm, đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật đề nghị quy định thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 01/01/2019 cho tới khi các luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành để bảo đảm quá trình thí điểm không bị ảnh hưởng bởi tiến độ sửa đổi các luật có liên quan./.
Hà Giang