(Toquoc)-Từng một thời lên cơn sốt khi giới buôn bán bất động sản chuyển sang "săn" nhà tập thể cũ chờ “hốt bạc” sau cải tạo.
(Toquoc)-Từng một thời lên cơn sốt khi giới buôn bán bất động sản chuyển sang "săn" nhà tập thể cũ Hà Nội chờ “hốt bạc” sau cải tạo.
>>Dự thảo mới giúp “hồi sinh” chung cư cũ?
Tuy vậy, với tiến độ ì ạch, kiện tụng kéo ra trong nhiều năm đang diễn ra tại các khu nhà ở Giảng Võ khiến thị trường này lại rơi vào trầm lắng. Người dân thì chờ đợi một cơ hội ở tương lai, trong khi các công ty xây dựng còn dè dặt. Trong bối cảnh đó, những ý kiến đóng góp cho dự thảo mới của Bộ Xây dựng về chính sách cải tạo chung cư của các tổ chức, cá nhân đều e ngại việc gây áp lực lên cơ sở hạ tầng.
Người dân sống ở các khu tập thể cũ chấp nhận ở xập xệ chờ tương lai
Chấp nhận ở xập xệ chờ tương lai
Các nhà tập thể cũ khu Đội Cấn, Ngọc Khánh, Thành Công hiện có giá từ 1,1 tỷ tới 1,5 tỷ đồng cho một căn có diện tích khoảng 30-35 m2.
Đa số các căn hộ này đã xuống cấp, xập xệ và người dân vẫn thu xếp, vun vén trong điều kiện chật chội ấy để sống.
Anh Chiến, một người dân sống tại tầng 3, khu tập thể A5, Thành Công cho hay, anh mua căn nhà 34.1 m2 này từ năm 2013, mua cũng vào dịp "sốt" nhà tập thể cũ nên giá khá cao: 1,6 tỷ đồng.
"Khu A5 này có 5 tầng, cũng nghe thấy người dân nói với nhau là 5 năm trước đây có dự án nhưng tới giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì" - anh Chiến cho biết.
Được biết, hồi gia đình anh Chiến mua nhà, chủ cũ đã sửa sang lại. Gia đình về bổ sung thêm vài “nội dung” hết hoảng 30 triệu đồng. Tuy vậy, hệ thống nước thải của khu vực rất kém, mùi hôi thối bốc lên cả vào ngày nắng lẫn ngày mưa.
"May nhà tôi ở tầng 3, các nhà ở tầng 1 thường xuyên bị tắc, nước thải tràn vào nhà. Trời mưa to thì ngập lụt, nhiều nhà xuống cấp tệ lắm. Chúng tôi muốn có nhà mới lắm nhưng tất nhiên phải phụ thuộc vào chế độ đền bù và chủ đầu tư nữa" - anh Chiến cho biết.
Hỏi chuyện một người bán nước chè trong khu chợ Thành Công, bên hông dãy nhà A5, bà cho biết, mấy năm trước, khu này có nhiều người tới hỏi, săn lùng mua nhà lắm. Nhưng hai năm trở lại đây thì hầu như không có ai hỏi gì cả.
Mấy người dân khu Thành Công ngồi uống trà đá cùng cũng chia sẻ “nỗi niềm”, cứ ở vậy, được ngày nào hay ngày ấy chứ chính sách thì bàn mãi rồi nhưng cuối cùng cũng chưa đâu vào đâu!
Tại khu tập thể Kim Liên, tiếp xúc nhiều người dân cũng cho hay, việc thỏa thuận, đền bù lẫn xây dựng chả đâu vào đâu từ khu Giảng Võ khiến chả ai còn "tơ tưởng" đến một căn phòng mới.
"Thôi, xập xệ, bệ rạc thì cũng vẫn cứ phải ở. Con cái đứa nào mua được nhà chỗ khác thì tốt, còn lại cứ bám trụ, ăn ở tạm bợ như vậy chúng tôi cũng quen rồi" - ông Long, khu B7 Kim Liên cho biết.
Tuy nhiều nhà bị thấm dột, tắc cống, ẩm thấp… nhưng tiện đường, chợ, chỗ học hành thành ra người dân vẫn kiên trì bám trụ, hy vọng sẽ được một căn hộ tử tế trong tương lai.
Phải đảm bảo được cơ sở hạ tầng
Trao đổi về quy định không khống chế chiều cao khi cải tạo tập thể cũ trong Dự thảo mới của Bộ Xây dựng về cải tạo chung cư cũ, một chủ đầu tư cho hay, dù không khống chế chiều cao nhưng vẫn phải đáp ứng đúng quy hoạch được duyệt.
Thực tế hầu hết chung cư cũ đều nằm trong phạm vi bốn quận nội thành - nơi quy hoạch quy định chiều cao khắt khe. Nếu xây dựng vượt quy hoạch sẽ bị đình chỉ ngay lập tức.
Chưa kể, cũng theo doanh nghiệp này, việc chồng tầng sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng với cơ sở hạ tầng hiện có tại khu vực tập thể cũ được cải tạo. "Chỉ ngại khi xây dựng lên rồi lại vấp phải sự chỉ trích của hết cơ quan này tới cơ quan khác vì vốn dĩ hạ tầng các khu tập thể cũ này hiện tại đã tập trung quá đông dân cư" - vị này nói.
KTS Nguyễn Thị Hiền một chuyên gia tư vấn độc lập cho hay, dự thảo nghị định cho phép nâng tối thiểu gấp 3 lần số tầng hiện có sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chung cư đó mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ quy hoạch. Vì vậy, dự thảo nên đặt trong một tầm nhìn quy hoạch lớn hơn.
Bởi khi tăng số tầng lên, rất có thể mật độ dân số ở đó sẽ tăng, làm thay đổi, ảnh hưởng đến toàn bộ quy hoạch của khu vực.
Bà Hiền cho rằng, dự thảo nên có những điều khoản để đảm bảo rằng, sau khi nâng tầng, diện tích đất công cho hạ tầng cơ sở xã hội, trong đó có vườn hoa sân chơi, bao gồm cả vườn hoa sân chơi khu dân cư phải được đảm bảo cho người dân.
"TP phải lập ra kế hoạch toàn diện cho tất cả các chung cư, xác định rằng về mặt quy hoạch, chung cư nào được phép nâng tầng, chung cư nào giữ nguyên tầng; chung cư nào khi di dời đi thì di dời toàn bộ, để lại đất đó làm hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, trong đó có vườn hoa, sân chơi khu dân cư cho người dân" - bà Hiền chia sẻ.
Đóng góp vào dự thảo của Bộ Xây dựng, HealthBridge - một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, có trụ sở tại Hà Nội cho biết, tổ chức này ủng hộ việc xây dựng các “Thành phố sống tốt” tại 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Với dự thảo, tổ chức kiến nghị, nghị định cần có những điều khoản cụ thể quy định đảm bảo rằng các dự án cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ thực hiện tốt việc xây dựng vườn hoa – sân chơi khu dân cư chất lượng và miễn phí.
Theo tổ chức HealthBridge, toàn bộ nghị định này không đề cập tới mật độ xây dựng. Hoặc cũng có thể theo cách, mật độ xây dựng có thể giữ nguyên theo quy hoạch cũ của khu vực dự án và khuyến khích tăng hệ số sử dụng đất.
"Như vậy kết quả tất yếu là diện tích sàn xây dựng sẽ tăng. Điều này có khả năng dẫn tới mật độ dân số sẽ tăng lên khi công trình mới đi vào sử dụng nếu không có những biện pháp kiểm soát. Việc tăng mật độ dân số tại các khu chung cư mới xây lại sẽ trực tiếp gây sức ép lên hệ thống hạ tầng đô thị vốn đang quá tải, đặc biệt là các hạ tầng xã hội như vườn hoa – sân chơi khu dân cư" - tổ chức này góp ý.
Vì vậy, cần phải có các quy định về mật động xây dựng. Đồng thời, người dân cần phải được tham gia ngay từ đầu vào việc lập quy hoạch./.
Thái Linh