• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thị trường chứng khoán: Quy luật “sell in May” bị “phá vỡ” vì COVID-19?

Kinh tế 07/04/2020 16:25

(Tổ Quốc)- Từ Thủ đô Paris, Pháp, TS. Võ Đình Trí, giảng viên chuyên ngành Tài chính-Bảo hiểm, Trường Kinh doanh IPAG (IPAG Busiess School Paris, Pháp) và ĐH Kinh tế Tp.HCM đã chia sẻ quan điểm về Thị trường chứng khoán (TTCK) những ngày đen tối do dịch bệnh COVID-19. Theo ông, thị trường giai đoạn này có biên độ dao động lớn, nhưng là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn.

TTCK: Quy luật “sell in May” bị “phá vỡ” vì COVID-19? - Ảnh 1.

Ông Võ Đình Trí, giảng viên chuyên ngành Tài chính-Bảo hiểm, Trường Kinh doanh IPAG (IPAG Busiess School Paris, Pháp) và ĐH Kinh tế Tp.HCM

- Thị trường chứng khoán Pháp và châu Âu đã bị ảnh hưởng thế nào từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, thưa ông?

Thị trường bắt đầu phản ứng với COVID-19 từ ngày 20/02, dữ dội nhất là 27-28/02 và 13/03. Cho đến lúc này, thị trường châu Âu và Pháp nói chung đã giảm tương ứng 25%, và 30% so với đầu năm 2020. Nếu so với mức 20% thì thị trường đã rơi vào trạng thái "Con Gấu".

Có hai yếu tố thấy rõ là trong giai đoạn này: khối lượng giao dịch tăng vọt, gấp nhiều lần so với trung bình những ngày trước đó. Điều này cho thấy, có tâm lý hoảng loạn, nhưng cũng có tâm lý "bắt đáy". Thứ hai là mức độ biến động giá trong giai đoạn này (volatility) là rất lớn, chỉ số phân tích kỹ thuật cho khung 14 ngày vượt hẳn 50, hiện nay ở mức 54. Có lúc thị trường phải tạm dừng giao dịch vì biên độ dao động vượt ngưỡng.

Nhiều cổ phiếu, rất nhiều phiên giao dịch chỉ nhận lệnh mua/bán theo giá trị trường, chứ không có lệnh giới hạn (limit).

TTCK: Quy luật “sell in May” bị “phá vỡ” vì COVID-19? - Ảnh 2.

Nguồn: Thomson Reuters

-Các nhà đầu tư đã phản ứng và phòng vệ ra sao, thưa ông?

Như mọi người biết, có 2 dạng nhà đầu tư: cá nhân và tổ chức. Tỷ lệ này không đồng nhất ở các nước châu Âu. Theo báo cáo mới nhất của EFAMA (Hiệp Hội Quản lý Quỹ và Tài sản châu Âu), phân theo giá trị quản lý đầu tư AuM (Assets under Management), thì 79% nhà đầu tư ở UK là tổ chức, còn ở Pháp là 73% và châu Âu là 70%. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân ở Tây Ban Nha chiếm 84%, Bỉ là 64%.

Ở Pháp và châu Âu nói chung, nhà đầu tư cá nhân đa phần đầu tư chứng khoán vào 2 dạng: vào các quỹ đầu tư hay ủy thác cho các công ty quản lý tài sản, công ty đầu tư. Tỷ lệ đầu tư vào quỹ của nhà đầu tư cá nhân Pháp khoảng 45% (theo AuM), còn nếu đầu tư ủy thác thì lên đến 94%.

Các nhà đầu tư cá nhân ở đây thường đầu tư vào các quỹ chỉ số (ETF), hay tiết kiệm đầu tư qua các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Chính vì đây là các khoản đầu tư dài hạn nên sự điều chỉnh mạnh của thị trường chỉ ảnh hưởng đến những ai cần nhu cầu thanh khoản. Còn nếu về dài hạn, thì thị trường sẽ phải hồi phục, vấn đề là khủng hoảng kéo dài bao lâu.

-Chính phủ Pháp và châu Âu đã có giải pháp gì để giải quyết tình trạng hiện nay, thưa ông?

Pháp có câu ngạn ngữ "cái sợ át cái đau". Thị trường chứng khoán hiện nay dường như khuếch đại nỗi sợ. Các chính sách tài khóa, tiền tệ lúc này không "ép phê" bằng hiệu quả của phòng chống dịch. Thị trường vẫn theo dõi sát sao diễn tiến khống chế dịch, điều chế vắc xin...

Các biện pháp kỹ thuật thì được áp dụng hiệu quả, thị trường tự cắt khi vượt biên độ cho phép. Pháp thậm chí còn cấm bán khống (short sell) từ ngày 17/03 đến 16/04.

-Khủng hoảng lần này không phải từ khủng hoảng tiền tệ như 2008 mà do đại dịch. Vậy theo ông, khủng hoảng lần này có đáng lo ngại hay không?

Như đã nói ở trên, phải giải quyết từ gốc rễ của khủng hoảng. Do đó, tín hiệu của việc khống chế dịch, có vắc-xin là quan trọng nhất. Những điều này sẽ làm thay đổi chính sách phong tỏa, cách ly. Nếu tình hình cải thiện tích cực thì các hoạt động sẽ dần trở lại bình thường.

-Sẽ phải mất thời gian để thị trường trở lại trạng thái bình thường trước đó. Trong lúc này, Pháp đã áp dụng những gói cứu trợ nền kinh tế như thế nào, thưa ông?

Chính phủ Pháp đã và đang áp dụng chính sách hoãn, giãn các khoản đóng bảo hiểm xã hội, các khoản thuế phát sinh… cho khu vực doanh nghiệp. Riêng đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, Chính phủ áp dụng thêm những gói hỗ trợ khác như nhận chi trả thất nghiệp một phần, tiền thuê mặt bằng… để giúp doanh nghiệp sớm ổn định, vượt qua giai đoạn khó khăn. Điều tương tự cũng được ghi nhận trong chính sách cứu trợ mà Việt Nam dự kiến sắp thực hiện.

Đối với những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán và có tiềm lực tài chính, Chính phủ Pháp kêu gọi chung tay với quốc gia chống lại những rủi ro từ đại dịch COVID-19. Nhiều ngân hàng chủ động hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại kêu gọi cổ đông chia sẻ khó khăn bằng cách không chia cổ tức trong năm 2020.

-Tháng 4 và tháng 5 là "mùa" diễn ra đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), "mùa" chia cổ tức ở Việt Nam. Đến thời điểm này, thông tin về ĐHĐCĐ của doanh nghiệp khá im ắng. Vậy quy luật "sell in May" (bán vào tháng 5) có thay đổi, thưa ông?

Tháng 4 và tháng 5 có rất nhiều thông tin liên quan tới kết quả kinh doanh của năm trước, kế hoạch kinh doanh năm mới và tỷ lệ chia cổ tức. Cho nên, giá cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ điều chỉnh mạnh. Lúc này, nhà đầu tư thường ra quyết định tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Thị trường khác nhau, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức sẽ khác nhau, dẫn tới hình thức đầu tư cũng khác nhau. Ở các thị trường phát triển, đầu tư thường theo hình thức dài hạn, chủ yếu thông qua kênh uỷ thác, tầm nhìn lên tới 10-20 năm. Điều này hoàn toàn khác với thị trường ở Việt Nam.

Theo quan sát của tôi, "sell in May" chủ yếu là do khối lượng giao dịch tăng mạnh trong khi biên độ dao động giá không lớn nếu không có gì đột biến. Nghĩa là nhà đầu tư bán ra cổ phiếu A sẽ mua vào cổ phiếu B nên vô hình trung làm khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Theo tâm lý đầu tư, sau giai đoạn giảm mạnh, thị trường sẽ được kỳ vọng khôi phục và bật tăng trở lại. Với tiềm năng thị trường còn rất lớn, nhiều doanh nghiệp tốt, đây có thể là cơ hội để nhà đầu tư mua hơn là bán ra.

-Trong bối cảnh này, lời khuyên của ông dành cho TTCK của Việt Nam là gì?

Các bên tham gia thị trường lúc này cần tỉnh táo, năng động theo sát diễn biến của thị trường. Vì trong lúc này, không chỉ COVID-19, mà còn là cuộc chiến giá dầu, các rủi ro địa chính trị, bất hòa giữa các nền kinh tế lớn với nhau. Về phía Uỷ Ban Chứng khoán, cần giám sát nghiêm biên độ giao dịch. Các công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư cá nhân cần nghiêm khắc với mức độ chấp nhận rủi ro của mình, những lúc này rất dễ bị cảm tính chi phối (tham quá hay sợ hãi quá).

Riêng đối với các nhà đầu tư cá nhân, lời khuyên cũ nhưng vẫn luôn đúng, là cần phân biệt giữa đầu tư và đầu cơ lướt sóng. Vấn đề thiếu kiến thức về tài chính, đầu tư, hoạch định tài chính cá nhân là vấn đề chung của nhiều nước. Thời điểm bị phong tỏa, có lẽ cũng nên dành thời gian nâng cấp kiến thức của mình về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ