• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thị trường dữ liệu của Việt Nam mở ra nhiều cơ hội

Kinh tế 17/03/2023 11:10

(Tổ Quốc) - Trang Vietnam – Briefing đã đánh giá tổng quan về tình trạng phát triển hiện tại, định hướng và các cơ hội của thị trường dữ liệu Việt Nam.

Thị trường dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam hướng tới nền kinh tế chuyển đổi số. Năm 2020, thị trường dữ liệu của Việt Nam được định giá 858 triệu USD và dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường dự kiến là 5,32% trong giai đoạn 2023-2027. Chỉ số này phù hợp với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện mà Việt Nam quyết tâm thực hiện – một phần trong "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Việt Nam là một thị trường khá mới trong cuộc đua chuyển đổi số. Dù hơi tụt lại phía sau trong lĩnh vực dữ liệu lớn (Big Data), nhưng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng dữ liệu rất lớn. Vì vậy, triển vọng khai thác thị trường dữ liệu Việt Nam cho các công ty nước ngoài là khá hấp dẫn.

Một lưu ý nữa là thị trường dữ liệu ở Việt Nam hiện chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, chiếm khoảng 70-80% thị phần. Các công ty nội địa lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ khác chiếm 20% còn lại.

Về các mảng dữ liệu, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo AI là hai phân ngành chính có mức độ cạnh tranh cao. Vài năm trở lại đây, AI và Big Data đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thương mại điện tử và viễn thông.

Thị trường dữ liệu của Việt Nam mở ra nhiều cơ hội - Ảnh 1.

Doanh thu thị trường dữ liệu Việt Nam từ 2018 đến 2024 (ước tính). Nguồn: Vietnam-Briefing.

Các quy định và sáng kiến hỗ trợ thị trường dữ liệu tại Việt Nam

Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược này là một bước tiến lớn và nhằm mục đích đưa AI trở thành một lĩnh vực quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam và đưa Việt Nam vào top 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về ứng dụng AI vào năm 2030.

Chiến lược đã vạch ra một số mục tiêu lớn như: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI; Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Phát triển hệ sinh thái AI; Thúc đẩy ứng dụng AI và Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực AI.

Chính phủ cũng cam kết ưu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành công nghiệp và quyết tâm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm lớn về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Đây là tín hiệu tốt cho các công ty AI nước ngoài thâm nhập vào thị trường mới nổi này.

Một chính sách khác cũng thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông (ICT) đã được nêu trong Quyết định số 677 về việc phê duyệt chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Văn bản này nêu bật tầm quan trọng của các công ty nước ngoài có kiến thức và năng lực về công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) để đóng góp vào việc chia sẻ thông tin. Kế hoạch này cũng nhằm mục đích phát triển các kỹ năng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT-TT.

Đáng chú ý là chính phủ cũng hướng tới đưa ra ưu đãi cho các lĩnh vực công nghệ cao. Ví dụ, Quyết định số 2117 ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các lĩnh vực được ưu tiên là: Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet vạn vật (IoT); Phân tích dữ liệu lớn; Chuỗi khối; Điện toán đám mây, Điện toán lưới, Điện toán biên; Tính toán lượng tử; Cơ sở hạ tầng mạng thế hệ tiếp theo (5G, 6G, NG-PON, SDN/NFV, SD-RAN, SD-WAN Network Slicing, LPWAN, IO-Link Wireless); Thực tế ảo, Thực tế tăng cường, Thực tế hỗn hợp; An ninh mạng; Bản sao số; Công nghệ mô phỏng nhà máy sản xuất và Nông nghiệp chính xác.

Cạnh tranh trong thị trường dữ liệu Việt Nam

Theo Vietnam- Briefing, cạnh tranh trong thị trường dữ liệu của Việt Nam bị phân mảnh. Không có công ty lớn nào đủ sức chi phối và thường là một nhóm các công ty nhỏ hơn. Trong bối cảnh này, các công ty nước ngoài có thể dễ dàng hơn trong việc giành lấy thị phần.

Về phân ngành máy chủ và hệ thống lưu trữ, Hewlett Packard Enterprise (HPE) hiện chiếm hơn 40% thị trường máy chủ và 64% thị trường lưu trữ. Dell theo sát với tỷ lệ lần lượt là 28% và 20,6%. Cisco chiếm khoảng 2% và thị phần còn lại do các công ty khác như Fujitsu và Hitachi nắm giữ. Hiện tại, nhu cầu của doanh nghiệp đối với các giải pháp dịch vụ đám mây đang thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực này.

Ở thị trường phần mềm quản lý, phần mềm tích hợp dữ liệu và phân tích dữ liệu, các "ông lớn" là FPT, VNPT, CMC TS, MISA, HIPT. Những công ty này nắm thị phần tương đương nhau trong việc cung cấp giải pháp phần mềm, thiết bị viễn thông và phân tích dữ liệu.

Trong thị trường bảo mật dữ liệu, có thể kể đến nhiều ông lớn như FPT, SAP Asia Việt Nam, IBM Việt Nam, Công ty An ninh mạng Viettel, Microsoft, Amazon Web Services Việt Nam, Cisco và HPT Việt Nam. Họ cạnh tranh để cung cấp mã hóa dữ liệu, xác thực người dùng, giám sát hệ thống, quản lý doanh nghiệp và các biện pháp bảo mật khác.

Với bức tranh tổng quan này, thị trường dữ liệu của Việt Nam trẻ, năng động và đang thu hút sự chú ý của nhiều công ty CNTT-TT lớn trên toàn cầu. Thị trường Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chuyển tiếp, có sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các công ty nước ngoài và trong nước.

Với các sáng kiến của chính phủ và nhu cầu ngày càng tăng trong các ngành công nghiệp của Việt Nam, nhiều triển vọng kinh doanh đang chờ đón các công ty CNTT-TT có kế hoạch thâm nhập thị trường này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ