• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thị trường lao động Việt Nam được đánh giá tích cực trong quý 1 năm 2023

Kinh tế 27/04/2023 10:17

(Tổ Quốc) - Trang Vietnam-Briefing trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam về tình hình lao động và việc làm quý 1 năm 2023 và nhận thấy nhiều điểm tích cực.

Về tổng quan chung, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), thị trường lao động Việt Nam đã có sự tăng trưởng tích cực trong quý 1 năm 2023. Lực lượng lao động và tỷ lệ việc làm đều tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm. Tiền lương cũng cho thấy sự cải thiện. Những xu hướng này cho thấy môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và có lực lượng lao động lớn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Vietnam-Briefing đánh giá.

Phân chia lao động và chất lượng lao động Việt Nam

Trong quý đầu tiên của năm 2023, lực lượng lao động Việt Nam đã tăng thêm 88.700 người, đạt tổng số 52,2 triệu người sẵn sàng lao động. Con số này nhiều hơn một triệu người so với một năm trước đó.

Vào quý 1 năm 2022, Việt Nam vừa mới bước qua khoảng thời gian đóng cửa xã hội nghiêm ngặt để phòng dịch Covid-19. Trong thời gian này, nhiều công nhân đã phải rời khỏi các thành phố lớn và trung tâm công nghiệp. Và số liệu hiện tại cho thấy phần lớn lực lượng lao động này đã quay trở lại công việc.

Thị trường lao động Việt Nam được đánh giá tích cực trong quý 1 năm 2023 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: VNA.

Diễn biến tích cực này cũng được thể hiện ở số lượng lao động nông thôn và thành thị. Trong quý 1 năm nay, lực lượng lao động thành thị tăng thêm 121.000 lao động trong khi lực lượng lao động ở nông thôn giảm 32.300 người. Điều này phù hợp với sự chuyển đổi đang diễn ra ở Việt Nam từ một nền kinh tế lấy nông nghiệp làm trọng tâm sang một nền kinh tế lấy công nghiệp chế tạo làm trung tâm.

Trong quý 1 năm 2023, số lao động đã qua đào tạo có bằng cấp hoặc chứng chỉ là 26,4%. Tỷ lệ này không thay đổi so với quý 4 năm 2022, tuy nhiên, đã tăng nhẹ so với quý 1 năm 2022.

Đây là một trong những con số quan trọng. Việt Nam từ lâu đã khẳng định rằng việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao là mục tiêu tiếp theo trong quá trình tăng trưởng nên do đó, Việt Nam cần một nguồn cung lao động có kỹ năng đáng kể.

Đáng chú ý, trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 được công bố tuần trước, việc tìm người quản lý và giám sát viên được đánh giá là khó hơn so với việc thuê lao động có kỹ năng thấp. Và với những số liệu mới nhất của đơn vị thống kê, có thể thấy giáo dục đang hỗ trợ cho sự thay đổi chất lượng lao động và dần dần, sẽ có thêm lao động chất lượng cao.

Một yếu tố nữa là ngành dịch vụ đang thu hút nhiều lao động Việt Nam. Ngành dịch vụ của Việt Nam trong quý 1 năm 2023 đã sử dụng 39% lao động, tương đương gần 20 triệu người. Tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9% lao động, tương đương 17,3 triệu người. Cuối cùng, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,1%, khoảng 13,8 triệu người. Số lượng lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản đã giảm 285.600 nghìn người so với quý 4 năm 2022.

Một lần nữa, điều này nhấn mạnh sự thay đổi từ nông nghiệp, đánh bắt cá và lâm nghiệp ở các vùng nông thôn sang các công việc sản xuất được trả lương cao hơn hoặc các vai trò trong lĩnh vực dịch vụ. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng số lượng người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đã tăng lần lượt là 38.100 và 360.900 người so với quý 4 năm 2022.

Lương tăng nhưng vẫn còn khoảng cách

Thu nhập bình quân/ tháng của lao động Việt Nam tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung, mức lương trung bình hàng tháng là 7 triệu đồng (298 USD) mỗi tháng, tăng thêm 197.000 đồng so với quý 4 năm 2022.

Tuy nhiên, sự gia tăng này không đồng đều trong các ngành. Ví dụ, lĩnh vực dịch vụ có mức lương tăng thêm tới 766.000 đồng. Do đó, mức lương trung bình của một nhân viên trong ngành dịch vụ là 8,3 triệu đồng. Ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp, Tổng cục Thống kê nhận thấy mức lương trung bình chỉ là 4,1 triệu đồng, dù đã tăng thêm 345.000 VND so với quý trước.

Lương của ngành công nghiệp và xây dựng ở vào khoảng giữa. Người lao động trong các lĩnh vực này kiếm được mức lương trung bình là 7,9 triệu đồng/tháng, tăng thêm 655.000 đồng so với quý 4 năm 2022.

Tương lai của lực lượng lao động Việt Nam

Nhìn chung, Việt Nam không chỉ thu hút về chi phí lao động cạnh tranh mà các ưu đãi để thành lập doanh nghiệp ở đây cũng tương đối dồi dào, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, cũng như đang được hỗ trợ trong kinh doanh.

Đối với các công ty nước ngoài, lực lượng lao động tương đối trẻ, dồi dào và chi phí vừa phải của Việt Nam đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần lưu ý rằng tiền lương trong nước đang tăng lên và điều này đang thay đổi động lực làm việc của người lao động.

Hơn nữa, về lâu dài, khi ngày càng nhiều người Việt Nam theo đuổi giáo dục đại học và các cơ hội nâng cao kỹ năng, tính chất lao động sẽ thay đổi. Dù vậy, trong tương lai ngắn hạn, việc tuyển dụng những người đứng đầu sẽ vẫn còn nhiều thách thức và việc đào tạo tại chỗ được khuyến khích để giữ chân nhân viên giỏi.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ