(Toquoc) - Khác hẳn với những năm trước, tại làng nghề làm vàng mã cho đến các phố như Hàng Mã việc kinh doanh trở nên chậm chạp hơn năm nay.
(Toquoc) - Khác hẳn với những năm trước, tại làng nghề làm vàng mã cho đến các phố như Hàng Mã việc kinh doanh trở nên chậm chạp hơn năm nay.
Làng nghề đìu hiu
“Vàng mã năm nay ế lắm, chẳng mấy ai đặt đâu nhưng mà vẫn cứ phải làm cho có việc” – nhiều người dân làm đồ vàng mã tại làng Phúc Am, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết như vậy.
Làng Phúc Am vốn nổi tiếng về nghề làm vàng mã, tuy nhiên, chưa năm nào đến mùa Vu Lan (còn gọi là ngày “xá tội vong nhân” trong dịp Rằm tháng 7) ngôi làng lại trở nên vắng lặng như vậy.
Chỉ có một số "đại gia" mới mua hàng mã nhà lầu, xe hơi, đồ... công nghệ cao...
Rằm Tháng Bảy này.
Không tiếng còi xe ô tô đi lại, không tiếng công nhân bốc dỡ hàng, chỉ còn lại những tiếng lóc cóc, sột soạt của những người thợ cắt giấy, dán keo, làm khung xương cho các loại vàng mã áo mũ, tiền vàng, voi, ngựa…
Chị Vũ Thị Hương, một hộ dân chuyên làm ngựa phát tấu cho biết, “mọi năm thời điểm này ngày nào nhà tôi cũng bán được 5 – 10 “ông” ngựa. Mỗi “ông” ngựa bán ra lãi 3 – 4 nghìn đồng nhưng cả tuần nay rồi mà chẳng bán được “ông” ngựa nào”.
Chồng chị Hương kể lại, dịp Rằm tháng 7 năm ngoái xe tải về chở hàng còn chạy ầm ầm cả đêm còn năm nay thì vắng hẳn. “Vợ chồng tôi đợt rằm năm ngoái bận lắm, huy động hết anh em họ hàng để làm cho kịp khách đặt hàng. Năm nay kinh tế khó khăn hơn nhiều, dân đi lễ cũng đơn giản hơn nên ngựa phát tấu làm ra đấy bán chẳng ai mua” – anh nói.
Cùng chung cảnh ngộ, xưởng làm vàng mã gia đình ông Quang ngày Rằm cận kề mà vẫn không có lái buôn về hỏi. Tại xưởng có 8 người làm cả chủ lẫn thợ, nhưng đều cho rằng họ làm để cho “có việc”. “Mấy người làm ở đây toàn là con cháu sống nhờ vào công việc làm vàng mã nên không cắt giảm được. Không có khách đặt hàng nhưng việc thì vẫn phải làm, làm cho có việc”.
Ông Quang cho biết thêm, tiền công mỗi ngày cho một người thợ khoảng 70 – 75 nghìn đồng, mấy tháng nay mọi người ở xưởng vẫn túc tắc làm đơn hàng đặt cách đây mấy tháng mà người ta chưa đến lấy.
Cách xã Duyên Thái không xa, ngôi làng Văn Hội thuộc xã Văn Bình, Thường Tín chuyên làm các loại vàng mã quần áo, mũ, nón, giày dép… cho người âm cũng không khá hơn là bao. Vào mùa Vu Lan nhưng không khí đìu hìu không khác ngày thường, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe công nông, xe máy nhỏ lẻ vận chuyển hàng mã.
Ông Hùng, xóm 7 Văn Hội cho biết, “Nhà tôi ngày trước cũng làm quần áo, tiền vàng các loại nhưng từ đầu năm tới nay công việc ế ẩm, giá cả nguyên liệu đều tăng nên giờ chỉ làm mỗi tiền vàng rồi chuyển sang bán hàng tạp hóa”.
Người trần khó khăn, người âm “hưởng ít”
Với quan niệm “trần sao âm vậy” nhiều gia đình ở Hà Nội có thói quen sắm sửa bộ đồ lễ cúng rằm tháng 7 thật tươm tất. Trên các tuyến phố Hàng Mã, Lương Văn Can… mấy ngày gần đây đã khá hơn so với đầu tháng. Tuy nhiên, mặt hàng bán chạy lại là các loại quần áo, tiền vàng truyền thống.
Chủ một cửa hàng cho biết, từ đầu tháng đến nay nhà chị vẫn nhập hàng nhưng chỉ lấy với số lượng ít. Mặt hàng chủ yếu là các loại đồ lễ truyền thống như quần áo, giày dép, mũ nón, bộ đồ trang sức, tiền vàng, còn các loại đồ “cao cấp” như đồ mã ô tô, xe máy SH, nhà lầu, biệt thự, iPhone, máy tính bảng… chỉ nhập khi có khách đặt.
Giá cả các loại năm nay hầu như không tăng hoặc chỉ tăng lên một vài nghìn tùy theo mặt hàng. Đối với các loại mã truyền thống như tiền vàng, sớ, vẫn giữ mức giá từ 10 – 20 nghìn đồng/100 lễ. Các loại quần áo cho người âm cũng đa dạng cho ông bà, nam nữ thanh niên, trẻ nhỏ… mỗi bộ đi kèm với giày dép, mũ nón, có giá dao động từ 30 – 80 nghìn đồng tùy theo loại giấy và kiểu dáng.
Chị chủ cho biết, “Năm nay kinh tế khó khăn, lượng người mua vẫn không giảm, nhưng khách hàng ai cũng tiết kiệm hơn nên chỉ mấy nhà đại gia, kinh doanh lớn mới dám “chơi sang” mua các loại đắt tiền như nhà lầu, biệt thư, xe hơi đốt cho người âm”.
Chị Thảo một khách mua hàng ở Cầu Giấy chia sẻ, năm ngoái vợ chồng chị làm ăn khấm khá nên những ngày rằm, ngày lễ đều chi không ít cho việc mua sắm các đồ cúng lễ. Nhưng năm nay, đồng tiền eo hẹp, kinh doanh chậm chạp nên mọi thứ đều phải tính toán.
Rằm tháng 7 gia đình chị vẫn chuẩn bị tươm tất mâm cỗ nhưng đồ mã năm nay cắt giảm từ 300.000 đồng xuống còn 50-70.000 đồng cho mấy bộ quần áo mới, chút tiền vàng để đốt cho các cụ.
“Người trần khó khăn nên người âm đành chịu… hưởng ít vậy, mong các cụ hiểu lòng thành mà phù hộ cho con cháu”, chị Thảo chia sẻ./.
Bài, ảnh: Phan Ngọc