• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thị trường thực phẩm Halal Việt Nam giàu tiềm năng xuất khẩu

Kinh tế 21/02/2023 14:09

(Tổ Quốc) - Theo trang Vietnam-Briefing, là nhà sản xuất thực phẩm quan trọng ở Đông Nam Á và có chung đường biên giới trên biển với Indonesia – quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, Việt Nam được hưởng lợi rất lớn từ nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm Halal.

Trong chuyến thăm Brunei Darussalam hồi đầu tháng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thúc đẩy hợp tác với Brunei trong một số lĩnh vực then chốt, trong đó có sản xuất thực phẩm Halal.

Halal là những sản phẩm "được cho phép" và "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.

Và sự hợp tác này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu ưu tiên sản xuất và xuất khẩu thực phẩm Halal sang hai thị trường Hồi giáo lớn nhất trong khu vực ASEAN: Malaysia và Indonesia.

Thị trường thực phẩm Halal giàu tiềm năng

Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn IMARC, thị trường thực phẩm Halal được định giá hơn 2 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Đây là một thị trường khổng lồ, đang phát triển nhanh chóng khi tiền lương ở Đông Nam Á tăng lên và sức mua của người tiêu dùng tăng vọt.

Hơn nữa, khoảng 70% trong số 1,9 tỷ người Hồi giáo trên thế giới sống ở các quốc gia châu Á. Cụ thể, 860 triệu người Hồi giáo sống ở khu vực Đông Nam Á–Nam Á–Nam Thái Bình Dương. Khu vực này cũng là nơi tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới. Thị trường Halal tại đây trị giá 470 tỷ USD vào năm 2018.

192431_halal.jpg

Một cửa hàng tiện lợi được chứng nhận Halal tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VNA.

Và thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng khi số lượng người Hồi giáo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn tiếp tục tăng lên. Nơi đây sẽ có 1,5 tỷ người Hồi giáo – tương đương 52,8% tổng số người Hồi giáo toàn cầu vào năm 2050, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.

Hiện tại, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Theo Trung tâm Halal Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng sản xuất hàng hóa Halal trị giá tới 34 tỷ USD cho các quốc gia OIC.

Do các tiêu chí Halal nghiêm ngặt đối với các mặt hàng thực phẩm từ động vật, xuất khẩu Halal của Việt Nam mới chủ yếu là nông sản và nguyên liệu thô. Các sản phẩm Halal của Việt Nam cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Hồi giáo.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt đạt được chứng nhận Halal ngày càng tăng trong những năm gần đây. Khoảng 60% tỉnh và thành phố của Việt Nam đã sản xuất hàng hóa xuất khẩu được chứng nhận halal từ năm 2021.

Để tiếp cận thị trường Hồi giáo, các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải có chứng nhận Halal được xác thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Chứng nhận Halal thậm chí còn phức tạp hơn các chứng nhận khác do quy trình kiểm tra không thống nhất. Không có tổ chức quốc tế thống nhất nào cấp chứng chỉ Halal. Thay vào đó, mỗi quốc gia có các cơ quan riêng của mình. Do đó, sản phẩm phải phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định của quốc gia sản xuất và cả quốc gia nhận hàng. Vì lý do này, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu chứng nhận Halal.

Việt Nam là điểm đến thuận lợi cho các doanh nghiệp Halal

Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều cơ hội sản xuất và xuất khẩu thực phẩm Halal nhờ vào nhiều FTA mà Việt Nam là thành viên. Các thỏa thuận này đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các thị trường Halal, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Việc là thành viên của ASEAN đã kết nối Việt Nam với các thị trường Halal quan trọng ở châu Á. Việt Nam cũng là thành viên của Nhóm Công tác ASEAN về Thực phẩm Halal nhằm tăng cường mối quan hệ với các thị trường tiêu dùng Halal trong khu vực.

Là một phần của nhóm công tác này, Việt Nam và một số quốc gia khác trong ASEAN đã bắt đầu đàm phán công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal. Điều này rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì sẽ giúp họ đạt được chứng nhận Halal dễ dàng hơn và nhanh hơn ở Việt Nam, thay vì ở nước tiếp nhận.

Việt Nam cũng đã tham gia vào các cuộc thảo luận song phương về thực phẩm Halal với các quốc gia thành viên ASEAN khác.

Có thể thấy ngành công nghiệp thực phẩm Halal đang có một thị trường toàn cầu khổng lồ và đang phát triển đều đặn khi các nền kinh tế mới nổi nhiều dân số Hồi giáo lớn bắt đầu có sức chi tiêu cao hơn. Thêm vào đó, các sản phẩm Halal được coi là có các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn nên có thể được sử dụng để xây dựng thương hiệu xuất khẩu tích cực.

Và mặc dù thị trường tiêu thụ Halal của Việt Nam còn nhỏ thì vị trí địa lý nằm gần với các thị trường tiêu thụ Halal lớn nhất thế giới cũng mang đến cơ hội lớn cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp định hướng xuất khẩu tại Việt Nam.

Ngoài khu vực ASEAN, Việt Nam cũng ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do khác, chẳng hạn EVFTA và CPTPP, và điều này cũng tạo điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua Việt Nam để thâm nhập thị trường thực phẩm halal màu mỡ của Đông Nam Á.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ