• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Thiếu nữ bên hoa huệ” – kiệt tác hội họa Việt Nam đang ở đâu?

12/05/2014 14:05

(Cinet) - “Thiếu nữ bên hoa huệ” –một trong những tác phẩm nghệ thuật hàng đầu của danh họa Tô Ngọc Vân tính đến nay đã qua tuổi 70. Kiệt tác này hiện đang ở đâu, số phận ra sao là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.

Là một kiệt tác của hội họa Việt Nam,

"Thiếu nữ bên hoa huệ" lại có một số phận long đong

(Cinet) -  “Thiếu nữ bên hoa huệ” –một trong những tác phẩm nghệ thuật hàng đầu của danh họa Tô Ngọc Vân, cũng đồng thời là một tác phẩm có giá trị cao của nền hội họa Việt Nam tính đến nay đã qua tuổi 70. Kiệt tác này hiện đang ở đâu, số phận ra sao là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.

Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" được danh họa Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Như vậy tính đến nay, kiệt tác này đã hơn 70 tuổi là một trong những tài sản có giá trị của hội họa Việt Nam.

Kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” mô tả hình ảnh môt thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu duyên dáng về phía lọ hoa huệ trắng. Mặc dù không cười, nhưng hình ảnh người thiếu nữ toát lên không khí thanh thản, tươi mới rất dịu nhẹ. Không sử dụng nhiều màu sắc nhưng “Thiếu nữ bên hoa huệ” vẫn thể hiện đầy đủ các xúc cảm, thậm trí người xem có thểm cảm nhận được mùi hương nhè nhẹ của hoa huệ khi chiêm ngưỡng tác phẩm này. Nguyên mẫu của bức tranh là cô Sáu, người từng nhiều lần đi vào tác phẩm của Tô Ngọc Vân, trong đó có bức "Thiếu nữ với hoa sen". Không chỉ "hợp tác" với Tô Ngọc Vân, cô Sáu còn là người mẫu cho nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như: Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị...

Theo ý kiến của các chuyên gia thì ở kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ", với bố cục chặt chẽ, hoàn hảo, Tô Ngọc Vân đã tạo cho thị giác người xem chuyển dịch theo một vòng khép kín, khiến gương mặt thiếu nữ ghé vào bông hoa trở thành điểm nhấn nổi bật, thành trung tâm của bức tranh. Kết hợp với cách sử dụng màu điêu luyện, đặc biệt là màu trắng, Tô Ngọc Vân đã dựng lên một hình ảnh thiếu nữ mơ mộng và đài các...

Ở Việt Nam dù là một người không mấy quan tâm đến hội họa cũng biết đến kiệt tác này bởi “Thiếu nữ bên hoa huệ” là trong số những tác phẩm bị sao chép nhiều nhất. Chỉ cần đi dọc những con đường như Nguyễn Thái Học, Hàng Bè sẽ thấy vô vàn những hình ảnh “Thiếu nữ bên hoa huệ” bị sao chép trên mọi chất liệu, kích thước…Không chỉ có thị trường tranh chợ chép “Thiếu nữ bên hoa huệ”, ngay cả những nhà sưu tập có tiếng cũng đã bị lừa khi mua phải “Thiếu nữ bên hoa huệ” được sao chép một cách tinh vi với số tiền không nhỏ.

Là kiệt tác của hội họa Việt Nam nhưng “Thiếu nữ bên hoa huệ lại có số phận long đong. Sau khi danh họa Tô Ngọc Vân tham gia kháng chiến, tác phẩm được treo lại trong nhà riêng tại phố Khâm Thiên. Khi chiến tranh kết thúc, gia đình họa sĩ trở lại Hà Nội thì “Thiếu nữ bên hoa huệ” đã trở thành sở hữu của nhà sưu tập nổi tiếng Việt Nam – Đức Minh. Ông Đức Minh nói là ông đã mua lại bức tranh này từ một người khác.

Bốn năm sau ngày danh họa Tô Ngọc Vân hy sinh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mượn "Thiếu nữ bên hoa huệ" từ bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh để đưa đi tham gia "Triển lãm mỹ thuật 12 nước XHCN" tổ chức tại Liên Xô, Hungary, Ba Lan, Rumani…Đây là lần đầu tiên "Thiếu nữ bên hoa huệ" được "xuất ngoại". Ngay lập tức, Tô Ngọc Vân được báo chí của những nước này ca ngợi như một hiện tượng của hội họa Việt Nam.

Sau khi triển lãm kết thúc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có nhờ họa sĩ Nguyễn Văn Thiện chép lại bức tranh và treo ở đây, nhưng không ghi chú là tranh chép. Sau năm 1990, phiên bản này mới được gỡ bỏ bởi nỗ lực chỉ treo tranh bản chính của bảo tàng.

Đến năm 1965, nhà sưu tập Đức Minh có nhã ý nhượng toàn bộ số tranh, trong đó có "Thiếu nữ bên hoa huệ" cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ với điều kiện: Lập một gian trưng bày riêng, ghi rõ xuất xứ tranh của nhà sưu tập Đức Minh tặng bảo tàng. Tuy nhiên vì nhiều lý do, Bảo tàng đã từ chối đề nghị này.

Khi ông Đức Minh tạ thế năm 1983, bộ sưu tập của ông được chia cho các con ông, trong số đó có người giữ được tranh, có người đem bán. Và kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” đã được bán cho một nhà sưu tập tên là Hà Thúc Cẩn với giá 15.000 USD. Sau khi mua được kiệt tác này, ông Hà Thúc Cẩn đã đưa tranh ra nước ngoài và bán cho một người sưu tầm khác. Kể từ đó đến nay, kiệt tác của hội họa Việt Nam -  “Thiếu nữ bên hoa huệ” lưu lạc ở đâu, số phận ra sao là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, song đáng tiếc là chưa có câu trả lời.

Hai thiếu nữ và em bé của danh họa Tô Ngọc Vân đã chính thức trở thành Bảo vật Quốc gia năm 2013. Nếu như “Thiếu nữ bên hoa huệ” được tìm thấy, có lẽ sẽ có 02 tác phẩm của Tô Ngọc Vân cùng trở thành Bảo vật quốc gia, bởi thực tế từ lâu “Thiếu nữ bên hoa huệ” đã là một kiệt tác của hội họa Việt Nam trong lòng công chúng. Đáng tiếc là số phận của kiệt tác này giờ vẫn là câu hỏi khiến nhiều nhà quản lý băn khoăn.

NLH
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ