• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: "Giảm cầu" thông qua quản lý chặt người nghiện ma tuý

Pháp luật 24/12/2021 16:35

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 24/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị cung cấp thông tin về Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), thời gian qua, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của kinh tế, văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến công tác phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: "Giảm cầu" thông qua quản lý chặt người nghiện ma tuý - Ảnh 1.

Hội nghị cung cấp thông tin về Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành diễn ra sáng 24/12

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 cho biết: "Thực tiễn công tác phòng, chống ma túy thời gian qua nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập; Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 không còn phù hợp với thực tiễn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy".

Theo đó, ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 gồm 8 chương và 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. 

Theo đánh giá, luật mới đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Quy định của Luật sát với thực tiễn, giúp cho công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn "cầu" về ma túy.

Đáng chú ý, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 quy định rõ, các trường hợp người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tương tự như người từ đủ 18 tuổi trở lên, riêng trường hợp trong thời gian quản lý sau cai mà tái nghiện thì không đưa đi cai nghiện bắt buộc mà được cho đăng ký cai nghiện tự nguyện. Thời hạn cai nghiện bắt buộc cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng. Thẩm quyền quyết định việc đưa đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện và không bị coi là xử lý vi phạm hành chính.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: "Giảm cầu" thông qua quản lý chặt người nghiện ma tuý - Ảnh 2.

Tội phạm ma túy bị bắt. Ảnh minh họa: Bộ Công an

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đưa vấn đề quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Luật quy định từ Điều 22 tới Điều 26 quy định việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của các cơ quan liên quan; lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Thời hạn quản lý là 01 năm kể từ ngày có quyết định quản lý của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Được biết, trong quá trình xây dựng Luật có ý kiến đề nghị khôi phục lại Điều 199, Bộ luật hình sự năm 1999, tức là xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, việc này thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Hình sự, Còn Luật Phòng, chống ma túy chỉ quy định việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đối với trường hợp người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam có trách nhiệm đăng ký thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy theo quy định của Luật này và phải chi trả toàn bộ các khoản chi phí liên quan đến cai nghiện. Trường hợp không thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện thì người đó bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về Việt Nam do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy khi về nước phải tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy. Trường hợp được xác định là nghiện ma túy thì người đó phải thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy theo quy định..../.




Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ