(Tổ Quốc) - Ngày 1/7, vai trò của thẻ Căn cước công dân gắn chip lần đầu tiên thể hiện tính ưu việt khi người dân đi giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính.
Dự án Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư và Căn cước công dân kết nối đồng bộ, đi vào phục vụ người dân đơn giản hoá thủ tục hành chính từ ngày 1/7, để làm rõ các tiện ích của những dự án này, phóng viên có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.
Mua bán nhà không cần sổ hộ khẩu và làm thủ tục trong 5 phút thay vì một ngày
Thanh An: Sau ngày đầu tiên Luật Cư trú mới có hiệu lực những báo cáo nhanh mà ông tiếp nhận được về kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan công an với công dân đang như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thẻ căn cước công dân gắn chip trong tương lai sẽ thay thế nhiều loại giấy tờ như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm. Ảnh: Thanh Sơn
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Ngay đầu giờ sáng 1/7 tôi đã yêu cầu cán bộ đến tận các phường để kiểm tra, quan sát quá trình ngày đầu tiên thực hiện theo Luật Cư trú sửa đổi. Kết quả cho thấy, người dân cảm thấy rất hưng phấn, rất phấn khởi khi đi giao dịch, làm việc.
Ví dụ, ngày xưa muốn làm thủ tục mua bán 1 ngôi nhà, công dân cần có những giấy tờ sau: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu; nếu liên quan đến tài sản giữa vợ chồng thì phải có đăng ký kết hôn.
Bây giờ tất cả những giấy tờ đó không cần thiết nữa, người dân chỉ cần 1 cái thẻ Căn cước công dân gắn chip (CCCD), hoặc nếu chưa đến ngày hẹn lấy CCCD mới thì chỉ cần đến lăn tay, chụp ảnh hoặc đọc mã số định danh cá nhân của mình.
Cơ quan quản lý cư trú sẽ nhập số định danh ấy và xác thực được điều đó. Mọi thủ tục xác thực trước đây nếu mất nửa ngày, một ngày thậm chí phải sang ngày hôm sau mới xác thực xong và trả kết quả cho nhân dân, thì nay chỉ mất đúng 5 phút. Cực kỳ nhanh chóng và thuận tiện, không còn cảnh phải mang nhiều giấy tờ, phải đi đi lại lại như ngày xưa.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả lợi ích mà CCCD có thể mang lại cho nhân dân và đất nước.
Thanh An: Có nghĩa là vẫn đang còn nhiều những tiện ích khác nữa mà CCCD có thể mang lại nhưng chúng ta chưa biết hay chưa sử dụng, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Ngay từ ban đầu khi lên ý tưởng thực hiện CCCD mới, chỉ một chi tiết nhỏ nhất, đó là lựa chọn mẫu rồi cấu trúc dữ liệu, cấu trúc kỹ thuật của tấm căn cước cũng đã được các Cục nghiệp vụ, các nhà thầu, các cơ quan chức năng tính toán rất kỹ lưỡng. Chúng ta đã phải tham khảo tới hàng chục mẫu CCCD của các nước tiên tiến trên thế giới. Và có thể nói CCCD của Việt Nam đang ở trong top hiện đại nhất thế giới.
Tấm thẻ CCCD này có gắn chip với dung lượng lưu trữ rất lớn. Có thể lưu trữ được dữ liệu sinh trắc học (ảnh vân tay, đường vân, có ảnh khuôn mặt theo tiêu chuẩn của ICAO (tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế). Trong đó còn có mã QRcode cũng như các trường dữ liệu hiện đại.
Khi so với một số nước ví dụ như Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản và Estonia... Estonia là quốc gia vừa làm CCCD gần đây nhất, nhưng khi tham khảo thì mới thấy, công nghệ và các tính năng tấm CCCD của họ còn không thể hiện đại bằng chúng ta.
Tôi cũng đã trao đổi trực tiếp với Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Nhật Bản và tổ chức Jica để học hỏi kinh nghiệm của họ khi làm về cơ sở dữ liệu dân cư. Mình trao đổi hết chứ. Họ thu thập như thế nào? Họ quản lý ra làm sao? Rồi khai thác và ứng dụng CCCD khi đã cấp cho công dân vào những lĩnh vực nào trong đời sống?...
Tất cả các yếu tố của họ dĩ nhiên không đồng nhất với mình, nhưng đánh giá tổng quan thì chúng ta là người đi sau. Chúng ta thừa hưởng thành tựu của công nghệ cũng như chúng ta quyết định phương hướng phát triển ở mức tốt nhất cho nên CCCD của chúng ta hiện đại hơn họ rất nhiều.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên. Ảnh: Việt Hùng
Thanh An: Hiện đại hơn Nhật Bản?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Tại sao lại không? Chúng ta hiện đại hơn Nhật Bản chứ. Khi mình nói đến tính năng các trường thông tin, độ bảo mật và những dữ liệu được lưu trữ trên tấm căn cước... họ vô cùng ngạc nhiên.
Một phần cũng do đặc thù của xã hội Nhật Bản, ở đó đa phần người dân có bằng lái xe. Và bằng lái xe của họ lại là loại giấy tờ có tác dụng thay được cho CCCD. Cho nên cách quản lý của họ hơi khác mình ở chỗ đó. Họ song song của CCCD và bằng lái xe trong quản lý cư trú. Còn Việt Nam, dữ liệu trong CCCD và CSDLQGDC là hệ thống dữ liệu đầy đủ nhất, đúng nhất, sạch nhất và sống nhất.
Chúng ta đã làm CCCD với tầm nhìn cho một ngày rất gần thôi, khối Asean sẽ phát triển đến mức có thể dùng chính tấm căn cước này để đi lại, sinh sống giữa các nước trong khối mà không cần đến hộ chiếu. Bởi vì chúng ta sử dụng tiêu chuẩn công nghệ theo chuẩn quốc tế để nhận diện và xác thực.
Căn cước công dân sẽ thay thẻ bảo hiểm, bằng lái xe
Thanh An: Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, họ sẽ đề xuất dùng CCCD gắn chip thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Ý tưởng này đang được dư luận rất quan tâm, liệu chúng ta có thể hiện thực hóa điều đó không thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Có chứ!
Hiện nay, CCCD gắn chip thiết kế ra là hướng đến mục tiêu người dân dùng ít loại giấy tờ tùy thân nhất khi giải quyết toàn bộ nhu cầu giao dịch có liên quan đến xác thực dữ liệu công dân của mình.
Sau này, không chỉ mỗi thẻ BHYT đâu có thể là tài khoản ngân hàng, mã số thuế, bằng lái xe, bảo hiểm... Rồi thêm một số các dịch vụ khác sẽ được số hóa, đồng nhất, tích hợp vào CSDLQG về dân cư thì công dân chỉ cần 1 tấm thẻ CCCD là có thể giải quyết được toàn bộ những vấn đề đó.
Một cảnh sát thử nghiệm thẻ căn cước để nhận diện khuôn mặt, vân tay, xác thực danh tính qua một máy đọc. Ảnh: Thanh Sơn
Thanh An: Nghĩa là CCCD của tôi sẽ gần như trở thành 1 cái ví luôn?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Nó gần như trở thành 1 cái két an toàn của bạn!
Sau này, học sinh đi thi tốt nghiệp PTTH, thi đại học, lúc đó là đủ tuổi để cấp CCCD thì cơ quan chức năng sẽ cấp những thiết bị kiểm tra đầu cuối. Có nghĩa CCCD này sẽ xác thực là đúng học sinh đó là người tham gia kỳ thi đi, không có chuyện thi giả thi hộ.
Rồi chúng ta cũng có thể sử dụng CCCD như thẻ ra vào cơ quan, thẻ để chấm công hàng ngày, thẻ để khai báo khi tham gia vào những dịch vụ vận tải như hàng không... hoặc là một số những dịch vụ khác mà cần phải có dữ liệu công dân để xác định.
Thanh An: Có vẻ như các thông tin này đang giúp trả lời câu hỏi, tại sao chúng ta phải thực hiện 2 dự án CCCD và CSDLQGDC nhanh đến như vậy?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Thực tế ra, Nhật Bản làm dự án này mất 10 năm, Pháp mất 7 năm. Việt Nam đã đi sau các quốc gia khác rất, rất lâu, nếu không muốn nói là chúng ta đã bị tụt hậu.
Và bởi vì đi sau nên người dân bị thiệt thòi, cơ quan quản lý bị vất vả, năng lực cạnh tranh của chúng ta bị giảm sút, đất nước bị thiệt hại... Như vậy nếu Việt Nam lựa chọn phương án và tiến độ "đi" như họ, thì không bao giờ chúng ta có cơ hội tiến gần đến họ, hoặc sánh ngang, song hành với họ chứ đừng nói đến chuyện vượt qua.
Cho nên ngoài việc ứng dụng khoa học công nghệ, học tập bài học kinh nghiệm của họ, chúng ta nhìn thấy những giá trị mà dự án này mang lại cho nền kinh tế, cho xã hội của họ để chúng ta quyết tâm thần tốc, thần tốc hơn nữa hoàn thành càng sớm càng tốt.
Trên thực tế CCCD và CSDLQGDC không chỉ giúp chất lượng phục vụ người dân được nâng lên ở một cấp độ vượt trội mà những yếu tố này còn là nền tảng của chính phủ điện tử, chính phủ số.
Nếu chúng ta chậm đi một hai tháng, chậm đi nửa năm hay chậm đi một hai năm, tưởng là không sao cả nhưng mỗi 1 ngày chậm đi là đất nước mất đi một cơ hội thay đổi, mỗi con người Việt Nam mất đi một ngày đầy giá trị.
Bạn có muốn mình đi chậm trong khi cả thế giới đang chạy nhanh không? Tất nhiên là không rồi. Con người Việt Nam chẳng nhẽ chịu đi chậm!
Lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an cùng đại diện các ban ngành trong buổi lễ tổng kết hai dự án CSDLQGDC và dự án CCCD.