(Tổ Quốc) - Đêm giao thừa vừa qua, ai có mặt tại các đường phố quanh hồ Gươm (Hà Nội) đều chứng kiến cảnh tượng nhức mắt vì rác. Không thể hiểu được những người vô ý thức ấy nghĩ gì khi họ bôi bẩn cảnh quan đô thị.
Thời khắc thiêng liêng chuyển từ năm cũ sang năm mới, ai cũng hân hoan chúc mừng nhau những điều tốt đẹp. Nhưng bên cạnh đó lại có hàng ngàn người làm những việc thiếu văn hóa. Đó là hành vi xả rác bừa bãi trên mặt đường. Sau những giờ phút đón giao thừa, rừng người bỏ đi, còn lại ngổn ngang các loại rác thải. Hầu như ở tất cả các thành phố lớn trong cả nước đêm giao thừa vừa qua đều như thế.
Những nam thanh nữ tú, các cháu thiếu nhi, thậm chí cả một số người lớn cũng có hành vi xả rác bừa bãi. Đó là những người vô ý thức, có lối hành xử tùy tiện, đáng lên án. Thói quen ăn quà vặt là khởi nguồn của rác thải. Que kem, que xiên thịt nướng, tờ giấy, túi nilon, lá dong, lá chuối, lõi ngô, giấy gói bánh kẹo, chai nước…tất cả đều được vứt bỏ ngay dưới lòng đường. Tàn cuộc vui, mặt đường la liệt hàng tấn rác, chẳng khác bãi chiến trường.
Rác ở Hồ Gươm đêm giao thừa
Đêm giao thừa vừa qua, ai có mặt tại các đường phố quanh hồ Gươm (Hà Nội) đều chứng kiến cảnh tượng nhức mắt vì rác. Không thể hiểu được những người vô ý thức ấy nghĩ gì khi họ bôi bẩn cảnh quan đô thị. Vừa mới buổi chiều hôm trước, đường phố phong quang sạch đẹp là thế mà sau mấy giờ đồng hồ đã biến thành bãi rác. Họ không mảy may động lòng trắc ẩn khi hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường gồng mình trong đêm giá rét để khắc phục hậu quả do họ gây ra.
Ở TP Hồ Chí Minh, TP Đà Lạt cũng diễn ra tình trạng tương tự. Khu vực nào tập trung đông người, nơi tổ chức lễ đón giao thừa thì phố phường nơi đó cũng ngập rác. Ở những tuyến phố thơ mộng của các tỉnh ven biển miền Trung cũng không tránh khỏi nạn xả rác. Đây là nguy cơ thoái hóa trong tư duy con người về trách nhiệm giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Nhiều người từng đi ra nước ngoài, khi về véo von ca ngợi nước này, nước kia giữ gìn vệ sinh sạch đẹp; mặt đường, vỉa hè không hề có rác thải. Đặc biệt, có nước như Singapore, chỉ vứt mẩu thuốc là ra đường đã bị phạt nặng tiền triệu. Vậy mà sao ở ngay nước mình, họ không biết giữ vệ sinh chung? Đất nước đang thu hút hàng chục triệu khách từ năm châu tới du lịch. Vậy du khách sẽ nghĩ gì khi thấy bộ mặt phố phường của Việt Nam nhem nhuốc vì rác thải.
Hàng năm, các cơ quan chức năng của nhà nước tốn kém khá nhiều kinh phí và thời gian kêu gọi, nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh môi trường để thành phố xanh, sạch, đẹp. Ở các tổ dân phố, trong các cuộc họp, bao giờ cũng có nội dung nói về vệ sinh ngõ phố. Trên thân cây, cột điện, bức tường đều nhan nhản biển cấm đổ rác. Thế nhưng, với người vô ý thức trách nhiệm, họ vẫn xả rác bất cứ giờ nào, chỗ nào. Vì thế, công nhân vệ sinh môi trường có tăng ca, tăng giờ làm việc vẫn không thể nào dọn hết lượng rác thải của những người vô ý thức.
Có nhiều hành vi sai phạm bị xử phạt và hạn chế được nhưng với việc xả rác bừa bãi thì rất khó. Mặc dù địa phương nào cũng đưa ra những mức phạt với hành vi xả rác, làm ô nhiễm môi trường nhưng số lượng bắt quả tang và phạt còn quá ít. Làm sao có đủ lực lượng giám sát, theo dõi và xử phạt hết được những người vi phạm ở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, vẫn phải tiếp tục điệp khúc vận động, nhắc nhở thông qua các phương tiện truyền thông và những cuộc họp dân cư.
Giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng vẫn phụ thuộc vào ý thức con người. Những người cố tình xả rác bừa bãi thì bản thân họ phải vệ sinh từ cái đầu của họ, tức là phải tẩy rửa sự vấy bẩn ngay trong suy nghĩ, từ đó mới dẫn đến hành động đúng.
Sang năm mới, mọi người chúc nhau làm những việc tốt lành, làm đẹp thêm cho cuộc sống. Vậy mà vừa bước qua giao thừa, bao con người đã có hành vi làm vẩn đục bộ mặt xã hội. Họ không xứng đáng sống trong trào lưu hội nhập hôm nay. Đó là một bộ phận người đang trở thành vật cản của công cuộc xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, không thể chấp nhận được!
Đức Toàn