• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thiếu vi chất là một “nạn đói” tiềm ẩn

Sức khỏe 23/06/2016 16:20

(Tổ Quốc)- Trong khẩu phần ăn của người Việt, dù đã được cải thiện so với trước, nhưng vẫn thiếu các vi chất quan trọng

(Tổ Quốc)- Trong khẩu phần ăn hiện nay của người Việt Nam mặc dù đã được cải thiện so với trước, nhưng vẫn thiếu các vi chất quan trọng là sắt, kẽm, vitamin A, I ốt…

Vi chất dinh dưỡng là là các vitamin, chất khoáng hoặc chất vi lượng khác cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người.

Tình trạng thiếu sắt dẫn đến thiếu máu ở nhiều nhóm tuổi, trong đó, nổi bật nhất là trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai. Theo thống kê của PGS.TS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng thì năm 2015, ngay cả trẻ em thành thị vẫn có trên 20% trẻ em thiếu máu. Chiếm cao nhất tỉ lệ thiếu máu cả nước là trẻ em miền núi với hơn 30%. Còn tỉ lệ thiếu máu giữa ba nhóm kể trên thì phụ nữ có thai cao nhất, năm 2009 là 36,5%, năm 2015 là 32,8%. Và đối tượng thiếu máu tiếp sau là trẻ em dưới 5 tuổi, năm 2009 là 29,2%, năm 2015 là 27,8%.

Ttình trạng thiếu kẽm còn trầm trọng hơn, con số thống kê từ Viện dinh dưỡng cho biết, từ năm 2010 đến năm 2015 ở Việt Nam, đối tượng thiếu kẽm nhiều nhất là phụ nữ có thai, năm 2010 là 90%, năm 2015 là hơn 80%, tiếp đó là trẻ em, tỉ lệ thiếu năm 2015 vẫn là gần 70%, và trẻ em miền núi chiếm cao nhất.

Mặc dù chiến dịch uống vitamin A toàn quốc được triển khai 2 lần trong 1 năm dành cho trẻ em và 1 liều dành cho phụ nữ sau sinh nhưng tình trạng thiếu vitamin A cận lâm sàng, thiếu vitamin A tiền lâm sàng  vẫn còn, nhất là ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này do tỉ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp, khẩu phần ăn chưa hợp lý…





                              Ảnh minh họa. Nguồn internet.



Trong các vi chất dinh dưỡng kể trên, thì I ốt được xem là vi chất có diễn biến khá phức tạp. Chương trình quốc gia Phòng chống rối loạn thiếu I ốt do được sự hỗ trợ của chính phủ nên tỉ lệ người dân dùng muối I ốt tăng. Tuy nhiên, khi hết sự hỗ trợ thì tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối I ốt lại giảm. Theo báo cáo thì hiện nay có chưa đến 50% tỉnh, thành phố trong cả nước đạt tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh và tình trạng thiếu i-ốt đang thực sự quay trở lại.

Thiếu vi chất dinh dưỡng đã kéo theo tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, không cải thiện được thể lực, tầm vóc người Việt Nam, nhiều nguy cơ bệnh tật… Viện dinh dưỡng cho biết: năm 2014 ở Việt Nam cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân. Cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi. Cả nước có 1,9 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi, 5000 trẻ tử vong do những nguyên nhân có liên quan đến dinh dưỡng.

Các nhà phân tích đã chỉ ra thiếu vi chất dinh dưỡng tạo gánh nặng quốc gia về sức khỏe và kinh tế, 11% GDP mất do thiếu dinh dưỡng ở châu Á và châu Phi…

Theo bà Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia thì thiếu vi chất là một nạn đói tiềm ẩn, vì bằng mắt thường không thể nhìn thấy, nhưng lại ẩn chứa những hậu quả khó lường. Cách tốt nhất là mỗi gia đình phải ý thức được sự quan trọng của vi chất dinh dưỡng để bổ sung hàng ngày thông qua thực phẩm, các bữa ăn.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ