• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thịt mát đã "lên mâm" trong bữa cơm của nhiều gia đình

Kinh tế 12/08/2022 21:00

(Tổ Quốc) - Có giá thành không cao hơn nhiều so với các loại thịt được bán ở chợ truyền thống, sản phẩm từ công nghệ "thịt mát" đã được ưu tiên sử dụng trong bữa ăn của nhiều gia đình bởi các ưu thế về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu giết mổ, sơ chế đến khâu đóng gói, bảo quản, đến tay người sử dụng.

Ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc Nhà máy, Công ty TNHH Masan Hà Nam chia sẻ như vậy tại chương trình làm việc với Đoàn công tác Tổng cục QLTT do Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh làm trưởng đoàn nhằm khảo sát, nắm bắt tình hình giá cả, thị trường theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Công điện 4624/CĐ-BCT về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Hà Nam và Vĩnh Phúc là hai địa phương đầu tiên Tổng cục QLTT tiến hành khảo sát, kiểm tra.

Công nghệ thịt mát đã được ưu tiên sử dụng

Lý giải giá xăng dầu đã giảm tuy nhiên giá thịt heo thời gian gần đây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ông Quý cho biết, thực tế, từ Tết đến nay, giá heo nhập về Công ty tăng từ 50.000-51.000đ/kg lên  67.000-68.000đ/kg heo hơi chỉ sau 7 tháng. Bởi, các trại nuôi giống chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên hạn chế lượng heo đủ tiêu chuẩn xuất chuồng; tâm lý nhiều người muốn ghìm hàng chờ giá tăng mới cho heo xuất chuồng. Thêm vào đó, khoảng 3 tháng gần đây, giá thịt heo từ Trung Quốc cũng tăng, vì vậy nhu cầu xuất heo sang Trung Quốc tăng, nên nguồn cung trong nước cũng bị ảnh hưởng phần nào…

Tuy nhiên, theo ông Quý, những Công ty lớn như Masan, luôn có sự chuẩn bị nguồn cung ổn định. Công ty cũng cố gắng tối ưu hoá các chi phí trong quy trình sản xuất, đồng thời, kết hợp với các chương trình khuyến mại để đưa các sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý nhất.

Thịt mát đã "lên mâm" trong bữa cơm của nhiều gia đình  - Ảnh 1.

Thịt mát đã "lên mâm" trong bữa cơm của nhiều gia đình  - Ảnh 2.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh - Trưởng đoàn công tác khảo sát nắm tình hình thị trường hàng hóa tại Chợ Bầu (Phủ Lý, Hà Nam)

Có mặt tại Chợ Bầu (Phủ Lý, Hà Nam) sáng 11/8, Đoàn công tác của Tổng cục QLTT và Cục QLTT tỉnh Hà Nam đã ghi nhận tình hình kinh doanh của các tiểu thương tại chợ. Theo khảo sát và chia sẻ của nhiều tiểu thương, giá thịt heo đã giảm so với những ngày trước đó, tuy nhiên vẫn đắt hơn so với đầu năm bởi, giá đầu vào vẫn còn rất cao.

Theo bảng niêm yết đặt ở mỗi sạp kinh doanh thịt lợn tại khu vực Chợ Bầu ngày 11/8, thịt ba chỉ có giá 130.000đ/kg, thịt nạc vai 125.000đ/kg, thịt mông 100.000đ/kg, xương sườn 125.000đ/kg…

"Giờ giá cả phải niêm yết công khai như giá ở các siêu thị để bà con theo dõi" chị Phạm Thị Minh Khuyên - tiểu thương kinh doanh thịt heo tại Chợ Bầu nói.

Ổn định hơn so với giá thịt heo, chị Vũ Thị Vân, tiểu thương ở đây cho biết, giá cả thịt bò ít biến động hơn trung bình từ 220.000 - 290.000 đồng/kg tuỳ loại.

Chia sẻ nhanh với phóng viên tại Chợ Bầu, bà Phan Thị Thanh Hà (65 tuổi, cư dân sống gần Chợ Bầu) cho biết, thời gian gần đây giá thịt heo tăng cao, chúng tôi đi chợ thấy lực lượng chức năng đi tuyên truyền, kiểm tra, yêu cầu các hộ niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, chúng tôi thấy yên tâm hơn. Hy vọng, trong thời gian tới, giá cả thị trường mặt hàng thịt ổn định hoặc giảm hơn để chúng tôi dễ chi tiêu và tiết kiệm hơn.

Tại Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Tân Thịnh 1, 2 thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Dịch vụ Thương mại Tân Thịnh (Xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, Hà Nam), Đoàn kiểm tra đã làm việc cùng Giám đốc Công ty Nguyễn Đình Sơn. Theo ông Sơn, do đường cao tốc có lượng xe di chuyển lớn, nhu cầu đổ xăng cao nên Công ty luôn cố gắng đảm bảo nguồn cung, ngay cả thời điểm khan hiếm hàng vẫn duy trì đủ.

"Chúng tôi có kho bể ngay đây, lượng dự trữ lớn nên luôn đảm bảo đủ cung trong mọi tình huống", Giám đốc khẳng định.

Thịt mát đã "lên mâm" trong bữa cơm của nhiều gia đình  - Ảnh 3.

Đoàn công tác khảo sát, nắm tình hình tại cung ứng tại 02 Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Tân Thịnh 1, 2 thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Dịch vụ Thương mại Tân Thịnh

Chia sẻ thêm về hoạt động kinh doanh chung, ông Sơn cho hay, từ Tết đến thời điểm hiện tại, tình hình cung ứng tại 02 cửa hàng xăng dầu (CHXD) vẫn đáp ứng đủ, tình hình kinh doanh của CHXD cũng khá ổn định, chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu xăng. 02 CHXD của Công ty có vị trí khá thuận tiện, nằm trên trục đường cao tốc nên các ô tô ra vào đổ xăng liên tục, cung cấp khoảng 2.000 lít mỗi ngày.

Trong chương trình làm việc tại Nhà máy thuộc Công ty TNHH Masan Hà Nam, Giám đốc Nhà máy cũng vui vẻ chia sẻ khi lượng đơn hàng của đơn vị luôn tăng so với trước. Sản phẩm của Công ty đã được nhiều gia đình Việt ưu tiên sử dụng và đánh giá cao về chất lượng cũng như bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, theo khảo sát của Phòng Chất lượng của Nhà máy, hiện có một bộ phận người tiêu dùng, trong đó, tập trung độ tuổi trung niên, lại nhầm công nghệ "thịt mát" với "thịt đông lạnh", không thể tươi ngon bằng thịt mua ngoài chợ từ sáng sớm, vì vậy, có tâm lý e ngại sử dụng loại "thịt mát".

Thịt mát đã "lên mâm" trong bữa cơm của nhiều gia đình  - Ảnh 4.

Tiếp tục Chương trình làm việc, Đoàn công tác đã có buổi làm việc tại Nhà máy thuộc Công ty TNHH Masan Hà Nam

Ông Nguyễn Doãn Cự, Trưởng phòng Chất lượng, Công ty TNHH Masan Hà Nam chia sẻ, "thịt mát" có một quy trình chế biến khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm. Để cho "ra lò" những khay thịt tươi, ngon, bổ dưỡng, những sản phẩm này phải đảm bảo quá trình "chín sinh hoá". Cụ thể, toàn bộ quá trình chế biến phải đảm bảo nhiệt độ thấp từ 0-4 độ C để vi khuẩn nguy hiểm không thể phát triển được. Còn "thịt đông lạnh" là loại thịt bảo quản ở nhiệt độ sâu -12 độ C.

"Đây là khác biệt căn bản nhất. Thịt mát có về mặt thịt đàn hồi, dẻo và ẩm. Thịt đông lạnh có về mặt khô, thịt bị đông cứng. Công nghệ làm thịt mát rất khó, đòi hỏi đầu tư dây chuyền, nhà máy giết mổ quy mô, khép kíp và hệ thống phân phối lạnh", ông Cự phân tích.

Thịt mát đã "lên mâm" trong bữa cơm của nhiều gia đình  - Ảnh 5.

Ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc Nhà máy giới thiệu với Trưởng đoàn công tác về công nghệ làm "thịt mát"

Đi dọc hành lang khu vực giết mổ của Nhà máy, Đoàn công tác cảm nhận được hơi lạnh mặc dù đứng rất xa khu vực làm việc của công nhân nhà máy. Các công đoạn giết mổ đều được thực hiện bằng máy, công nhân tham gia các khâu ở khu vực này đều phải mặc bảo hộ để đảm bảo vệ sinh an toàn từ khâu nhỏ nhất.

Chia sẻ với Giám đốc Nhà máy, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh mong muốn đơn vị tiếp tục có kế hoạch đảm bảo nguồn cung cũng như chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường. Đồng thời có kế hoạch tuyên truyền, để người dân hiểu hơn về sản phẩm, đặc biệt là công nghệ "thịt mát", cũng như những nỗ lực của đơn vị trong việc đưa sản phẩm tốt, an toàn cho sức khoẻ đến tay người tiêu dùng.

Mặt hàng thức ăn chăn nuôi diễn biến thất thường do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao

Chiều cùng ngày, Đoàn kiểm tra đã khảo sát tình hình thị trường tại địa bàn Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại Cửa hàng Nông sản Linh Mận, anh Vũ Mạnh Linh - chủ cửa hàng cho biết, ở đây bán buôn là chính, chủ yếu là sản phẩm đỗ, lạc, mì, miến, mộc nhĩ, gạo… Theo anh Linh, gần đây, tình hình kinh doanh có chậm hơn, giá không thay đổi, cũng không chịu biến động của thị trường.

Cũng giống các mặt hàng trên, sản phẩm đường sữa, bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt… tại Cửa hàng Nghĩa Mận (địa chỉ: Khu Phố Mới, Tân Thịnh, Thổ Tang), giá cả vẫn ổn định. Chủ Cửa hàng cho biết, các sản phẩm này chủ yếu phân phối trong tỉnh, hoặc sang Việt Trì (Phú Thọ). Toàn bộ các sản phẩm là hàng của các Công ty sản xuất tại Việt Nam, giá cả không thay đổi trong thời gian vừa qua.

Thịt mát đã "lên mâm" trong bữa cơm của nhiều gia đình  - Ảnh 6.

Đoàn kiểm tra, khảo sát nắm tình hình cung ứng hàng hóa tại cửa hàng Nông sản Linh Mận

Trong chương trình làm việc ngày 11/8, Đoàn công tác Tổng cục QLTT đã có chương trình làm việc với Công ty Việt Pháp - một trong những đơn vị cung cấp mặt hàng thức ăn chăn nuôi lớn của Vĩnh Phúc cũng như trong cả nước. Đây là một trong số những mặt hàng quan trọng, là nguyên liệu đầu vào của việc chăn nuôi, cung cấp thịt cho tiêu dùng hàng ngày.

Thịt mát đã "lên mâm" trong bữa cơm của nhiều gia đình  - Ảnh 7.

Đoàn công tác Tổng cục QLTT đã có chương trình làm việc với Công ty Việt Pháp - một trong những đơn vị cung cấp mặt hàng thức ăn chăn nuôi lớn của Vĩnh Phúc cũng như trong cả nước

Thông tin với Đoàn công tác, Đại diện Công ty Việt Pháp cho biết, thức ăn chăn nuôi là mặt hàng có diễn biến thất thường theo tình hình thị trường. Nguyên nhân khiến giá cả các mặt hàng này thay đổi là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong những năm gần đây.

Cụ thể là giá ngô và khô đậu (được nhập từ Nam Mỹ và Mỹ). So với thời điểm cuối năm 2020, giá 2 loại nguyên liệu này đã tăng khoảng 200%. Trong khi đó, giá sản phẩm thành phẩm ra thị trường không được tăng giá. Đó cũng là bài toán khó của Công ty.

Chủ tịch HĐQT Khổng Văn Khoa mong rằng, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp chân chính, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm của những doanh nghiệp cố tình có hành vi gian lận thương mại, từ đó, trả lại môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh hơn.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ