(Tổ Quốc) - Lướt qua facebook bạn đọc có thể tìm thấy rất nhiều “người quen” sáng tác, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin chỉ giới thiệu những cây bút thơ nữ hiện đang sáng tác ở tỉnh nhà.
Trang mạng xã hội Facebook ngày càng thông dụng với nhiều người trên khắp thế giới. Theo thống kê trên toàn thế giới đã có trên 2 tỷ người sử dụng, làm phương tiện để giải trí, bộc bạch tâm trạng, chia sẻ… và coi như một “trang báo riêng” của cá nhân, nơi ghi chép những tin tức, cảm xúc của bản thân và bè bạn, do vậy đã có rất nhiều văn nghệ sĩ đăng ký cho mình một “tài khoản”, tạo một trang viết (Dòng thời gian) để post lên những sáng tác của mình, mục đích để lưu giữ và giới thiệu, PR cùng với bè bạn và những người đồng sở thích. Giới văn học và những người yêu thích văn học ở Tây Ninh cũng không ngoại lệ, thử lướt qua các “dòng trạng thái” trên trang Facebook, bạn đọc có thể tìm thấy rất nhiều “người quen” sáng tác trong tỉnh. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin chỉ giới thiệu những cây bút thơ nữ hiện đang sáng tác ở tỉnh nhà.
Một số gương mặt thơ nữ Tây Ninh |
Trước hết, phải kể đến các cây bút nữ quen thuộc ở Tây Ninh thời kỳ còn chơi Blogs như ĐP. Thùy Trang, Đặng Mỹ Duyên, Nguyễn Thị Kim Liên, Nhất Phượng, Ngọc Tình, Đàm Hải (Đan Thụy), Xuân Khanh (đã mất),Trần Thị Nhã My… và hiện nay đã chuyển sang mạng Facebook, còn có những cây bút mới tham gia như Nguyệt Quế, Trần Quỳnh Hoa, Huỳnh Gia, Mai Tuyết, Hồng Tâm, MP Trường Giang Thủy, Bùi Hiền, Mai Lê… ít nhiều đã góp phần làm nên “dung mạo” của những người viết nữ ở Tây Ninh.
Những cây bút đã khá quen thuộc, có nhiều tác phẩm đăng trên các báo địa phương và trung ương, cùng những trang mạng văn học, ít nhiều đã thành danh như Nhất Phượng (giải 3 tạp chí Văn nghệ Quân đội), Đặng Mỹ Duyên (Giải thưởng báo Sài Gòn giải phóng), ĐP Thùy Trang, Nguyễn Thị Kim Liên, Nguyệt Quế (cùng giải VHNT tỉnh) riêng cây bút trẻ Trần Thị Nhã My đã 2 lần nhận giải thưởng thơ của Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc. Các cây bút như Huỳnh Gia, Mai Tuyết, Ngọc Tình, Trần Quỳnh Hoa, Hồng Tâm, tuy mới gắn bó với nghiệp văn chương, nhưng càng ngày càng sung sức, bút lực mạnh mẽ, chiều hướng phát triển tốt.
Chủ đề chung của các cây bút nữ Tây Ninh trên Facebook vẫn là những cảm nhận chung trong cuộc sống, khao khát được yêu thương và hạnh phúc, hay ngợi ca quê hương mến yêu, đôi khi bàng bạc chút thế sự qua những giao tiếp trong cuộc sống, song mỗi người vẫn giữ cho mình những nét riêng đáng quí. Ngọc Tình gốc người Nam Định, là cán bộ hưu trí sống ở Phường III thành phố Tây Ninh, lại có những câu thơ mang nét đằm thắm và nền nã của người phương Bắc, thêm một chút cũ xưa như: “ Trải thơ/ lót gạch trăng về/ Bay lên/ chạm ánh sao thề/ Em - Tôi/ Tầm xuân đã sập cửa người/ Để mây trôi dạt cuối trời/ trắng phau” (Trải thơ, Ngọc Tình). Hay như: “Giọt sương lá đọng đầy vơi/ Giọt nắng em cõng ngược xuôi bến đời/ Giọt quê đẫm nhớ lưng trời/ Giọt nghiêng bậc cửa đêm vời vợi trăng.” (Mấy giọt tình quê, NT), thơ Ngọc Tình đã có sự khởi sắc đáng ghi nhận từ sau khi chị in tập thơ đầu tay “Hương cau” vào năm 2016.
Khác với Ngọc Tình, hai cây bút Huỳnh Gia và Mai Tuyết đến với thơ ca cũng khá muộn, nhưng nhanh chóng khẳng định tên tuổi mình trong làng văn nghệ của tỉnh. Phải chăng vì Mai Tuyết từng là phóng viên của báo Tây Ninh, và Huỳnh Gia từng là thuyết minh phim cho Công ty chiếu bóng, ít nhiều có gắn bó với viết lách? Thơ Mai Tuyết, Huỳnh Gia bộc rõ tích cách của người Nam Bộ, chút phóng khoáng, hào sảng, song cũng pha chút duyên dáng của người phụ nữ, hãy nghe Huỳnh Gia viết: “Mỗi lúc vòng xoay hoài niệm vốn hiền lành/ ngược lối cũ xổ tung từng cáu gắt/ cây xòe táng che bóng gầy - như nhắc/ là chông chênh âm vọng nẻo ly tình” và đây nữa: “Mùa này nắng đốt rộp bình minh/ cây níu gượm những đài hoa chưa vội/ (trong phút thoáng đượm lửa lòng hôi hổi)/ rồi buông theo mùa luân chuyển/ dỗ lòng yên” (Phiên khúc bằng lăng tím, Huỳnh Gia). Còn Mai Tuyết mạnh bạo hơn, câu chữ hơi chiêm nghiệm và nồng nã: “Anh về tìm mùa hoa cải sáng nay/ Nghe con bấc thì thầm lời nhắc nhở/ Hoa cải xưa về đâu để anh hoài mắc nợ/ Bến sông nào rưng rức cải vàng lay” (Mùa hoa cải) Mênh mang những hoài cảm: “Trông biển chiều từng đợt sóng nở hoa/ Khói mờ bay như ru mây- ru mưa ngày xa vắng/ Mắt đỏ môi hờn có ai về ru em - chim trắng/ Khoảng mênh mông buồn là biển đã quên em..!” (Biển em và loài chim trắng, Mai Tuyết). Mai Tuyết cũng đã kịp in riêng cho mình một tập thơ đầu tay vào đầu năm 2017.
Mộc mạc, chơn chất hơn là hai cây bút: bác sĩ và cô giáo đều là hưu trí Trần Quỳnh Giao và MP Trường Giang Thủy. Thơ Trần Quỳnh Giao nhẹ nhàng, ít dụng công như: “Cảm ơn anh, tình yêu biển cả/ Cho em thấy đời tím sắc yêu thương/ Xua tan hết loài yêu ma vất vưởng/ Ta dìu nhau đi nếm trái ngọt địa đàng” (Điều không thể đổi thay, TQH). Còn MP Trường Giang Thủy, một chút dụng công tìm tòi vì sao lạ, nhưng cũng thật giản dị: “Còn lần nào nữa cho nhau,/ Từ ly sao để mùa nào cũng Đông!/ Ngây ngô chim hót trong lồng,/ Khản hơi nào biết người không yêu người!” và: “Tôi đi cùng đất cuối trời,/ Tìm hoài chẳng gặp nụ cười tôi xưa...” (Sao lùn đen chết trong mơ, MP TGT).
Có lẽ người nhỏ tuổi nhất là cây bút Hồng Tâm, một trường hợp khá đặc biệt, phải một mình nuôi con bệnh bại não, hiện sinh sống tại Bến Cầu. Thơ Hồng Tâm cũng có nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây. Đau đáu, khao khát với nỗi lòng qua bài thơ “Một lần cuối”: “Hãy về bên em dù chỉ một đêm thôi/ Cho em gọi chồng ơi một lần sau cuối/ Hãy về với em dù giấc mơ dang dở/ Giấc mơ vợ chồng trọn kiếp bên nhau”. Một khát vọng thật khó giải bày, rất thật nhưng lại xa vời vợi với những người trót đã lỡ làng: “Đêm thật dài và sương lạnh đìu hiu/ Cho em bên anh một lần sau cuối/ Trao nụ hôn ngọt mắt nhìn đắm đuối/ Em sẽ quay lưng dằng dặt vết thương lòng” (Hồng Tâm). Sự nỗ lực vươn lên của Hồng Tâm đã có kết quả ngọt ngào, đó là tập thơ đầu tay ra mắt bạn đọc vào những ngày cuối năm 2016 là niềm vui khích lệ tinh thần rất lớn đối với cây bút nữ này.
Tham gia Facebook, gửi gắm niềm đam mê gắn bó với thơ, có lẽ cũng là một trong những giao lưu và giao tiếp khá đặc biệt và tế nhị, bởi những khen chê có khi chưa thật… cụ thể và công bằng, song có điều người viết có dịp để cọ xát, thử thách chính mình và có ý thức nâng dần chất lượng trang viết để phục vụ bạn đọc, trong khi hiện nay, các trang báo in rất khó để được chọn in thơ, âu cũng là một cuộc chơi thanh nhã, nhiều ý vị. Mong từ trang viết tưởng như ảo này, các cây bút thơ nữ Tây Ninh ngày càng khẳng định tài năng của mình trong cả tỉnh và hòa nhập chung trong nền văn học nghệ thuật của cả nước. Mong thay!...
Trần Hoàng Vy