• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thông điệp nhân văn trong truyện ngắn của tác giả Hiệu Constant

Văn hoá 08/04/2021 17:14

(Tổ Quốc) - "Nắng cuối chiều" là tập truyện ngắn của tác giả- dịch giả Hiệu Constant- một nhịp cầu nối giữa văn học Việt Nam- văn học Pháp và ngược lại. Với hơn 50 tác phẩm dịch cùng gần 10 tiểu thuyết và truyện ngắn, Hiệu Constant thật sự gây ấn tượng với sự đa dạng và mở rộng của sinh thái nhân văn.

Tập truyện ngắn "Nắng cuối chiều" xuất bản trong thời kỳ hội nhập quốc tế này cũng nằm trong góc nhìn tương quan giữa một số bản sắc dân tộc chịu ảnh hưởng mạnh của sự phát triển hiện đại.

Tập sách gồm 8 truyện ngắn đã đăng trên báo Văn nghệ- Hội Nhà văn Việt Nam: Lạc quê, Chênh vênh, Cháu nội của một thầy lang, Mùa đông này con không về, Quan lộ, Nắng cuối chiều, Người mẹ Lào.

Văn xuôi Hiệu Constant nảy sinh trên những sự giao thoa quốc tế về mọi mặt đời sống tinh thần, nhất là văn hóa, tôn giáo, nhờ sự tác động qua lại từ một lăng kính đặc biệt của một người Việt định cư tại Pháp và có điều kiện đi nhiều nơi. Và chính trong bối cảnh đó, bản sắc dân tộc Việt (quê gốc của tác giả) được thể hiện không còn khép kín, thuần túy như ta thường thấy.

"Lạc quê" là một truyện ngắn gây xúc động vì sự vươn lên vượt qua chính mình của cậu bé người Việt đánh đàn trên bãi biển, làm bồi bàn để kiếm sống đã trở thành người được Tổng thống Pháp "mời đến để trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì sự nghiệp thúc đẩy sự phát triển của Quốc gia". Các yếu tố văn hóa của hai nước Việt, Pháp được tác giả cài cắm một cách tự nhiên trong mạch chảy của truyện.

Một phần thuận lợi nữa là cậu bé đam mê kiến trúc, trở thành sinh viên kiến trúc và được thầy cho "đến thăm Versailles, Fontainebleau và vùng Tourraines, nơi có hàng ngàn những tòa lâu đài hoàng gia tuyệt đẹp. Rồi cả vùng Strasbourg… kiến trúc thời Phục Hưng khiến nó mê mẩn".

Sự cống hiến lớn lao cho ngành kiến trúc Pháp của nhân vật chính còn gửi đến một thông điệp cho thanh niên Việt về khả năng, tài năng của người Việt không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, "chỉ cần có lòng tin và sự cố gắng thì tất cả sẽ thành công". Để có được lòng tin đó, nhận vật chinh của "Lạc quê" đã phải đi qua bao gian nan, hành trình nhận thức không bao giờ là chuyện đơn giản cả.

Sinh thái nhân văn trong truyện ngắn của tác giả Hiệu Constant - Ảnh 1.

Bìa sách

Trong khi đó, "Cháu nội của một thầy lang" là câu chuyện về bác sĩ Hùng, chuyên khoa tim mạch, làm việc tại bệnh viện 108, Hà Nội và sang Pháp tu nghiệp. Tình cờ anh khám bệnh cho đại tá về hưu Andre' Lefevre, người đã từng tham gia chiến tranh Đông Dương giai đoạn 1940- 1953.

Một quá khứ đau thương chợt hiện về như một vết thương tưởng không bao giờ lành lặn được. Đại tá Andre' Lefevre chính là người ra lệnh tra tấn dã man ông nội của bác sĩ Hùng, là một thầy lang và là nhà nho. Gia tộc của Hùng luôn mang nặng mối uất hận đòi phải trả thù này.

Và bối cảnh "giáp mặt kẻ thù" đặc biệt tại phòng khám chính là cơ hội ngàn vàng để giải quyết kín đáo mối thù xưa. Nhưng rồi, tính người, sự văn minh của một dân tộc phương Đông đã cất tiếng nói trong tâm hồn của Hùng, anh đã thực hiện đúng thiên chức của một bác sĩ là cứu người, cứu người và khép lại qua khứ thù hận.

Thông điệp nhân văn nối kết giữa hai dân tộc Pháp, Việt được truyền đến người đọc một cách thực thà, chạm sâu trong tâm thức của hai con người có nhiều khác biệt về văn hóa nhưng cùng có chung tính người. Tội lỗi được tha thứ. Tình yêu thương được tiếp nhận.

Không chỉ sinh thái nhân văn rộng mở được hiện lên trong ý tứ truyện, ngôn ngữ của Hiệu Constant cũng được mở rộng khá rõ nét. Đôi lúc đọc các tác phẩm của nữ nhà văn, hiện lên trong ta mồn một những đặc trưng văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc bộ với làng mạc, đồng quê, với nếp sinh hoạt của đời sống cần lao và cũng nhiều lúc vùng ngôn ngữ ấy tiếp nhận bất ngờ từ cách nghĩ đến chữ dùng và cấu trúc câu của một thế giới phẳng, đa chiều và hiện đại.

Chỉ với vài lát cắt nhỏ cho thấy có một hệ quy chiếu rộng hơn đã hiện diện trong văn của Hiệu Constant, một môi trường văn hóa rộng hơn, nối kết và thấu hiểu đã hiện diện trong văn của Hiệu Constant. Tập truyện ngắn "Nắng cuối chiều" cũng không ngoại lệ, minh chứng rõ ràng cho một cây bút đã gây ấn tượng với sự đa dạng và mở rộng của sinh thái nhân văn.

Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant tên thật là Lê Thị Hiệu, sinh năm 1971, tại Thường Tín, Hà Nội. Hiện nhà văn đang sống và làm việc tại Paris, Pháp.

Nhà văn Hiệu Constant là cây bút đa năng, dịch, viết báo, sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, là đại diện văn học cho một số tập đoàn xuất bản Pháp tại Việt Nam và là đại diện cho một số nhà văn Việt Nam tại Pháp. Đặc biệt, tên và tác phẩm của Hiệu Constant đã được niêm yết trong danh mục các tác giả của thư viện quốc gia Pháp.

Những tác phẩm dịch của tác giả được nhiều bạn đọc biết đến và được đồng nghiệp đánh giá cao như "Nỗi niềm" của Paule Constant; "Rừng thẳm" của Julien Gracq; "Bóng đen của vầng ánh dương" của Christelle Maurin; "Bạn tôi tình tôi" của Marc Levy…

Trên văn đàn Việt Nam, các tiểu thuyết của nhà văn cũng được chú ý như "Côn trùng", "Đường vắng", "Đời du học", "À bientot… hẹn gặp lại" và "Tiếng dế" cùng tự truyện "Làm dâu nước Pháp". Ngoài ra Hiệu Constant còn xuất bản 3 tập truyện ngắn: "Chênh vênh", "Dưới chân Hòn Dáu", mới đây nhất là tập "Nắng cuối chiều".

Nguyễn Hiệp

NỔI BẬT TRANG CHỦ