(Tổ Quốc) - Về câu hỏi của đại biểu Lê Công (đoàn Bình Định) xung quanh đồng tiền ảo Bitcoin, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết không riêng Việt Nam, đây là vấn đề mới của nhiều nước.
Thống đốc cho biết, một số nước cấm tuyệt đối giao dịch Bitcoin. Một số không cấm giao dịch nhưng không xem Bitcoin là phương tiện thanh toán, đồng thời khuyến cáo về sự rủi ro của đồng tiền ảo này. Tuy nhiên, một số nước vẫn xem Bitcoin là phương tiện thanh toán.
Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) đặt câu hỏi với Thống đốc về đồng tiền ảo Bitcoin. (Ảnh: Minh Khánh) |
Với Việt Nam, Thống đốc nhắc lại quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về bitcoin rằng, đây không phải đồng tiền pháp định theo quy định pháp luật hiện nay.
"Bitcoin cũng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy, việc sử dụng đồng bitcoin là phương tiện thanh toán là không đúng quy định pháp luật hiện hành", Thống đốc khẳng định.
Tuy nhiên, hiện nay, nhìn nhận Bitcoin dưới góc độ là một tài sản, hàng hoá thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo giao cho các bộ ngành, trong đó Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu đề án về các khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo, tài sản ảo, trong đó có Bitcoin. Và chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp dưới góc độ quản lý nhà nước về tiền tệ để có cơ sở pháp lý quản lý Bitcoin.
“Tôi cho rằng, cần phải có một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý các loại tài sản ảo, hàng hoá như vậy”, Thống đốc chia sẻ quan điểm.
Theo đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo” đã được Chính phủ ký quyết định phê duyệt, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì công tác rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam để tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan. Đồng thời, tổ chức các hội thảo, tọa đàm để nhận diện, làm rõ vai trò của tài sản ảo, tiền ảo và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2018.
Bộ này cũng là cơ quan chủ trì lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 vào tháng 12/2019.
Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan chủ trì các nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử trình Chính phủ vào 8/2018. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9 năm 2019.
Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo vào 6/2019.
Và chú trọng đến việc nghiên cứu đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Bộ Công an sẽ đưa các biện pháp đề xuất phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9/2019.
Ngoài ra, cho đến cuối năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015./.
Hà Giang