• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thống nhất quan điểm xử lý các nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục

Thực hiện: Bảo Trân | 05/05/2023

(Tổ Quốc) - Ngày 5/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức buổi Họp báo thường kỳ tháng 5/2023. Vấn đề xử lý các nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục được đề cập tại buổi họp báo.

Thống nhất quan điểm xử lý các nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do thông tin với báo chí.

Không dùng các từ “phong sát” hay cấm sóng

Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Bộ TT&TT đã thống nhất quan điểm trong việc xử lý các nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Ông Lê Quang Tự Do khẳng định, từ trước đến nay, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử chưa bao giờ dùng từ “phong sát” hay cấm sóng.

Tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã thông tin, hai Bộ đã nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước gần với chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc có sử dụng biện pháp "phong sát", "tẩy chay", "cấm sóng".

Tuy nhiên, khi áp dụng vào Việt Nam, Bộ TT&TT thống nhất với Bộ VHTTDL sử dụng khái niệm hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên các đài phát thanh truyền hình và môi trường mạng.

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, sở dĩ Việt Nam không dùng các từ “phong sát” hay cấm sóng là bởi khi dùng các từ này sẽ coi như một quy định pháp luật. Theo luật pháp Việt Nam, để cấm một hoạt động của công dân, nội dung bị cấm cần phải được đưa vào luật.

Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT dự kiến sử dụng 1 biện pháp mềm, đó là vận động các cơ quan báo chí, cơ quan tổ chức sự kiện ủng hộ Nhà nước, cùng chung tay làm sạch môi trường hoạt động biểu diễn. Cụ thể là, không khuyến khích, không mời những nghệ sĩ có vi phạm về đạo đức, có lối sống lệch chuẩn theo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTTDL ban hành năm 2021.

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhấn mạnh, hướng triển khai nêu trên được thực hiện trên tinh thần đồng thuận và tự nguyện, không phải quy định pháp luật bắt buộc và vì vậy không dùng từ phong sát.

Hiện Bộ VHTTDL đã hoàn thành việc xin ý kiến các cơ quan ban ngành liên quan với “Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức xã hội ”. Việc xây dựng quy trình đã đến công đoạn chỉnh sửa hoàn thiện.

Bắt đầu kiểm tra toàn diện Tiktok từ 15/5/2023

Trả lời câu hỏi của báo chí về các vi phạm của mạng xã hội Tiktok tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, bắt đầu từ ngày 15/5, Bộ TT&TT sẽ thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Dự kiến, việc kiểm tra kéo dài đến hết tháng 5/2023. Đoàn kiểm tra có sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam. Trong đó, phải kể đến TikTok không có biện pháp ngăn chặn nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, để xuất hiện quảng cáo sai sự thật, tràn lan hàng giả, hàng nhái.

Ngoài ra, TikTok còn có chương trình “thần tượng-idol” là người nổi tiếng, các thần tượng mạng trên TikTok, cho phép người dùng mạng xã hội donate (tặng tiền) cho những thần tượng mạng, nhưng lại không khuyến khích những nội dung tốt đẹp, không quản lý chặt chẽ, để cho nhiều đối tượng cung cấp nội dung lệch lạc, độc hại, nhảm nhí, thiếu văn hóa, lệch chuẩn.

Mạng xã hội này còn lan truyền những clip phim vi phạm bản quyền và sự quản lý yếu kém, lỏng lẻo của TikTok dẫn đến tin sai sự thật rất nhiều, như tin giả liên quan đến Covid-19, mê tín dị đoan, hạ thấp danh dự, nhân phẩm người Việt, có nội dung gây nguy hại cho trẻ em.

Nền tảng này đã khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Đáng chú ý, trên TikTok cũng xuất hiện nhiều video có nội dung xuyên tạc về lịch sử, văn hóa Việt Nam, các nội dung sử dụng hình ảnh khiêu gợi, hở hang...

Tại buổi họp báo, chia sẻ thêm thông tin về việc tăng cường quản lý với các nền tảng xuyên biên giới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, để từng bước làm lành mạnh không gian mạng, tạo sự công bằng, bình đẳng trong hoạt động giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước trên môi trường mạng, thời gian qua, Bộ đã tăng cường công tác quản lý nhà nước với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nhà cung cấp này chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, có những thời điểm, khi xử lý các vi phạm pháp luật của các nền tảng này, có dư luận “đẩy” sự việc đến vấn đề khác và đó là cách tiếp cận không đúng. Bộ TT&TT luôn yêu cầu các doanh nghiệp này hoạt động tuân thủ pháp luật Việt Nam và sẽ xử lý nếu để xảy ra vi phạm./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ