(Tổ Quốc) - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và được xem là yêu cầu khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học thể dục thể thao (TDTT).
Tại mỗi đơn vị nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số là tích hợp các giải pháp số vào giá trị cốt lõi của đơn vị, thay đổi sâu sắc cách thức hoạt động của đơn vị bằng cách tạo ra các quy trình nghiên cứu mới, tăng cường hội nhập và đồng hành trong việc tạo ra các giá trị nghiên cứu khoa học mới.
Không chỉ giúp tái tạo lại những phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống mà Chuyển đổi số còn có thể sáng tạo những phương pháp mới để đáp ứng những kỳ vọng thay đổi của đời sống xã hội, giúp tăng năng suất, chất lượng, giá trị công trình nghiên cứu, giảm chi phí, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ phát triển TDTT.
Phát biểu trong "Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch" được tổ chức tại Hà Nội ngày 26/10, ông Trần Hiếu, Viện trưởng, Viện Khoa học Thể dục thể thao cho biết: "Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn xảy ra và đang diễn ra. Cuộc sống không ngừng vận động, biến đổi, kéo theo nhịp đập phát triển TDTT cũng không ngừng thay đổi, thích nghi, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau, tụt hậu so với sự phát triển của thể thao thế giới".
Theo ông Hiếu, chuyển đổi số là rất quan trọng đối với sự phát triển của đơn vị, tổ chức khi mang lại các cơ hội mở ra và khai thác được nhiều tiềm năng hơn nữa, bằng cách cho phép tăng cường liên kết, mở rộng quy mô, cải thiện hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tế với chi phí tối ưu hơn.
Một trong những công nghệ quan trọng của quá trình chuyển đổi số chính là Big Data. Từ góc độ cấu trúc, dữ liệu lớn là sự kết hợp của một số thành phần kỹ thuật, bao gồm loại thông tin, mẫu dữ liệu, đối tượng nghiên cứu và phân tích kết quả. Thông qua việc áp dụng công nghệ dữ liệu lớn, quy trình và thủ tục công việc nghiên cứu theo cách truyền thống được đơn giản hóa đáng kể, giúp công nghệ này nhanh chóng được mọi người công nhận và áp dụng rộng rãi.
Lấy ví dụ về "Hệ thống tuyển chọn và đào tạo VĐV", ông Trần Hiếu cho biết, các phương pháp tuyển chọn và đào tạo VĐV cấp cao hiện tại vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của đội ngũ huấn luyện, ít dựa vào dữ liệu định lượng, gần như không có thông tin về các chỉ số sinh hóa, dữ liệu tập luyện, thi đấu của vận động viên. Điều này đã không còn phù hợp, gây ra những khó khăn trong việc lựa chọn vận động viên khi thi đấu cũng như khả năng đánh giá mức độ phát triển của vận động viên trong tương lai.
"Chuyển đổi số có thể giải quyết bài toán bằng cách có một nền tảng dữ liệu vận động viên để họ biết và khai thác tốt nhất lợi thế mình có. Cơ quan nhà nước có thể căn cứ các dữ liệu thu thập được để có những đánh giá chính xác về tình trạng, chiều hướng phát triển của vận động viên từ đó có những quyết định mang tính khách quan, khoa học. Mỗi tài năng thể thao có năng lực và khả năng riêng. Do đó, các dữ liệu về họ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng tương lai. Nhờ có những tiến bộ trong phân tích dữ liệu mà các HLV ngày nay có thể xác định được bộ môn thể thao nào phù hợp với sở thích, khả năng của VĐV" - ông Trần Hiếu nhận định.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số có thể duy trì tính cạnh tranh và tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu độc lập, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí khi thực hiện công trình nghiên cứu khoa học.
"Nhìn chung, bằng việc ứng dụng chuyển đổi số, đơn vị nghiên cứu có thể tự động hóa các tác vụ và quy trình nghiên cứu mà trước đây được thực hiện theo cách thủ công và rất tốn thời gian, ví dụ: Thu thập dữ liệu mẫu nghiên cứu, quản lý tài chính, quản trị công việc nghiên cứu, nhân sự, lập báo cáo kết quả nghiên cứu …" - Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao cho hay.
5 lưu ý cốt lõi trong công tác chuyển đổi số ngành TDTT
Từ thực tế, khi thực hiện ứng dụng chuyển đổi số vào nghiên cứu khoa học TDTT, Viện trưởng Trần Hiếu cho rằng cần lưu ý 5 điểm cốt lõi.
Cụ thể, việc chuyển đổi số cần phát huy tối đa những lợi ích, hiệu quả của Big Data trong nghiên cứu đối với cả các nhà khoa học, đối tượng nghiên cứu, quy trình thực hiện nghiên cứu và đơn vị nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT một cách thường xuyên, khách quan và khoa học. Chỉ khi thiết lập một cơ chế đánh giá khoa học, ngành thể thao mới có thể thúc đẩy hiệu quả của việc ứng dụng chuyển đổi số.
Con người là yếu tố tiếp theo được đề cập đến, ông Trần Hiếu cho rằng, cần đẩy mạnh việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học biết khai thác, ứng dụng những lợi ích do chuyển đổi số mang lại. Đây là một trong những yếu tố chủ yếu để việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học thể thao đạt hiệu quả nhất.
Đồng thời, thường xuyên đầu tư, bảo trì, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật về lưu trữ, xử lý, bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số
Cuối cùng, việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT cần bám sát Chương trình chuyển đổi số của Bộ VHTTDL và Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT" của Tổng cục TDTT. Trên cơ sở điều kiện thực tế của từng đơn vị nghiên cứu, cần xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và trọng tâm trong từng giai đoạn ứng dụng chuyển đổi số.
"Thông qua chuyển đổi số, các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học TDTT có thể khai thác và kết nối tối đa kho tàng tri thức đồ sộ, để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển khoa học TDTT, góp phần thiết thực cho sự phát triển nền TDTT, cũng như kinh tế - xã hội của đất nước" - ông Trần Hiếu nhấn mạnh.