(Tổ Quốc) -Luật Tố cáo sửa đổi đã được các ĐBQH tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV bấm nút thông qua vào sáng 12/6 với tỷ lệ 96,10%.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, đa số ý kiến đề nghị giữ hình thức tố cáo (Điều 22) như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi.
Một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại… Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành.
Thông qua Luật Tố cáo sửa đổi với tỷ lệ phiếu 96,10% |
Đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật (Điều 25 của dự thảo Luật).
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Kiểm toán nhà nước (Điều 16), có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bổ sung quy định này không phù hợp với nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại khoản 1 Điều 12 của dự thảo Luật và sẽ trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan khác.
Vì vậy, trong trường hợp vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của cán bộ, công chức, viên chức, đơn vị thuộc Kiểm toán nhà nước sẽ do Tổng Kiểm toán nhà nước giải quyết, đối với các trường hợp khác thì Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp như đã quy định tại các điều có liên quan của dự thảo Luật là phù hợp.
Có ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu tại khoản 2 Điều 17 của dự thảo Luật theo hướng cấp có thẩm quyền phê chuẩn các chức danh này thì có thẩm quyền giải quyết tố cáo…
Trước đó, các ĐBQH cũng đã thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 và Luật An ninh mạng./.
Thái Linh