(Tổ Quốc) - "Thông tin về sức khỏe người dân chỉ được sử dụng nhằm mục đích quản lý sức khỏe của người dân trong thời điểm dịch bệnh này, không được sử dụng vào mục đích khác. Người dân tự nguyện khai báo sức khỏe nhưng họ cũng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước cam kết không được để lộ lọt thông tin ", ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội nhấn mạnh.
Chiều 9/3, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế ra mắt ứng dụng NCOVI để phục vụ cho việc khai báo y tế toàn dân và cung cấp thông tin chính thống về dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ứng dụng khai báo này nhằm tương tác 2 chiều giữa người dân với cơ quan y tế, không bắt buộc.
Các thông tin về sức khỏe người dân sẽ được chuyển cho các cơ quan y tế, được đơn vị có thẩm quyền quản lý và chỉ được sử dụng cho mục đích phòng chống dịch bệnh.
Đại diện nhóm phát triển ứng dụng cho hay để dùng ứng dụng này, người dân sẽ phải cung cấp 2 thông tin quan trọng là số điện thoại và địa chỉ email. Ứng dụng có các mục chính như khuyến cáo của Bộ Y tế, báo cáo liên hệ, thông tin dịch bệnh, hỏi đáp...
Đặc biệt, ứng dụng cũng có các biểu mẫu để người dùng khai như tự đánh giá nguy cơ nhiễm Covid-19, báo cáo ca bệnh nghi ngờ, bản đồ lây nhiễm.
Người dân sẽ có bảng khai các bệnh lý nền và nguy cơ lây nhiễm. Từ đó, các cơ quan y tế sẽ sàng lọc, những người nào có bệnh nền mà có nguy cơ cao lây nhiễm, sẽ được theo dõi, giám sát kỹ hơn.
Trên thực tế, ngay sau khi ứng dụng trên ra đời, đã có những lo ngại việc một số người dùng cung cấp thông tin sai. Lo ngại tiếp theo là vấn đề bảo mật thông cá nhân, thông tin về sức khỏe của người dân liệu có bị lộ lọt?
Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho rằng, việc khai báo y tế toàn dân thời điểm này là cần thiết. Về lâu dài, đây là một trong những yêu cầu tiến bộ trong quản lý sức khỏe của người dân.
Dù vậy, về mặt cơ sở pháp lý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, dù sao việc triển khai ứng dụng nói trên cũng cần phải được xem xét thật kỹ. Bộ Y tế đưa ra ứng dụng thì dựa vào căn cứ pháp lý nào? Ví như Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có quyết định trong thời điểm thì cũng phải căn cứ vào luật, văn bản quy phạm pháp luật về Luật Phòng chống dịch bệnh...
Ngoài ra, mức độ tin cậy trong bảo mật thông tin của người dân cũng là vấn đề cần phải quan tâm.
"Dù gì thì thông tin cũng chỉ được sử dụng nhằm mục đích quản lý sức khỏe của người dân trong thời điểm dịch bệnh này, không được sử dụng vào mục đích khác. Sau này, chúng ta cũng phải có quy định chặt chẽ về dữ liệu cá nhân theo dạng thế này. Người dân tuy tự nguyện khai báo sức khỏe nhưng chắc chắn họ cũng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước cam kết không được để lộ lọt thông tin cá nhân", ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Trên thực tế đã có tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân ở một số loại hình dịch vụ thông qua ngân hàng, mua bán, các trang thông tin điện tử... Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hồng, quan trọng ở đây là vấn đề khai thác, quản lý sử dụng thông tin sức khỏe của người dân thế nào để đảm bảo. Cùng với đó, cũng phải có phương pháp để kiểm soát, kiểm chứng độ chính xác thông tin khai báo từ phía người dân.
Nhấn mạnh về trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thanh Hồng nói thêm, hiện nay Bộ Y tế là cơ quan đưa ra ứng dụng để người dân tự nguyện khai báo thông tin về sức khỏe nên cơ quan này sẽ sở hữu dữ liệu khai báo sức khỏe từ người dân, đồng thời sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lộ lọt thông tin.
"Trong tình thế cấp bách này, chúng ta cũng cần phải đưa ra quyết sách, nhưng theo tôi cần hết sức thận trọng. Cá nhân tôi cũng cho rằng nên triển khai ứng dụng này", Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho hay.