Thú chơi hoa thủy tiên của người Hà thành
Thực hiện: Nam Nguyễn | 24/01/2024
(Tổ Quốc) - Ngày Tết, bày trên bàn thờ gia tiên và bàn tiếp khách những bình hoa thủy tiên thơm ngát hương là cách chào xuân của nhiều gia đình Hà Nội. Có quan niệm rằng, vào đúng đêm giao thừa, bát hoa của gia đình nào có một “nụ nở hàm tiếu” (nở hé ra) thì được cho là mọi sự tốt lành nhiều tài nhiều lộc sẽ đến với gia đình trong năm tới.
Hoa Tết của người Thủ đô ngoài đào, quất, dơn... thì không thể thiếu thủy tiên. Bởi chơi hoa thủy tiên không đơn thuần là một trò tiêu khiển mà còn thể hiện nét tính cách thanh lịch, tinh tế của người Hà Nội trong việc sắp xếp bàn thờ tổ tiên, trang trí không gian gia đình trong những ngày Tết. Người Hà Nội quan niệm rằng: nếu có một bát hoa thủy tiên nở đúng vào thời khắc giao thừa, năm mới sẽ đầy may mắn, bình an, vạn sự như ý.
Để có được bát thủy tiên khoe sắc hương dịu dàng, thanh khiết đúng vào thời khắc giao thừa, người chơi phải kỳ công từ khâu chọn, tỉa, ngâm củ, đến khi nảy mầm, đâm rễ rồi đơm hoa. Qua những công đoạn gọt tỉa, sửa sang rất cầu kỳ như chăm bẵm trẻ nhỏ.
Muốn cho ra những bông hoa thủy tiên ưng ý, người chơi phải dành ít nhất từ 15 đến 24 ngày chăm sóc, đặc biệt muốn hoa nở vào đúng thời khắc giao thừa thì người chơi phải mày mò, nghiên cứu với loại củ phù hợp.
Hoa thủy tiên thường sau 20 ngày gọt củ sẽ nở hoa, có khi 22 ngày, 25 ngày hoa mới nở. Loại hoa này rất kén thời tiết, nếu nhiệt độ không phù hợp, độ ẩm cao củ dễ bị hỏng.
Dụng cụ để gọt, tỉa cũng được làm riêng theo từng kích cỡ.
Qua tìm hiểu, để có được những bông hoa thủy tiên đẹp, trước tiên khâu chọn củ rất quan trọng. Để có được những bông hoa đẹp, ít nhất củ phải có 3 năm tuổi mới đủ già để cho ra hoa, lá và rễ đẹp.
Củ được chọn phải là củ có lớp vỏ mỏng bọc ngoài màu cánh gián sẫm, xốp và cân đối. Người chơi thủy tiên ở Việt Nam thường thích củ dẹt, không thích củ tròn. Vì củ tròn có quá nhiều mầm bên trong, nhưng củ dẹt không dễ kiếm.
Khi gọt củ thủy tiên cần tập trung, tĩnh tâm, bởi khi gọt phải cẩn thận không được làm tổn thương bộ rễ. Với một người có thâm niên trong thú chơi hoa thủy tiên mất tối đa khoảng 30 phút đến 60 phút cho một củ thủy tiên.
Sau khi gọt xong, củ hoa được đặt úp sấp trong chậu nước hai ngày. Sau 4 đến 5 ngày đặt dưỡng, lá non bắt đầu mọc ra, lúc này người chăm hoa phải dùng que tre có một đầu nhọn để nắn hướng lá. Khi ngâm củ vào nước, lá đã ở độ bánh tẻ, người chăm phải gài các lá sao cho chúng xoắn xuýt vào nhau, rồi ba đến bốn ngày sau lại gỡ ra để chúng phát triển tự nhiên.
Hoa thủy tiên đặc biệt kén nước, nếu dùng nước máy có độ nhiễm sắt, nhiễm phèn cao khiến củ bị vàng. Theo kinh nghiệm của những người chơi hoa thủy tiên, nên dùng nước sau lọc có thể uống ngay mà không cần dùng nước đun sôi để nuôi thủy tiên. Đồng thời cần thay nước hai lần trong ngày.
Theo chia sẻ của những người có thâm niên trong thú chơi hoa thủy tiên, một bát thủy tiên đẹp phải hội tụ đủ 5 yếu tố mà người chơi hoa gọi là ngũ phúc: Rễ trắng dài giống như hàm én, bẹ trắng ôm hoa giống như những móng rồng, lá màu xanh ngọc, hoa phải 3 tầng tượng trưng cho 3 nhân tố thiên - địa - nhân.
Hoa thủy tiên có màu vàng, màu trắng, có hoa đơn, hoa kép, là loài hoa có sắc, có hương thơm dịu mát.
Những người chơi hoa thủy tiên có quan niệm rằng, vào đúng đêm giao thừa, bát hoa của người nào có một "nụ nở hàm tiếu" (nở hé ra) thì được cho là mọi sự tốt lành, nhiều tài nhiều lộc sẽ đến với gia đình trong năm tới.
Người chơi hoa thủy tiên chia sẻ: "Thú chơi hoa thủy tiên mang lại cảm giác sung sướng. Mình áp đặt, điều khiển được nó, muốn cao là cao, muốn thấp là thấp, muốn nở ngày nào là nở ngày đó. Cảm giác sung sướng không phải đến trong một phút, một giây mà là cả quá trình nuôi dưỡng chờ hoa nở".
Qua tìm hiểu của phóng viên, trên thị trường hoa tết hiện nay có nhiều người bán thủy tiên kiểu vươn thẳng như khóm hành lá, giá khoảng 250 ngàn đồng/bát. Còn loại thủy tiên thấp và uốn cầu kỳ không có giá cố định, dao động trong khoảng 300.000 đồng đến cả triệu đồng.
Ngày Tết, bày trên bàn tiếp khách những bát hoa thủy tiên thơm ngát hương là cách chào xuân của nhiều gia đình Hà Nội.