• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Thủ lĩnh" Nhóm nhạc M6 chia sẻ về Ca từ và dịch ca từ

Văn hoá 31/05/2018 07:56

(Tổ Quốc) - Đêm giao lưu âm nhạc với thủ lĩnh của nhóm M6 là dịch giả Ngô Tự Lập về Ca từ và dịch ca từ cùng phần trình diễn của nhóm M6 sẽ diễn ra từ 20-23g ngày 01/6 tại Số 6 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội.

Trong ca khúc, phần lời quan trọng không kém, và trong một số trường hợp thậm chí còn quan trọng hơn, phần nhạc. Thật khó hình dung những bài hát của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Jacques Brel (Bỉ), Pete Seeger, hay Vưtsosky (Nga) mà lại không có ca từ. Bob Dylan là một trường hợp điển hình: ông nhận giải Pulitzer 2008 và Nobel văn chương năm 2016. Khi thay lời, về bản chất, bài hát trở thành một bài hát khác, cũng giống như khi một bài thơ được phổ nhạc theo hai cách, ta có hai bài hát khác nhau.

Do tầm quan trọng ca từ, và nhằm những mục đích khác nhau, khi tiếp xúc và giới thiệu ca khúc nước ngoài, người ta có những cách tiếp cận khác nhau trong xử lý ca từ. Chúng ta có thể phân biệt ba xu hướng chính: dịch sát nghĩa, phỏng dịch và phóng tác. Khảo sát một số bản dịch tiêu biểu, tác giả Ngô Tự Lập cùng các thành viên nhóm M6 và khan giả tìm hiểu vẻ đẹp của những ca khúc nước ngoài nổi tiếng, đồng thời đề cập đến một số vấn đề về dịch và dịch ca từ.

M6- một nhóm nghệ sĩ mà thành viên đồng thời những nhà văn, nhà thơ, dịch giả, kiến trúc sư, họa sĩ có tên tuổi. Hòa trộn thơ, triết, nhạc, họa, với ca từ trau chuốt, tinh tế những sâu sắc nhưng vẫn tràn trề chất liệu cuộc sống, tác phẩm của M6 vừa lạ lùng vừa thân thuộc, vì thế khá dễ hiểu và dễ cảm, dễ chạm tới trái tim người nghe.

 Nhóm nhạc M6 (ảnh congluan.vn)

Kể từ khi thành lập vào tháng 9/2006 tới nay, các thành viên trong nhóm M6 vẫn thường xuyên liên lạc và cộng tác với nhau, họ gồm những nghệ sĩ:

Ngô Tự Lập: Thủ lĩnh của M6, sinh tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải tại Liên Xô (1986), Đại học Luật Hà Nội (1993), Thạc sĩ văn chương tại Pháp (1996), Tiến sĩ ngôn ngữ và văn học Anh tại Hoa Kỳ (2006), Ngô Tự Lập từng là thuyền trưởng hải quân. Được biết đến như là một nhà văn, nhà thơ và dịch giả, nhưng ca khúc mới là lĩnh vực nghệ thuật anh thử sức đầu tiên. Bài hát đầu tiên anh công bố là Hà Nội hiphop (Bài Hát Việt, 2007) với âm hưởng và cái nhìn mới mẻ về Hà Nội. Nhiều tác phẩm của anh được đánh giá cao như Chim ngói bay về, Đường dương cầm, Nhà xưa, Những vì sao đen, Giọt nước trong ngần… Hiện nay anh công tác tại Viện Quốc tế Pháp ngữ, Hà Nội. Ca khúc của Ngô Tự Lập không chỉ nhiều cách tân về giai điệu mà còn có ca từ giàu triết lý.

Trần Đức Minh: sinh tại Hà Nội, quê ở Thái Bình. Học nhạc và chơi guitare từ khi còn học lớp 6, anh tốt nghiệp khoa sáng tác, Nhạc viện Quốc Gia Hà Nội (2000) và Đoàn ca nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam. Chịu ảnh hưởng của nhạc rock, và về sau là nhạc cổ điển phương Tây, anh là nhạc sĩ sáng tác khí nhạc và nhạc phim, đồng thời cũng là nhà phối khí có uy tín. Anh đã hai lần đoạt giải A của Hội nhạc sĩ Việt Nam với các tác phẩm Cánh rừng mùa thu (2015) và Thơm cơn mưa tháng Ba (2016). Anh cũng từng đoạt giải thưởng phối khí hiệu quả của chương trình “Bài Hát Việt” (7/2007). Bên cạnh đó, Trần Đức Minh cũng viết nhiều ca khúc với ca từ tinh tế và trau truốt.

Giáng Son: thành viên nữ duy nhất của M6, cũng là một trong những nữ nhạc sĩ xuất sắc nhất của Việt Nam hiện nay. Tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, Giáng Son hiện là giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Trước khi chuyên tâm sáng tác, Giáng Son được biết nhiều với tư cách thành viên ban nhạc “Năm dòng kẻ”. Sáng tác của Giáng Son khá đa dạng về thể loại và phong cách, nhưng chị đặc biệt nổi tiếng với ca khúc “Giấc mơ trưa” (lời của Nguyễn Vĩnh Tiến, một thành viên khác của M6) và Hà Nội mười hai mùa hoa. Giáng Son từng đoạt giải Nhạc sĩ ấn tượng của Bài Hát Việt - 2005. Album Bóng tối Jazz của chị đoạt giải Cống hiến (2016).

Nguyễn Lê Tâm: sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh là họa sĩ thiết kế đồ họa, công tác tại báo Công an nhân dân. Âm nhạc là sở thích riêng từ nhỏ. Nguyễn Lê Tâm được biết đến với vai trò là thành viên và sáng tác chính của ban nhạc “Đồng hồ báo thức” cuối thập kỷ 1990. Nguyễn Lê Tâm sáng tác có biên độ rộng từ đề tài, phong cách và độ tuổi. Bên cạnh các ca khúc dành cho tuổi trẻ như Nhắn tuổi hai mươi, Cảm ơn thời gian, Chiếc đồng hồ đáng ghét… có các ca khúc dành cho tuổi giàu trải nghiệm như Tiếng Việt, Tìm câu trả lời, Những bầu trời đang trôi, Lang thang… Với âm nhạc thiếu nhi, Nguyễn Lê Tâm cũng có những sáng tác được nhiều người yêu thích như Phép lạ hàng ngày, Thợ xây tý hon. Âm nhạc của Nguyễn Lê Tâm tự nhiên, thoải mái, không chung thủy với khuôn thức nào.

Nguyễn Thắng: yêu thích dân ca Việt Nam, nhưng anh cũng am hiểu và yêu thích sự mạnh mẽ của rock và sự tinh tế phóng túng của jazz. Tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, chọn sáo trúc làm chuyên ngành chính và đàn bầu như là nhạc cụ solo thứ hai, nhưng Nguyễn Thắng còn chơi thành thạo nhiều nhạc cụ khác. Ngoài biểu diễn và sáng tác nhạc không lời, Nguyễn Thắng còn có đam mê sáng tác ca khúc. Nhạc cho phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam: Giấc mơ của ếch xanh (đạo diễn Hà Bắc) đã đem lại cho anh giải “Âm nhạc xuất sắc nhất cho phim hoạt hình” tại Liên Hoan Phim Việt Nam lần thứ XV (2007). Ca khúc Màu Y Tý của anh đoạt giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2016. Gần đầy anh còn dành nhiều thời gian và đam mê cho nhiếp ảnh. Nguyễn Thắng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nguyễn Vĩnh Tiến: sinh tại Phú Thọ. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội và Cao học Pháp ngữ chuyên ngành "Thiết kế Đô thị với Di sản và Phát triển bền vững" (Hà Nội- Toulouse 2004), anh từng đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc và văn học, trong đó có Giải nhất “Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC 1994 về đề tài Kiến trúc cổ Việt Nam”, giải đặc biệt cuộc thi "Thơ Hay 93" của tạp chí “Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh”, Giải thưởng các cuộc thi thơ và truyện ngắn báo “Văn nghệ”, “Tiền phong” từ 1991 đến 2001. Anh được chọn là một trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc của Việt Nam năm 2005. Nguyễn Vĩnh Tiến đặc biệt nổi tiếng với tư cách là người sáng tác ca khúc. Anh đã đoạt giải của Hội đồng Nghệ thuật chương trình “Bài Hát Việt” (7/2005) với ca khúc Bà Tôi, Giải nhất dòng nhạc "Dân gian đương đại" của chương trình "Bài Hát Việt - 2005” với ca khúc Giọt sương bay lên và giải Bài hát Ấn tượng (“Bài hát Việt”, tháng 10/2007) với ca khúc Ông tôi. Nguyễn Vĩnh Tiến là Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, anh vừa thông báo đảm nhận vai trò MC của Đài Truyền hình Việt Nam.

Minh Thư

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ