• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thu phí tự động không dừng: Lộ diện "thân thế" ông chủ của Công ty Thu phí tự động VETC

Kinh tế 24/07/2019 10:22

(Tổ Quốc) - Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, tháng 7/2016, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kí kết Hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh Doanh) với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC để chính thức triển khai Dịch vụ thu phí tự động đường bộ trên toàn quốc. Theo đó, toàn bộ việc lắp đặt thiết bị thu phí tự động không dừng hiện nay được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao cho Liên doanh Công ty Cổ phần Tasco và VETC thực hiện.

VETC và Tasco có liên quan mật thiết thế nào?

Phải khẳng định rằng, thu phí tự động (thu phí không dừng) là một chủ trương đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ… chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các chủ đầu tư BOT phải thực hiện nghiêm chủ trương này nhằm góp phần minh bạch hóa hoạt động thu phí tại các dự án BOT. 

Tuy nhiên, vấn đề khiến câu chuyện trở nên khó hiểu, gây bức xúc cho các chủ đầu tư BOT và dư luận là quá trình triển khai tại Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Việc triển khai thu phí không dừng ngay từ đầu đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) - Bộ GTVT giao duy nhất cho Liên doanh Tasco – VETC thực hiện. Qua tìm hiểu, VETC chỉ vừa mới được thành lập vào ngày 8/7/2016. Có nghĩa là, sau khi thành lập được ít ngày, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã được Bộ GTVT tín nhiệm giao ngay một dự án "khủng" quy mô tầm quốc gia.

Dù còn "non trẻ", song VETC chắc chắn yên tâm vì đã có "ông anh" Tasco "đỡ đầu". Bởi, theo tìm hiểu của Báo Điện tử Tổ Quốc, cả Tasco và VETC đều do một người làm đại diện là ông Nguyễn Văn Dưỡng (SN 1982). Ông Dưỡng là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tasco và đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên của VETC. Tasco tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, thành lập từ năm 1971 với tên gọi Đội cầu Nam Hà. Lĩnh vực hoạt động ban đầu là xây dựng hạ tầng giao thông.

Được biết, Tasco có 3 lĩnh vực đầu tư trọng tâm là bất động sản, đầu tư hạ tầng giao thông và đầu tư y tế. Đối với lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, Tasco là chủ của các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BOO. Tasco xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch và các trạm thu phí tự động quy mô toàn quốc.

Theo Vietnambiz, Tasco là chủ đầu tư Dự án xây dựng công trình nâng cấp đường tỉnh 39B Thái Bình theo hình thức hợp đồng BT (tổng mức đầu tư 1.882 tỷ đồng); Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70 theo hình thức hợp đồng BT (tổng vốn đầu tư 1.543 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc (tổng mức đầu tư 3.801 tỷ đồng); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua thành phố Hải Phòng theo hình thức hợp đồng BOT (tổng mức đầu tư 2.815 tỷ đồng); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình theo hình thức hợp đồng BOT (tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng).

Từng được xem là "ông trùm" BOT một thời với hàng loạt dự án trên các tuyến đường huyết mạch, đỉnh điểm là năm 2016, Tasco từng đạt lợi nhuận 406 tỷ đồng, nhưng với hàng loạt những vụ "xả" trạm BOT, kiến nghị tạm dừng các dự án BOT khiến đây không còn là mảng kinh doanh giàu tiềm năng của đơn vị này.

Tháng 6/2018, Tasco từng khiến dư luận bức xúc vì liên quan đến sự việc trạm thu phí Tân Đệ đặt tại Thái Bình. Trạm này vốn đã hoàn thành việc thu phí. Tuy nhiên, sau khi Tasco đầu tư cải tạo một tuyến Quốc lộ 10 bằng cách tráng lại mặt đường và làm thêm một vài hạng mục trên quãng đường 5,5 km thì hiện nay xe ô tô đi qua Trạm thu phí Tân Đệ vẫn bị thu phí.

Bên cạnh đó, Công ty Tasco làm đường tránh qua thị trấn Đông Hưng (Thái Bình) với tổng mức đầu tư 440 tỷ đồng (chiều dài 6,5 km) nhưng lại được hoàn vốn thông qua Trạm thu phí Tân Đệ, cách xa đường tránh. Cách "hành xử" của Tasco khi đó  đã dấy lên sự phản đối trong dư luận.

Hiện tại, ở các lĩnh vực kinh doanh khác Tasco cũng không mấy khả quan, cụ thể như: Công ty TNHH thu phí tự động VETC lỗ 16 tỷ năm 2017, Bệnh viện mắt Hà Nội lỗ 17 tỷ đồng, công ty dịch vụ Tasco lỗ 1,6 tỷ đồng, công ty thực phẩm An Nhiên Food lỗ 144 triệu đồng, công ty về giáo dục Tasedu lỗ 359 triệu...

Được biết, Quý 1 năm 2019, Công ty cổ phần Tasco ghi nhận khoản lỗ 13 tỷ đồng trước thuế, lợi nhuận sau thuế âm 13,6 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản thua lỗ nặng nề nhất.

Dù làm ăn thua lỗ, song nhằm thực hiện hoạt động thu phí không dừng, đơn vị này đã lắp đặt 28 trạm thu phí tự động không dừng trên toàn quốc với tổng kinh phí khoảng 1.524 tỷ đồng.

VETC được "ưu ái" khi độc quyền thu phí tự động không dừng?

Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể từng thừa nhận, cần phải có 2 - 3 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tham gia để cạnh tranh và nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn.

Quan điểm này trước đó cũng là phương châm của Bộ GTVT khi triển khai chủ trương thu phí không dừng của Chính phủ. Cụ thể, để phát triển hạ tầng công nghệ giao thông, minh bạch hóa thu phí, Bộ Giao thông Vận tải đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng theo hình thức xã hội hóa. 

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà trong quá trình kêu gọi các nhà đầu tư tham gia và ký kết thì chỉ có một đơn vị là Công ty cổ phần VETC là đủ điều kiện trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Điều này đã khiến cho các nhà đầu tư BOT không còn lựa chọn nào khác, họ buộc phải ký hợp đồng với VETC.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: VETC là doanh nghiệp nào, có thế lực nào mà có thể khiến Bộ GTVT, Tổng Cục ĐBVN phải vào cuộc để buộc các nhà đầu tư phải ký hợp đồng? Đó là chưa kể việc các BOT phải trích lại từ doanh thu cho đơn vị vận hành ETC tỷ lệ 3% - 4% tổng doanh thu hằng tháng cho việc thực hiện nội dung này là quá cao so với thực tế. Mức này tương đương với mức các nhà đầu tư BOT được hưởng khi vận hành trạm thu phí – quả là một sự bất công và vô lý.  

Thời gian qua, dư luận đặt hàng loạt câu hỏi: VETC liệu có đang "ăn trên ngồi chốc" khi mà chỉ đầu tư công nghệ nhưng lại đòi hỏi các chủ đầu tư BOT phải giao hạ tầng và trích % lớn như vậy? Đơn vị nào có thể thẩm định và xác định chi phí ở đây?

Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, đại diện một số BOT cho biết, họ rất bức xúc nhưng không còn lựa chọn nào khác trong sự việc này. Bỗng chốc họ phải nhường một số làn cho VETC, phải trích % lợi nhuận cho một đơn vị mà họ không thấy xứng đáng.

"Chúng tôi nhất trí thực hiện theo chủ trương của Đảng, Chính phủ… nhưng cách thực hiện chủ trương này đang khiến chúng tôi rất bức xúc. Giá mà có thêm một vài đơn vị triển khai thu phí không dừng để chúng tôi lựa chọn thì tốt biết mấy! Ít ra thì sự việc cũng không đến nỗi như hiện nay", đại diện một BOT nói.


Nhóm PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ