(Tổ Quốc) - Liên quan đến tình trạng độc quyền sách giáo khoa gây ra nhiều hệ lụy nhiều năm nay, chiều tối 1/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã trả lời về vấn đề này.
Mức chiết khấu 20% chính là chi phí vận chuyển
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, việc độc quyền in ấn sách giáo khoa được thực hiện theo Nghị quyết 40 của Quốc hội về thực hiện chương trình giáo phổ thông năm 2000.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ |
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Tổ biên soạn bộ tài liệu, sách giáo khoa mới. Sau đó, Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa và chuyển sang Nhà xuất bản để biên tập, thiết kế, minh họa, in ấn.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục đã tổ chức đấu thầu in ở tất cả các khu vực. Việc sách giáo khoa chuyển về cho nhà trường được chia ra thành 4 khu vực nhằm giảm kinh phí sách luân chuyển.
Ông Độ cho biết thêm, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định giao quyền, nhiệm vụ cho 5 Nhà xuất bản được quyền in ấn sách giáo khoa. Vì vậy, sắp tới việc xóa độc quyền in ấn sẽ được thực hiện.
Về thông tin Nhà xuất bản Giáo dục “kêu” mỗi năm lỗ 40 tỷ nhưng lại giữ chiết khấu 25%, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, chiết khấu ban đầu là từ 20 – 25% nhưng theo báo cáo chính thức từ Nhà xuất bản Giáo dục là khoảng 18 – 20%. Việc chiết khấu ấy chính là chi phí vận chuyển, phát hành sách từ nhà in thông qua các Công ty sách thiết bị trường học để đến các em học sinh.
Tránh độc quyền, “lợi ích nhóm” trong việc in ấn sách giáo khoa
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, việc quản lý sách giáo khoa là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng |
“Đây là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm vì mỗi năm nước ta dành một khoản tiền khá lớn cho việc này.” – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng: “Chắc chắn, báo chí sẽ đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm trong việc này không. Vấn đề này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm.
Ngay trong cuộc họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí sách giáo khoa. Theo đó, việc in ấn, xuất bản sách giáo khoa phải được minh bạch, công khai, làm tốt công tác xã hội hóa, tránh độc quyền và lợi ích nhóm. Việc biên soạn cũng phải xem xét lại, không để viết vẽ vào sách giáo khoa." – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Cũng tại phiên họp Chính phủ ngày 1/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ rõ việc độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục được nêu ra, phân tích khi xây dựng đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Phó Thủ tướng cho hay, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền. Tinh thần đó được thể hiện trong Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông cũng như việc cấp phép thêm cho cá Nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa./.
Thế Công