• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Xét tuyển sớm như một cuộc chạy đua, tất cả đều vất vả nhưng hiệu quả không cao

Giáo dục 08/12/2024 07:12

(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng xét tuyển sớm như một cuộc chạy đua, tất cả đều vất vả nhưng hiệu quả không cao, Bộ GD&ĐT đang cân nhắc có thể bỏ hình thức xét tuyển này.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 7/12, báo chí đặt câu hỏi: "Theo nhiều chuyên gia, tại dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, việc khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20%. 80% còn lại dành cho kỳ xét tuyển chung sẽ tạo thêm sự công bằng cho thí sinh xét tuyển.

Liệu quá trình xét tuyển có trở nên phức tạp hơn, gia tăng thí sinh ảo, thí sinh cũng phải chờ đợi trong khi có thể đã đầy đủ yếu tố để trúng tuyển sớm? Xin Bộ GD&ĐT cho biết ý kiến về vấn đề này".

Xét tuyển sớm giống như cuộc chạy đua, tất cả đều vất vả

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Bộ GD&ĐT cũng như các bộ, ngành khác khi sửa đổi các văn bản đều dựa trên căn cứ pháp lý và thực tiễn.

Qua quá trình triển khai quy chế tuyển sinh, Bộ theo dõi và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, những người trong cuộc trực tiếp tuyển sinh đào tạo các trường, các sở, quản lý giáo dục…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Xét tuyển sớm như một cuộc chạy đua, tất cả đều vất vả nhưng hiệu quả không cao - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi về quy định khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm

"Chúng ta muốn điều chỉnh quy chế tuyển sinh phải dựa trên những quy tắc. Những quy tắc quan trọng nhất trong giáo dục đó chính là công bằng, chất lượng. Bên cạnh đó, cố gắng nâng cao hiệu quả cũng như tạo thuận lợi cho các thí sinh và các trường.

Hôm qua, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức một buổi tọa đàm rất thẳng thắn, cởi mở, có sự tham gia của khoảng 50 chuyên gia. Ý kiến của các chuyên gia, những người trong cuộc hết sức đồng thuận với dự thảo của Bộ GD&ĐT bám theo những nguyên tắc công bằng, chất lượng, hiệu quả", ông Hoàng Minh Sơn cho hay.

Phân tích về sự cần thiết cũng như tác động của việc sửa đổi này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Trước kia xét tuyển chung sau khi các em có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2017, bắt đầu có một số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm bằng học bạ và một số thành tích khác của học sinh.

Khi một cơ sở đào tạo xét tuyển sớm thì giống như cuộc chạy đua. Một cơ sở làm thì các cơ sở đào tạo khác không thể đứng yên được mà cũng phải lao vào cuộc canh tranh đó.

Tất cả cùng vất vả, từ cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ, xét tuyển và các em học sinh đang học lớp 12 cũng đôn đáo chạy các chứng chỉ, làm hồ sơ, rồi các thầy cô giáo phải xác nhận các thủ tục giấy tờ… để gom tuyển sinh.

Tất cả vất vả nhưng hiệu quả mang lại không cao. Cứ có 8 nguyện vọng trúng tuyển (trong xét tuyển sớm) thì chỉ có 1 nguyện vọng nhập học; hay có 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì sau có 1 em nhập học.

Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Minh Sơn, khi xét tuyển sớm mỗi trường làm một cách độc lập và khi Bộ tiến hành hệ thống xét tuyển chung có thể lựa chọn các nguyện vọng vào các trường, các ngành thì mới sinh ra chuyện "ảo".

"Tỉ lệ chung là thế nhưng từng trường, từng ngành không thể dự đoán được tỉ lệ ảo nên các trường có tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu hay được nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm, dẫn đến xác định các chỉ tiêu và điểm chuẩn trúng tuyển không chắc chắn và thường điểm chuẩn sẽ phải thấp đi để có thể tuyển được nhiều hơn, không dự báo được tỉ lệ trúng tuyển và tỉ lệ ảo rất lớn.

Chúng ta thấy vài năm vừa rồi, điểm chuẩn trong đợt chung một số ngành tăng vọt. Có em 25 điểm trúng tuyển ngành này nhưng cuối cùng điểm chuẩn trúng tuyển sau lại là 26 điểm, trong khi có xét tuyển sớm thì em thí sinh xét tuyển sớm đã trúng tuyển rồi. Từ sự không công bằng dẫn đến chất lượng không bảo đảm", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Minh Sơn, khi xét tuyển sớm, các em chưa hoàn thành chương trình tốt nghiệp THPT đã xét tuyển cũng tạo ra sự không công bằng.

"Những em nào có điều kiện có thể học sớm, học trước hoàn thành chương trình học kỳ I nhưng hầu hết các em phải đến tháng 5 mới hoàn thành chương trình. Như vậy điểm xét tuyển dựa trên kết quả học tập của các em là không đồng đều, cũng tạo ra bất công.

Và điểm tác động tiêu cực đến dạy và học phổ thông chính là nhiều em có tâm lý đã trúng tuyển rồi nên không quan tâm chuyện học hành nữa, đến lớp chỉ để ngồi chơi.

Nhiều em vào lớp 10 trường chuyên gần như là yên tâm trúng tuyển rồi và không tập trung vào học toàn diện, học những môn thực sự cần thiết cho đào tạo sau này.

Vì vậy chất lượng giáo dục phổ thông có tác động tiêu cực, dẫn đến cả chất lượng đào tạo đại học về sau, khi các em không chuẩn bị nền tảng tốt", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.

Cân nhắc bỏ xét tuyển sớm

Từ những bất cập của việc xét tuyển sớm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã rút ra từ thực tiễn nhiều năm, lắng nghe ý kiến trực tiếp từ người trong cuộc để điều chỉnh. Khi giảm tỉ lệ xét tuyển sớm xuống, chỉ những em thực sự có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng. Các em tập trung vào đợt xét tuyển chung bảo đảm sự công bằng, chất lượng cũng như hiệu quả và thuận lợi.

Các chuyên gia, những người trong cuộc thực sự hầu hết đồng thuận với dự thảo này, thậm chí có nhiều ý kiến đề nghị bỏ xét tuyển sớm.

"Chúng tôi sẽ cân nhắc việc này, liệu để 20% hay bỏ xét tuyển sớm để gộp vào xét tuyển chung một đợt", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Xét tuyển sớm như một cuộc chạy đua, tất cả đều vất vả nhưng hiệu quả không cao - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, đánh gia tư duy… của các trường.

"Lúc đó các trường chỉ xem xét các điểm, học sinh cũng yên tâm học hết lớp 12 và lựa chọn nguyện vọng, không phải làm gì nhiều, không phải nộp hồ sơ qua đường giấy, không phải đến từng trường, chỉ lựa chọn đúng ngành, đúng trường trên hệ thống và tự động mọi việc đã được chuyển đổi số toàn diện. Tạo ra sự thuận lợi và hiệu quả cho tất cả, hướng tới một nền giáo dục minh bạch, công bằng, chất lượng, hiệu quả, thuận tiện", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói./.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ