• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Bộ Tài chính: Nghiên cứu trình Quốc hội phương án giảm thuế xăng dầu

Thời sự 18/09/2022 19:43

(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu chính sách thuế bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu để trình Quốc hội tài kỳ họp thứ 4, xem xét quyết định.

Chiều ngày 18/9, tiếp tục chương trình Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, diễn ra Phiên Toàn thể (Tọa đàm cấp cao) với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững". Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì phiên Toàn thể. Tiếp đó, các đại biểu tiến hành thảo luận bàn tròn về chủ đề này.

Nghiên cứu trình phương án giảm thuế xăng dầu vào Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Phát biểu tại tọa đàm cấp cao, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine… đã tác động sâu rộng đến nhiều mặt nền kinh tế Việt Nam, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn thị trường lao động, tăng giá nguyên liệu đầu vào. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ổn định sản xuất kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính: Nghiên cứu trình Quốc hội phương án giảm thuế xăng dầu - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ sử dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, các chính sách miễn giảm, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp đối với tình hình kinh tế, đời sống người dân. Nhiều chính sách tài khóa, như gói chính sách tài chính hỗ trợ người lao động thuê nhà, gói hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đem lại hiệu ứng tích cực.

“Năm 2020, tác động của chính sách miễn giảm, giãn, hoãn thuế có quy mô 129.000 tỷ đồng. Năm 2021, quy mô tăng lên đến 145.000 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2022, đã miễn giảm thuế và lệ phí 35.000 tỷ đồng… Cùng với đó là nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, gói hỗ trợ người lao động thuê nhà đã và đang thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin.

Với riêng mặt hàng xăng dầu, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường. Qua chính sách này, ngân sách đã hỗ trợ khoảng hơn 13.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ cho giảm thuế ưu đãi nhập khẩu với xăng dầu từ 20% xuống 10%.

Ngoài ra theo ông Nguyễn Đức Chi, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu chính sách thuế bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu để trình Quốc hội tài kỳ họp thứ 4, xem xét quyết định. Qua đó cơ quan quản lý sẽ có được những công cụ linh hoạt để ứng phó trong trường hợp biến động mạnh của giá nhiên liệu thế giới.

Bộ Tài chính đã sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động trong các giải pháp tài khóa, để có các phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm "Dĩ bất biến ứng vạn biến" như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu.

Kiến nghị kéo dài thời gian giảm thuế VAT, xăng dầu

Tham gia cho ý kiến tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Phương, Phó TGĐ thường trực Công ty WinCommerce (Tập đoàn Masan) cho biết quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang đạt mức khoảng 175 tỷ USD. Dự báo đến năm 2025, quy mô sẽ tăng lên mức 350 tỷ USD, đóng góp khoảng 60% GDP cả nước.

Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Phương, đóng góp thị trường bán lẻ hiện nay mới chỉ đạt 15%. Trong khi đó tại các nước lân cận như Singapore có tỷ lệ đóng góp lên tới 80%, Malaysia khoảng 50%, Thái Lan 48%… “Điều này cho thấy dự địa thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn”, đại diện của Masan nhận định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính: Nghiên cứu trình Quốc hội phương án giảm thuế xăng dầu - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó TGĐ thường trực Công ty WinCommerce (Tập đoàn Masan)

Theo Phó TGĐ Tập đoàn Masan, 2 năm qua, ngành bán lẻ chịu tác động tiêu cực lớn bởi đại dịch Covid-19, cũng như biến động địa chính trị lớn như xung đột Nga - Ukraine. Những tác động này làm cho giá cả hàng hóa tăng lên cao, có những mặt hàng tăng lên đến 50%.

Trước những khó khăn này, cơ quan chức năng đã có nhiều chính sách giúp cho các doanh nghiệp bán lẻ kiềm chế được đà tăng giá như: giảm thuế xăng dầu, giảm thuế VAT…

Những chính sách này đã giúp Masan có tăng trưởng nhẹ về mặt doanh số cũng như sản xuất gia tăng, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên trước những khó khăn như xung đột Nga - Ukraine, giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao, bà Phương kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục duy trì gói hỗ trợ giá xăng dầu, cũng như thuế VAT để giúp doanh nghiệp duy trì đà phát triển.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ