(Tổ Quốc) - GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ điều này tại Hội thảo tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con được tổ chức sáng 22/5.
Báo động sự trở lại của bệnh giang mai
Tại Hội thảo này, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã rất nỗ lực vì mục tiêu những đứa trẻ sinh ra không bị lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ sang con.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế |
"Chúng ta đã có khá nhiều kinh nghiệm, ví dụ như khi phát hiện ra người mẹ mang thai bị HIV thì người phụ nữ mang thai đó được sử dụng ARV, nếu không được sử dụng thuốc kháng vi rút thì đương nhiên đứa trẻ sinh ra bị nhiễm HIV với tỷ lệ khoảng 30 - 40% thậm chí là cao hơn. Nếu điều trị, dự phòng tốt thì tỷ lệ này có thể là 0%. Về viêm gan B, đứa trẻ sinh ra từ người mẹ bị bệnh này thì sau 24 giờ phải được tiêm phòng để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm" - Thứ trưởng Tiến chia sẻ.
Về khoa học kỹ thuật, trước đây những người chồng, người vợ bị nhiễm HIV thì hạnh phúc để được có con gần như là không tưởng. Nhưng trong những năm gần đây, ngành y tế bằng nhiều biện pháp sinh sản, kỹ thuật cao đã tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng này vẫn sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường.
Từ thực tiễn cho thấy, những người mẹ ở thành phố lớn được tiếp cận dịch vụ y tế dễ hơn nhiều so với vùng sâu, vùng xa...vậy làm sao để tất cả trẻ em sinh ra ở bất kể vùng miền nào đều không có khả năng bị lây nhiễm các căn bệnh trên từ mẹ sang con, đó là vấn đề đặt ra đối với ngành y tế trong thời gian tới.
"Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, đã có sự xuất hiện của căn bệnh giang mai sau một thời gian dài vắng bóng. Đây là một sự báo động, nhắc nhở cho ngành y tế Việt Nam cần có sự hành động phù hợp, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này. - Thứ trưởng Tiến cho hay.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1.500 - 2.000 trẻ sinh ra nhiễm HIV
Theo thống kê, mỗi năm cả nước Việt Nam có khoảng 5.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không can thiệp thì với tỷ lệ 30 - 40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.5000 đến 2.000 trẻ em nhiễm HIV được sinh ra.
Toàn cảnh Hội thảo |
Đối với viêm gan B, Việt Nam là nước có tỷ lệ lưu hành cao nhất thế giới (10 - 20%). Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm phụ nữ mang thai khoảng 10 - 20% và 90% trẻ sinh ra từ các bà mẹ lây nhiễm viêm gan B có thể bị nhiễm từ mẹ. Với giang mai, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con chiếm khoảng 40 - 70%.
Cũng tại Hội thảo này, TS.Ki Dong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cho hay, những bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh lây nhiễm từ mẹ sang con được khi thực hiện các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quán lỷ điều trị cho phụ nữ có thai và tiêm phòng cho trẻ sau sinh.
Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực, dịch vụ dự phòng và kiểm soát HIV/AIDS, giang mai và viêm gan B vẫn được thực hiện chủ yếu qua hệ thống, chương trình ngành dọc, thiếu sự phối hợp, liên kết cần phải có giữa các hệ thống như: CSSKSS, YTDP, Phòng chống HIV/AIDS, da liễu, truyền nhiễm...Đây chính là rào cản, hạn chế bà mẹ và trẻ sơ sinh tiếp cận dịch vụ, gây lãng phí nguồn lực cũng như làm hạn chế hiệu quả của các can thiệp. - TS Park nói.
Thế Công