Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo hệ lụy của việc tự ý dùng thuốc kháng sinh
(Tổ Quốc) - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay nhiều người đang lạm dụng thuốc. Nhiều người chỉ ho, sốt, đau đầu là sử dụng thuốc kháng sinh - vấn đề này cần phải bàn ngay trong việc quản lý dược, Thứ trưởng nói.
Với mong muốn tăng cường nhận thức trong sử dụng kháng sinh và phát huy những kết quả bước đầu trong triển khai hoạt động dược lâm sàng, ngày 22/09/2022, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức Hội nghị "Quản lý và tối ưu hóa sử dụng kháng sinh trong bệnh viện".
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dược lâm sàng là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu đối với ngành y tế, được xem là vấn đề trọng điểm, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Trong những năm qua, công tác dược lâm sàng cũng được Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo. Kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh là cần thiết.
GS.TS. Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội, cho biết thêm: "Hơn 30 năm qua con người vẫn chưa tìm ra nhóm kháng sinh nào mới nên cách duy nhất để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn là làm thế nào để quản lý và sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả".
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đặt ra vấn đề đang được quan tâm là tình trạng kháng kháng sinh tại các bệnh viện. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.
Thực tế, việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các thuốc kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.
Thứ trưởng Tuyên cho biết một trong những nguyên nhân chính gây ra kháng kháng sinh là lạm dụng nhóm thuốc này trong điều trị. Bản thân việc lạm dụng cũng có rất nhiều nguyên nhân, từ chủ quan đến khách quan. Hậu quả là bác sĩ, người dân không còn thuốc để điều trị.
"Khi kháng kháng sinh, việc sử dụng thuốc không còn hiệu quả. Lúc này, chúng ta sẽ dùng gì để điều trị?", ông nêu vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh: "Kháng thuốc kháng sinh xảy ra không phải ở riêng một quốc gia nào, đặc biệt nổi trội ở các quốc gia đang phát triển". Kháng thuốc kháng sinh sẽ gây khó khăn trong điều trị người bệnh, mỗi năm thế giới mất hàng chục tỷ USD để giải quyết vấn đề kháng thuốc.
"Việc đảm bảo quản lý kháng thuốc kháng sinh tại các cơ sở y tế là cấp thiết và cấp bách. Năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn sử dụng kháng sinh, năm 2020 Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, đây là những tài liệu không thể thiếu trong thực hành dược lâm sàng", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.
Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế nếu lên một thực trạng tại Việt Nam đó là việc tình trạng không cần tới bác sĩ lâm sàng trong điều trị.
"Nhiều người cứ có triệu chứng ho, sốt là bảo nhau mua thuốc kháng sinh uống. Chỉ cần tìm tới một dược sĩ tại một đại lý thuốc bất kỳ, nói lại các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được kê ngay kháng sinh, hạ sốt chia thành các túi cùng lời dặn uống vào buổi sáng, chiều...", ông Tuyên nói.
Những tình trạng trên là một trong những nguyên nhân lớn gây kháng kháng sinh hiện nay. Vì thế, nếu muốn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, giảm tối đa sự cố y khoa, thì việc triển khai các hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện là cần thiết. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết cần phân tích và dự báo cơ cấu bệnh tật trong vòng ít nhất 5 năm, từ đó phân tích nhu cầu người bệnh, xây dựng kế hoạch cho nhu cầu thuốc trong thời gian tới nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong bệnh viện.
TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết qua hội nghị lần này, các kiến thức và kinh nghiệm quý giá sẽ được thảo luận chia sẻ, góp phần tăng cường trong quản lý, sử dụng kháng sinh, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.