(Tổ Quốc) - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 (lần 2) tại TPHCM, thông tin cho rằng nguyên nhân của việc bùng phát và diễn biến dịch bệnh phức tạp tại TP HCM bắt nguồn từ việc ghi nhận biến chủng SARS-CoV-2 là "không chính xác".
Theo thông kê tính đến chiều 16/6, TP HCM đã ghi nhận 1.015 ca mắc COVID-19 sau 22 ngày bùng dịch, trong đó có nhiều trường hợp chưa điều tra được nguồn lây.
Do tốc độ lây lan quá nhanh, nên có một số thông tin cho rằng chủng SARS-CoV-2 lây truyền tại TP HCM là biến chủng mới.
Nói về việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, thông tin này không chính xác.
"Bộ Y tế đã kiểm tra lại thông tin từ viện Pasteur TP HCM cho thấy các kết quả giải trình tự gene ca bệnh trên địa bàn đều là chủng B.1617.2 nguồn gốc từ Ấn Độ. Chủng này có khả năng phát tán nhanh hơn chủng Anh và độc lực có xu hướng tăng lên" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Về tình hình dịch bệnh tại TP HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, đợt dịch lần này tại TP HCM có nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
Các ca bệnh không tập trung vào 1 nguồn lây duy nhất mà từ nhiều nguồn khác nhau. Do đó, công tác dập dịch ở TP HCM trong thời gian tới phải rất tích cực.
"Chúng ta cần phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, sau đó truy vết, khoanh vùng, dập dịch", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định.
Đối với công tác truy vết, dập dịch, Thứ trưởng cho rằng nếu may mắn và dễ dàng phát hiện được F0 và nỗ lực truy vết theo nguồn lây này thì dễ tìm kiếm được các F1.
Tuy nhiên, một số trường hợp cũng gây khó khăn cho các nhà dịch tễ học trong việc xác định nguồn lây đầu tiên. Những trường hợp này ngoài tích cực truy tìm nguồn gốc phải rà soát theo các dấu vết đã phát hiện được để truy vết càng thần tốc càng tốt nhằm giảm mức độ lây lan.