(Tổ Quốc) -Sáng nay 8/12, bên lề khai mạc hội thảo các ưu tiên của năm APEC2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao đổi với báo chí.
- Thưa ông, tại hội thảo này, Việt Nam mong chờ ý kiến đóng góp gì của các tổ chức quốc tế, học giả của Việt Nam và quốc tế để chuẩn bị cho APEC 2017?
+ Với sự nỗ lực của tất cả các bộ ngành cũng như các nền kinh tế thành viên, chúng ta đã xác định được chủ đề, với bốn ưu tiên lớn. Chủ đề năm APEC2017 là tạo động lực, vun đắp tương lai chung. Trên chủ đề chung đó xác định 4 ưu tiên: liên kết kinh tế, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là cải cách doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tất cả những ưu tiên tiên này sẽ được đưa ra bàn thảo trong ngày hôm nay, lấy ý kiến. Trên cơ sở đó, các chuyên gia, học giả, quan chức cao cấp của nền kinh tế thành viên sẽ đóng góp ưu tiên cho mục tiêu của APEC.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí |
Chúng tôi sẽ tổng hợp lại, xây dựng những kết quả cụ thể để tiến tới các hội nghị quan chức cao cấp lần thứ nhất, lần thứ 2 và 8 hội nghị Bộ trưởng chúng ta tổ chức trong năm APEC 2017 và cao nhất là tuần lễ cấp cao APEC cuối năm 2017.
- Các học giả đánh giá như thế nào về chủ đề năm APEC 2017 do Việt Nam đề xuất thưa ông?
+ Khi tôi tiếp xúc với các quan chức cao cấp, các cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Nội và Hội nghị tại Peru khi tháp tùng Chủ tịch nước tham dự hội nghị cấp cao APEC, họ đánh giá rất cao chủ đề cũng như ưu tiên của chúng ta vì đáp ứng được đúng xu thế phát triển chung của thế giới, khu vực và đồng thời sát sườn với lợi ích của các nền kinh tế thành viên. Do vậy, chủ đề lần này nhận được sự ủng hộ rất lớn.
Trên cơ sở sở đó họ tham dự rất đông đủ và muốn đóng góp, cụ thể hóa ra những sản phẩm cụ thể để đáp ứng được lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân của APEC.
- Thưa ông, khối doanh nghiệp nước chủ nhà có thể kỳ vọng gì sau khi Việt Nam tổ chức hội nghị APEC2017?
+ Chắn chắn diễn đàn kinh tế này là phục vụ người dân và doanh nghiệp do đó những ưu tiên chủ đề của hội nghị cũng là hướng tới điều đó. Nhất là hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những diễn biến rất khó khăn, phức tạp, kinh tế tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ và một số nơi có tư tưởng chống toàn cầu hóa cũng đang trỗi dậy.
Năm APEC 2017 này các nền kinh tế APEC đều muốn Việt Nam đóng được vai trò của mình là tập hợp lại, tiếp tục để diễn đàn APEC là đầu tầu, kéo nền kinh tế của thế giới và Việt Nam vượt qua khó khăn hiện tại.
Muốn làm được điều đó thì các doanh nghiệp sẽ vừa là người thực hiện vừa là người hưởng thụ từ sáng kiến, cơ chế mà chúng ta sẽ thảo luận ngày hôm nay cũng như trong suốt năm APEC để tạo môi trường thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý là đổi mới mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tôi nghĩ rằng, đây là lợi ích rất sát sườn của doanh nghiệp chúng ta. Họ vừa tham gia đóng góp ý tưởng, ngược lại các quan chức cũng sẽ trao đổi lại để làm sao kéo được doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào quá trình tự do hóa thương mại, đầu tư.
- Trong các nội dung bàn thảo của APEC lần này, có nội dung nào liên quan tới TPP sau khi Mỹ có Tổng thống mới không thưa ông?
+ Lần này chúng ta bàn về các chủ đề ưu tiên, hiện môi trường kinh tế thế giới có những biến động trong đó có Hoa Kỳ. Nhưng tinh thần chung thì tất cả các nền kinh tế, quan chức cao cấp của Hoa Kỳ tại đây đều khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Việt Nam trong năm APEC 2017, sẽ tạo ra được động lực mới, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh buôn bán, đổi mới sáng tạo tại khu vực và tạo động lực mới cho phát triển chung trong khu vực.
Đi vào cụ thể từng nội dung vấn đề thì chưa thảo luận nhưng nó sẽ trải ra trong năm 2017, nhưng tôi tin rằng những kết quả ngày hôm nay sẽ tạo động lực mới khi chính quyền của Tổng thống Mỹ mới lên thì sẽ phải xem xét bối cảnh chung để có chính sách phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ cũng như lợi ích của doanh nghiệp khu vực này./.
- Xin cảm ơn ông!
Song Đào (lược ghi)