(Tổ Quốc) - Nếu trước đây công chúng tìm đến với bảo tàng thì bây giờ bảo tàng phải tìm đến với công chúng.
Đó là một trong những chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên sau khi lắng nghe lãnh đạo Cục Di sản văn hóa báo cáo tóm tắt về những nội dung đã tập trung trao đổi tại Hội thảo – Tập huấn Ngành Di sản văn hóa năm 2017 được tổ chức tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) trong sáng 22/9.
Có mặt tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ghi nhận tinh thần làm việc khẩn trương nghiêm túc cũng như biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần làm việc của của Cục Di sản văn hóa. Kết luận về các công tác nghiệp vụ, chuyên môn, về những nội dung đã trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng nhấn mạnh đến 5 vấn đề chính.
Toàn cảnh Hội thảo – Tập huấn Ngành Di sản văn hóa năm 2017. Ảnh: Thế Trung |
Thứ nhất, vấn đề Di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững. Thứ trưởng nhận định, UNESCO với nhận thức mới coi đa dạng văn hóa là một đặc tính của nhân loại, có khả năng tạo nên một thế giới phong phú và đa dạng. Vì thế, đa dạng văn hóa là một động lực lúc đẩy sự phát triển bền vững cho cộng đồng, các dân tộc và quốc gia. Muốn bảo tồn di sản văn hóa, trước hết phải nắm vững vốn văn hóa dân tộc, đặc biệt phải nhận biết được những giá trị văn hóa tiêu biểu cần được bảo vệ, phát huy.
Nhận thức được vấn đề này, ngành văn hóa đánh giá cao sức mạnh tổng hợp của các nhà quản lý, nhà khoa học, các nguồn lực trong xã hội và từng thành viên cộng đồng bởi điều nàu có vai trò quyết định đến sự tồn vong của di sản văn hóa.
Đối với việc sử dụng công nghệ mới thu hút khách tham quan trong bảo tàng, đây là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giữ gìn và phát huy các giá trị di sản nói chung, các hiện vật bảo tàng nói riêng tạo ra cơ hội mới trong việc hấp dẫn du khách nhưng cũng đặt ra những thách thức bởi nhu cầu thưởng ngoạn các giá trị lịch sử, văn hóa của công chúng ngày càng cao.
“Nếu trước đây công chúng tìm đến với bảo tàng thì bây giờ bảo tàng phải tìm đến với công chúng. Ngoài ứng dụng công nghệ hiện đại, các bảo tàng cũng phải thay đổi cách tổ chức hoạt động, quan tâm đến việc đa dạng các loại hình, hoạt động, dịch vụ”, Thứ trưởng Liên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên tại Hội thảo – Tập huấn Ngành Di sản văn hóa năm 2017. Ảnh: Thế Trung |
Thứ trưởng cũng thông tin về công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di tích. Hành lang pháp lý về di sản văn hóa đang tiếp tục được hoàn thiện với nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành và trình ban hành. Đây sẽ là những công cụ pháp lý góp phần cũng cố hồ sơ pháp lý, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản và nâng cao chất lượng đội ngũ tham gia hoạt động tu bổ.
Thời gian qua, công tác bảo tồn phát huy giá trị của di sản văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Di sản văn hóa dần trở thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển của du lịch, tạo ra điểm đến cho nhiều du khách.
Bàn về công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Thứ trưởng cho biết Bộ VHTTDL đã hoàn thành xây dựng Chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành di sản văn hóa. Tạo điều kiện để cán bộ, công chức viên chức hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa nâng cao trình độ bản thân, đáp ứng yêu cầu công việc.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng cho hay, qua hội thảo lần này cũng chỉ ra được những khó khăn hiện tại như: nhiều địa phương chưa ban hành quy chế quản lý di tích trên địa bàn; khả năng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều cán bộ còn hạn chế; Việc xây dựng thương hiệu nhằm tăng sức thu hút của du khách của nhiều bảo tàng chưa có bước đột phá,… Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hội thảo năm nay thu hút hơn 300 đại biểu trên toàn quốc. Ảnh: Thế Trung |
Từ kết quả của cuộc Hội thảo – Tập huấn, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên yêu cầu Ngành Di sản văn hóa cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng yếu:
Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính về di sản văn hóa, trong đó tập trung nghiên cứu tổng hợp những vấn đề đặt ra sau gần 10 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa và xem xét những quy định của Nghị định số 70/2012/NĐ-CP, Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục xây dựng hồ sơ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu trình UNESCO vinh danh; Phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai – năm 2018.
Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 của các Bộ, ngành địa phương theo định hướng Công văn số 3376/BVHTTDL ngày 26/8/2016 của Bộ VHTTDL.
Trong thời gian tới, Ngành Di sản văn hóa cũng cần tăng cường hơn nữa trong công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn vững vàng nhằm kiện toàn đội ngũ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, học tập kinh nghiệm quốc tế và bảo tồn di sản văn hóa, bắt kịp với xu hướng bảo tồn gắn kết với phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Cùng với các nhiệm vụ trên, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên mong muốn sau đợt Hội thảo – Tập huấn này, mỗi cán bộ học viên hãy chắt lọc những điều gì tốt đẹp nhất để tuyên truyền đến với nhiều người. Thứ trưởng cũng giao cho Cục Di sản văn hóa tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội thảo để từ đó tham mưu, đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ trong việc triển khai, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa.
Thế Trung