(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng nay, Bộ Công Thương đã làm việc với đại diện Central Group, BigC về vụ việc gây bức xúc dư luận vừa qua. BigC cam kết ngay trong hôm nay sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp hàng dệt may của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.
Trả lời Báo Điện tử Tổ Quốc về việc BigC ngừng nhập hàng dệt may của Viiệt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng nay, Bộ Công Thương đã mời đại diện của Central Group - là tập đoàn đã mua hệ thống BigC (có quyền sở hữu BigC trong thời hạn 10 năm), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Thái Lan tại Việt Nam, đại diện BigC và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương làm việc nhằm làm sáng tỏ hơn vụ việc gây chú ý dư luận trong hai ngày qua.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Central Group là tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu lớn. Tại Việt Nam, tập đoàn này cũng sở hữu một số thương hiệu, trong đó có Nguyễn Kim...
"Họ tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 17.000 lao động Việt Nam, hàng chục nghìn lao động gián tiếp. Trong số này, tại BigC là 9.000 nghìn lao động. Central đóng góp vào ngân sách của chúng ta hàng nghìn tỷ đồng còn BigC năm 2018 đóng góp vào ngân sách 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị này còn thu mua trực tiếp sản phẩm nông nghiệp với chiết khấu 0%, họ tổ chức các tuần lễ nông sản địa phương ngay tại BigC. Ở nước ngoài, họ cũng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tuần lễ hội chợ, quảng bá hàng hoá Việt Nam tại gian hàng của họ.
Họ phối hợp như vậy theo tôi đánh giá là rất là tốt', Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, theo giải thích của đại diện Central Group trong buổi sáng nay thì họ đang có chiến lược mới cho hàng may mặc, chính vì thế họ có tạm dừng mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian khoảng 15 ngày và Tập đoàn cũng đã gửi thư cho các nhà cung ứng giải thích là dừng tạm thời.
"Quan điểm của Bộ Công Thương, như tôi đã nói, Central Group đóng góp bằng cách tạo việc làm cho lao động Việt Nam, đóng góp vào ngân sách nhà nước, họ mang hàng Việt Nam trực tiếp từ người nông dân đến tay người tiêu dùng...
Còn về việc họ tạm ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam, đó là việc của doanh nghiệp nhưng phải trên cơ sở hợp đồng đã ký với các đối tác Việt Nam và phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương một mặt bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà dầu tư nước ngoài, một mặt bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thông tin thêm, BigC cam kết ngay trong ngày hôm nay sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp hàng dệt may của Việt Nam, trong 2 tuần tới và có thể ít hơn sẽ làm việc với khoảng 100 nhà cung cấp Việt Nam tiếp theo. Còn lại 50 nhà cung cấp thì sẽ làm kỹ hơn vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa đáp ứng được những cam kết theo hợp đồng đã ký. Cũng trong sáng nay, đại diện Central Group cam kết luôn tuân thủ hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Nguồn: Bizlive
Sự việc bắt đầu bằng việc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) ngày 2/7 vừa qua đã gửi thư đến các đối tác Việt Nam, thông báo siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam kể từ tháng 7/2019.
Lý do Big C tạm dừng bán hàng may mặc Việt Nam được lý giải là vì chiến lược kinh doanh thay đổi theo sự chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan, chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn này tại thị trường Việt Nam.
Hành động này khiến hàng trăm người lao động và chủ doanh nghiệp dệt may tập trung tại văn phòng đại diện Central Group ở TP. Hồ Chí Minh căng băng rôn biểu ngữ, phản đối động thái từ chối nhập hàng may mặc Việt Nam của Central Group. Đây là những nhà cung cấp sản phẩm dệt may cho hệ thống siêu thị này. Tuy nhiên hôm nay, bất ngờ một số kho hàng của BigC từ chối nhận hàng của họ khiến hàng đã sản xuất ra không thể tiêu thụ.
Dù vậy, theo phản hồi của BigC, việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam. Đơn vị này cho biết đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.
Hiện tại, Big C Việt Nam có hơn 4000 nhà cung cấp trong chuỗi siêu thị của mình.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: "Trong sáng nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Central Group đã ký biên bản hợp tác để trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam xảy ra vấn đề tương tự thì đầu tiên Hiệp hội sẽ là đơn vị xử lý trực tiếp và Bộ Công Thương sẽ đóng vai trò hỗ trợ, tạo môi trường pháp lý, kinh doanh".