(Cinet)- Từ ngày 23-25/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực thực hiện Công ước UNESCO 2005.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu lễ khai mạc ngày 23/11 (Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế) |
(Cinet)- Từ ngày 23-25/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực thực hiện Công ước UNESCO 2005.
Đây là họat động kỷ niệm 10 năm sự ra đời của Công ước UNESCO về Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá (Công ước 2005), thông qua sự hỗ trợ về ngân sách của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (SIDA)
Phát biểu tại lễ khai mạc ngày 23/11, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa của 54 dân tộc VN với nhiều biểu đạt văn hóa phong phú, năm 2007, VN đã chính thức phê chuẩn Công ước.
Trong quá trình 10 năm tham gia Công ước, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam cam kết là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam nghiêm túc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Công ước 2005 và vừa qua đã hoàn thành tốt vai trò Phó chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2005 (nhiệm kỳ 2011-2015).
Công ước 2005 là một công cụ pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc nhằm mục tiêu bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, cụ thể biểu hiện hoặc được truyền tải qua các hoạt động văn hóa, hàng hóa và dịch vụ văn hóa-phương tiện của văn hóa đương đại. Mục tiêu của Công ước là khẳng định chủ quyền của quốc gia trong việc đưa ra các chính sách văn hóa...
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cùng các thành viên trong Ban tổ chức Hội thảo (Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế) |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa phải đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi. Đồng thời, nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội.
Tại Hội thảo, bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh ý nghĩa của việc thiết lập mối hợp tác đa phương trong bảo về và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Bên cạnh việc hoàn thành nghĩa vụ hoàn thiện báo cáo định kỳ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước, quá trình hợp tác đa phương đem lại cơ hội cho các bên liên quan xem xét và đánh giá lại cơ chế theo dõi và báo cáo hiện có đối với các chính sách và chương trình trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế) |
Chương trình Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án của UNESCO và Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ nhằm triển khai nâng cao năng lực thực hiện Công ước UNESCO 2005 về việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá.
Tổ soạn thảo gồm 15 thành viên bao gồm các Bộ, ngành và chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo dưới sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế. Cụ thể hơn, sau hoạt động tham vấn các bên liên quan và đánh giá sơ bộ về cơ chế theo dõi, tổ soạn thảo tham gia tập huấn các vấn đề trong khuôn khổ của Công ước. Đồng thời, thu thập số liệu từ các bên liên quan, xây dựng dự thảo báo cáo và tham vấn ý kiến công chúng trước khi công bố báo cáo cuối cùng.
Dự án hướng đến việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy đa dạng các biểu đạt văn hóa. Bên cạnh đó, góp phần tăng cường tính minh bạch trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo.
CN